30.000 tỷ cho vay mua nhà: Khó tiếp cận, vướng ở đâu?

30.000 tỷ cho vay mua nhà: Khó tiếp cận, vướng ở đâu?
TP - Bước sang ngày thứ năm (5/6) gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho vay mua nhà ở xã hội chính thức có hiệu lực, ghi nhận từ phía người dân và doanh nghiệp nhiều ý kiến phàn nàn tiếp cận “gói vay” khó như thi hoa hậu. Khúc mắc nằm ở đâu và “gỡ” vướng thế nào? Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN.

> Nhà xã hội kiểu mới, cơ hội cho ai?
> Ngân hàng đồng loạt mở cửa cho vay mua nhà xã hội

“Bám sát văn bản xem mình có đúng đối tượng”

Bắt đầu có sự than phiền về tiếp cận gói vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) với lãi suất hấp dẫn 6%/năm “khó như thi hoa hậu”. Thậm chí có người dân phản ánh khi họ đến tìm hiểu tại phòng giao dịch (5 NHTM Nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, MHB) nhiều nơi thiếu hướng dẫn tận tình. Vì sao vậy, phải chăng NH không mặn mà, thưa ông?

Từ hôm qua đến giờ, qua theo dõi và lắng nghe, tôi thấy nổi lên khá nhiều ý kiến. Ví như có người dân đến hỏi vay nhưng lại trình ra hợp đồng mua nhà ký từ năm 2011 hoặc ký trước ngày 7/1/2013 - thời điểm Nghị quyết 02 của Chính phủ có hiệu lực và được xem là “mốc” để NHNN và Bộ Xây dựng căn cứ làm thời điểm xét cho vay hoặc có người chưa có hợp đồng tín dụng mua nhà.

Vì đây là một vấn đề mang tính an sinh xã hội cao nên trong quy trình triển khai chuyện vay mượn không thể nói “muốn là được” ngay, điều này rất khó... Ở đây, chúng tôi rất lưu ý và đề nghị người dân có nhu cầu vay phải bám sát và soi xét kỹ hai Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn đối tượng vay.

Đây là cặp bài trùng quy định chi tiết, cụ thể rõ ràng đối tượng và đã được NHNN và Bộ Xây dựng đăng công khai trên trang web cùng tuyên truyền phổ biến. Mọi người cần đọc và “soi” xem mình có đúng đối tượng, và đáp ứng các điều kiện không.

 Ông Nguyễn Viết Mạnh
Ông Nguyễn Viết Mạnh.

Lưu ý của ông rất đáng quan tâm nhưng thực tế, ngay cả khi đã đúng đối tượng lại nảy sinh bất cập. Ví như có người than: Với một khoản vay 500 triệu đồng thì trung bình cả gốc và lãi một tháng phải trả cũng lên tới 6 triệu đồng. Trong khi với tổng thu nhập một cặp vợ chồng công chức chỉ khoảng 10-12 triệu đồng/tháng, trả nợ sẽ là một áp lực khá lớn, ngân hàng có cơ chế “nới”, giãn nào không?

 Chương trình cho vay nhà ở xã hội mong muốn hướng về những người dân có nhu cầu và chúng ta sẽ cố gắng ở mức lớn nhất. Thông tư có hiệu lực từ 1/6, dự kiến thời gian hưởng hỗ trợ lãi suất ưu đãi 6% có thể là 10 năm. Sau đó tuỳ theo thị trường, nếu lạm phát giảm hơn thì có thể thấp hơn nhưng về cơ bản đây là mức lãi suất rất hợp lý.

Ông Nguyễn Viết Mạnh

Bạn phải nhìn thấy là ngân hàng va xã hội không thể cho không hay “gánh” hộ hầu hết việc vay mượn được. Đã là hỗ trợ thì không tràn lan, ngay trong Nghị quyết 02 của Chính phủ đã giao cho các NHTM Nhà nước chứ không phải NHNN tự nghĩ ra.

Với mức chênh lệch lãi suất 1,5% như thế các NHTM không được lợi gì chưa kể vì cho vay họ phải trích lập dự phòng rủi ro ngay 0,75%; Quá trình vay là như thế trong vòng 10 năm nhưng có thể đối tượng này có thể rủi ro về thu nhập dù đạo đức người ta rất tốt.

Thực ra về điều kiện cho vay thế nào hoàn toàn từ phía Bộ Xây dựng và được căn cứ trên tình hình thực tế. Còn với ngành ngân hàng, chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ chính trị và phải chung tay gánh vác.

Khoản chênh lệch bù lãi suất này ngân hàng không được lấy một đồng nào từ ngân sách nhà nước mà hoàn toàn từ nguồn tái cấp vốn của NHNN. Chưa kể có NHTM đã sẵn sàng nâng thời hạn cho vay lên 15 năm, như vậy đã là một cố gắng lớn.

Giám sát để không trục lợi

Gói 30.000 tỷ dành 30% cho DN. Vậy đâu là căn cứ cơ sở để NHNN phân chia tỷ lệ hơn 20.000 tỷ cho người dân vay, gần 10.000 tỷ dành cho DN? Và phân chia kiểm soát tỷ lệ sẽ thế nào, thưa ông?

Tỷ lệ này là khảo sát của Bộ Xây dựng và bộ đã có trao đổi với Thủ tướng. Bộ Xây dựng qua giám sát và chịu trách nhiệm về quản lý thị trường đưa vào thông tư 07. Phía ngân hàng cũng thấy việc dành 30% cho các DN khoảng 9.000 tỷ đồng thực ra cũng hợp lý và không phải là quá nhiều. Vấn đề ở chỗ có cầu thì phải có cung, nếu không cho vay DN lấy đâu ra sản phẩm cho người mua.

Còn NHTM chỉ được phép giải ngân khi có danh mục do Bộ Xây dựng công bố công khai. Mà danh sách này để làm được, sẽ phải thẩm định từ các địa phương, rồi Bộ Xây dựng sẽ phải xem có đủ tiêu chuẩn để chuyển thành NƠXH không...

Gói cho vay với lãi suất ưu đãi thấp khiến người ta có một liên tưởng đến gói hỗ trợ lãi suất năm 2009. Hậu kiểm khi đó cho thấy có nhiều trường hợp vay đã “lách” cơ chế để hưởng lợi. Vậy, theo ông cần giám sát thế nào với gói vay này để đảm bảo chính sách được thực thi tốt, không bị lợi dụng?

Đúng là với mức lãi suất này, rất nhiều người quan tâm và muốn tiếp cận. Cũng chính vì thế, khâu giám sát hồ sơ vay của NH xác định phải rất chặt chẽ. Nhưng một mình ngân hàng không đủ, để làm được điều đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống.

Về đối tượng cho vay Bộ Xây dựng đã yêu cầu rõ: Ví như là người chưa có nhà, hoặc nhà ở dưới 8 m2/người hoặc dưới 29 m2 cho 4 người. Nói chung, đối tượng cho vay phải cực kỳ minh bạch rõ ràng. Như vậy, đòi hỏi trách nhiệm cao của chính quyền, UBND xã phường nơi đóng dấu xác nhận.

Ngoài ra việc giám sát khoản vay sẽ có cả công tác thanh kiểm tra báo cáo doanh số cho vay, sẽ có báo cáo hàng tháng về doanh số của các NH. Nói chung là sẽ rất chặt chẽ. Việc phân bổ chỉ tiêu về từng NH sẽ không có. Về cơ bản các NH cứ tiến hành, tuỳ khả năng. Chương trình dự kiến giải ngân trong 3 năm nhưng có thể khi đủ là sẽ “đóng gói” lại.

Xin cảm ơn ông !

Khánh Huyền
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG