Bắt Chủ tịch Seaprodex VN: Lộ thất thoát tiền tỉ

Bắt Chủ tịch Seaprodex VN: Lộ thất thoát tiền tỉ
Cơ quan chức năng tiếp tục phanh phui, làm rõ các “khoảng tối” tại Tổng Cty Thủy sản VN – Cty TNHH MTV (Seaprodex VN).

Bắt Chủ tịch Seaprodex VN: Lộ thất thoát tiền tỉ

> Kháng nghị tăng án phạt nguyên Phó Tổng giám đốc Seaprodex 

Cơ quan chức năng tiếp tục phanh phui, làm rõ các “khoảng tối” tại Tổng Cty Thủy sản VN – Cty TNHH MTV (Seaprodex VN).

Ngày 15/6, nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Thủy sản VN – Cty TNHH MTV (Seaprodex VN) đã bị Công an tỉnh Trà Vinh bắt tạm giam vì gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng ngân sách. Mới đây, các cơ quan chức năng tiếp tục phanh phui, làm rõ các “khoảng tối” tại đơn vị này. Và, thêm không ít vụ thất thoát tiền tỉ vốn nhà nước tại Seaprodex VN, khó thu hồi…

Chọn “chúa chổm” làm ăn, hơn 9,3 tỉ đồng tiền nhà nước… bốc hơi!

Câu chuyện xảy ra tại Cty XNK thủy sản Miền Trung (tức Seaprodex Đà Nẵng, thuộc Seaprodex VN), trước khi Cty này cổ phần hóa DN vào năm 2006. Cụ thể: Vào năm 2004, Seaprodex Đà Nẵng xuất bán hạt nhựa cho Cty TNHH TS-ARI với giá trị 2,2 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó, TS-ARI còn nợ Seaprodex Đà Nẵng 248,5 triệu đồng, đến nay vẫn không thanh toán.

Tương tự, tháng 8/2005, Seaprodex Đà Nẵng xuất khẩu hàng ủy thác qua Cty TNHH TM và giao nhận hàng hóa Long Mã, với trị giá 208.734,42USD. Cty Long Mã chỉ chi trả Seaprodex Đà Nẵng 124.116,24USD và còn 84.618,18USD nợ đến nay vẫn chưa thanh toán. Cũng trong năm 2005, Seaprodex Đà Nẵng ký hợp đồng mua bán thép lá với Cty TNHH sắt thép Thuận Phát; Cty Thuận Phát cũng nợ Seaprodex Đà Nẵng 39.844,17 USD đến tận hôm nay. Đặc biệt, trong các phi vụ bán hạt nhựa cho Cty TNHH Tự Lập từ năm 2003 – tháng 1/2006, Seaprodex Đà Nẵng đã để cho Cty Tự Lập nợ hàng tỉ đồng, mà không cách gì đòi được.

Điều đáng nói, trong khi 5 hợp đồng đã ký trước, Cty Tự Lập còn nợ 6,69 tỉ đồng chưa trả hết. Tuy nhiên, ông Trần Tấn Tâm – Phó GĐ Seaprodex Đà Nẵng lúc đó – vẫn mạnh tay ký tiếp hợp đồng bán hàng cho Cty Tự Lập, nâng tổng số nợ khó đòi của Cty Tự Lập cho Seaprodex Đà Nẵng lên hơn 7 tỉ đồng, mà đến nay, hơn 8 năm vẫn chưa thu hồi.

Với các món nợ khó đòi kể trên – tổng cộng hơn 9,3 tỉ đồng; vào năm 2007, khi Seaprodex Đà Nẵng cổ phần hóa DN, thay vì phải minh bạch khoản nợ 9,3 tỉ đồng nợ khó đòi thuộc phần vốn nhà nước và quy trách nhiệm từng cá nhân để xử lý trước khi cổ phần hóa, thì trái lại, ở Seaprodex Đà Nẵng xuất hiện những “thủ thuật”, khiến 9,3 tỉ đồng tiền nhà nước… bốc hơi, không ai chịu trách nhiệm.

Cụ thể: Khi Seaprodex Đà Nẵng cổ phần hóa, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN này được xác định là 25,7 tỉ đồng. Song, đến tháng 2/2008, không hiểu vì sao, ông Diệp Kỉnh Tần – Thứ trưởng Bộ NNPTNT lúc đó – đã ra Quyết định số 645 QĐ-BNN-ĐMDN ngày 27/2/2008, bổ sung phần công nợ phải thu khó đòi của Seaprodex Đà Nẵng (trước khi cổ phần hóa) trị giá 9,3 tỉ đồng vào khoản “giảm trừ phần vốn nhà nước” tại thời điểm chuyển đổi thành Cty cổ phần (?). Việc làm này là cố tình kéo giảm giá trị thực tế phần vốn góp của Nhà nước tại Seaprodex Đà Nẵng từ 25,7 tỉ đồng xuống còn 16,3 tỉ đồng, tương đương giảm gần 40%.

Ai chịu trách nhiệm?

Hệ quả của “thủ thuật” làm “bốc hơi” 9,3 tỉ đồng vốn nhà nước đã gây phản ứng trong dự luận Seaprodex VN suốt 5 năm qua. Ngày 3.12.2012, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã bắt buộc phải có hành động sửa sai bằng việc ra Quyết định số 3018/QĐ-BNN-ĐMDN, hủy bỏ Quyết định số 645 QĐ-BNN-ĐMDN ngày 27/2/2008, do Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần ký ban hành trước đây.

Tuy nhiên, sự việc này đã gặp phản ứng của 16 cổ đông sở hữu 25% vốn điều lệ tại Seaprodex Đà Nẵng hiện nay đã cổ phần hóa. Những cổ đông này không đồng ý Seaprodex Đà Nẵng hiện nay phải chịu khoản nợ khó đòi 9,3 tỉ đồng này; vì theo họ, trước đây không hề thấy Seaprodex Đà Nẵng công bố khoản nợ trên, nên họ mới quyết định mua cổ phiếu, đầu tư vào Seaprodex Đà Nẵng. Nay, xuất hiện khoản nợ trên là không thể chấp nhận. 16 cổ đông đe rút vốn và đòi Seaprodex Đà Nẵng bồi thường thiệt hại v.v…

Vấn đề đặt ra ở đây là ai phải chịu trách nhiệm làm “bốc hơi” 9,3 tỉ đồng tiền nhà nước tại Seaprodex Đà Nẵng trong suốt nhiều năm qua, dẫn tới tình trạng rối bời hiện nay? Thật kỳ lạ, các cá nhân phải chịu trách nhiệm trong sự vụ này, thay vì phải bị xử lý, thì trái lại, sau đó đã được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn.

Điển hình là ông Trần Tấn Tâm – Phó GĐ Seaprodex Đà Nẵng trước đây - sau khi DN cổ phần hóa được giữ chức Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng GĐ seaprodex Đà Nẵng. Và, từ tháng 3/2011 đến nay, ông Tâm là Tổng GĐ Seaprodex VN. Tương tự, ông Nguyễn Duy Dũng – Phó Tổng GĐ Seaprodex Đà Nẵng trước đây - được chuyển sang làm Tổng GĐ Seaprodex Sài Gòn (thuộc Seaprodex VN)…

Theo Lao động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.