Vì sao nông dân viết đơn trả ruộng?

Vì sao nông dân viết đơn trả ruộng?
TP - “Nếu tính chi li, một sào lúa (sào Trung bộ là 500m2) mỗi vụ mất ba tháng trời may mắn lắm chỉ thu lãi khoảng 100 ngàn đồng, trong lúc đó, đi làm lao động phổ thông như thợ nề, bốc vác... một ngày cũng có từ 150 đến 200 ngàn đồng. Tội chi không bỏ ruộng!” - một nông dân bỏ ruộng ở Quảng Bình bộc bạch.

> Sắp có báo cáo nông dân bỏ ruộng
> Nguyên Phó Thủ tướng: Không thể để người trồng lúa tiếp tục hy sinh

Nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều

Theo báo cáo gửi Bộ NN&PTNT của các địa phương ở miền Trung, con số nông dân bỏ ruộng lên đến hàng chục nghìn hộ dân và hàng nghìn ha đất trồng lúa hoang hóa trong mấy năm lại đây. Và tình trạng này đang ngày càng gia tăng khiến chính quyền các địa phương bối rối, chưa có giải pháp thích hợp để ngăn chặn.

Tại Hà Tĩnh, tổng diện tích ruộng bị bỏ hoang, hoặc người dân trực tiếp gửi đơn xin trả cho Nhà nước là 1.300ha, với hơn 7.500 hộ nông dân, 59 xã đối mặt với tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng. Còn ở Quảng Bình, có hơn 750 ha đất trồng lúa bị bỏ hoang, tập trung nhiều nhất ở hai huyện lúa Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, tại các địa phương có nhiều nông dân bỏ ruộng chưa hẳn người làm lúa gặp khó trong canh tác hoặc có nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên để thu hút nông dân vào làm công nghiệp. Tại xã Trường Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) được xem là có điều kiện lý tưởng cho người trồng lúa. Đồng ruộng bằng phẳng, phì nhiêu, hệ thống kênh mương thủy lợi đồng bộ đến từng chân ruộng, lại ở đầu nguồn nước... Thế nhưng, thời gian gần đây số hộ nông dân chủ động viết đơn xin trả ruộng ngày càng gia tăng.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, trưởng thôn Tân Tiến, xã Trường Lộc chỉ tay về phía cánh đồng hoang hóa buồn rầu cho biết: “Đây là cánh đồng Cộ, đồng Điếm. Trước đây lúa tốt bao nhiêu thì nay cỏ tốt cũng không kém. Trong vụ lúa đông - xuân vừa rồi toàn thôn có hơn 15 đơn của nông dân xin trả ruộng, thì vụ hè - thu này tiếp tục có hơn 10 đơn xin trả ruộng nữa. Cứ cái đà này thì nguy quá”.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) Nguyễn Viết Ánh cho biết: Toàn huyện có hơn 360 ha đất lúa bị bỏ hoang trong vụ hè thu này. Chính quyền chưa có giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn, mà chỉ biết tuyên truyền, động viên nông dân đừng bỏ ruộng. Trong khi đó, ở huyện Lệ Thủy, có đến hơn 8.000 ha đất lúa, nông dân không trồng mới vụ hè - thu mà để nguyên gốc rạ của vụ đông - xuân để thu lúa tái sinh.

Ruộng đồng manh mún, hiệu quả thấp

Theo nhiều nông dân ở miền Trung mà chúng tôi gặp, rất ít hộ nông dân sống đủ nhờ nghề nông. Nguyên nhân được cho là ruộng đất chia cho đầu người quá ít, chỉ vài sào đất, thậm chí là vài thước đất cho mỗi người, rồi thiên tai, dịch bệnh triền miên, cộng với vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp quá cao, trong lúc sản phẩm làm ra bán với giá rẻ mạt, thu không đủ bù chi, khiến người nông dân bỏ ruộng.

Theo tính toán của nhiều nông dân, chi phí để sản xuất 1 sào ruộng (500m2) hiện nay hết 1,5 triệu đồng, nếu được mùa, sản lượng thu được 2,7 tạ, với giá lúa như hiện nay, người nông dân chỉ lãi được 100.000 đồng/sào. Thu nhập đã thấp, trong lúc đó người trồng lúa phải nộp hàng chục khoản phí khác do HTX, thôn, xã đề ra theo đầu sào khiến người nông dân càng thêm khó khăn. “Chưa phải 1,5 triệu đồng chi phí sản xuất một sào ruộng là hết đâu, chúng tôi phải nộp thêm các khoản khác cho từng đầu sào như an ninh nội đồng, kênh mương thủy lợi, đường sá đi lại v.v... nói chung là lỗ chỏng vó” - ông Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh nói.

Nguyên nhân bỏ ruộng của người nông dân không chỉ có vậy, các chính sách hiện hành cho nông nghiệp còn nhiều bất cập khiến người nông dân không mặn mà với ruộng đồng. Ông Nguyễn Thanh Kiếm, nguyên Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cồn Nâm (đã giải thể), xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết: Tiếng là làm nông nghiệp nhưng dân ở đây chỉ mỗi khẩu chưa được nửa sào ruộng. Ai cũng được chia đất nên ruộng đồng manh mún, bờ vùng, bờ thửa “ăn” hết đất.

Cũng theo ông Kiếm, làm lúa thì lỗ nặng, nhưng người dân muốn đào ao nuôi cá trên mảnh ruộng đó để có thu nhập cao hơn thì lại không được. Chính sách an ninh lương thực đã buộc người nông dân phải bám ruộng, trong lúc nếu đầu tư làm nghề khác trên mảnh ruộng đó lại có thu nhập cao hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.