Giá sữa 'bất kham' là trách nhiệm của cả hai bộ

Giá sữa 'bất kham' là trách nhiệm của cả hai bộ
TP - Các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đang quá tập trung vào việc “đá bóng” trách nhiệm trong việc quản lý giá sữa ngoại mà quên rằng giá sữa bất kham là do công tác quản lý và phối hợp của cả hai bộ này.

> Bộ Y tế giải trình về quản lý giá sữa
> Quản lý giá sữa: Hổng do đâu?

“Đá bóng” trách nhiệm

Câu chuyện ai phải chịu trách nhiệm trước việc sữa ngoại tăng giá “ngoài luật” thời gian qua ngày càng khiến dư luận chú ý khi cả hai Bộ Tài chính và Bộ Y tế đều cho rằng, giá sữa tăng do những quy định và trách nhiệm của bộ khác. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 18/9, Bộ Tài chính cho rằng, do các sản phẩm sữa đã “thay tên đổi họ” theo quy định mới của Bộ Y tế thành các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung sữa nên không còn nằm trong diện phải đăng ký giá bán. Điều này cũng có thể hiểu vì thế mà Bộ Tài chính không quản lý được việc tăng giá.

Trong khi đó, trước ý kiến cho rằng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trong việc sữa ngoại tăng giá, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, trong 5 năm qua, dù Bộ Y tế không đưa ra quy định nào về việc thay đổi tên thì giá sữa vẫn tăng đều đặn hàng năm. Như vậy, không thể nói vì thay đổi tên gọi từ sữa thành sản phẩm dinh dưỡng công thức mới dẫn đến việc tăng giá. Câu chuyện sữa ngoại mua một bán ba, lãi khủng không phải là chuyện xa lạ với người dân Việt Nam cũng như với cả các cơ quan quản lý.

Trong khi quả bóng trách nhiệm đang được đá qua đá lại giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế, người tiêu dùng, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá sữa tăng “ngoài luật”, phải cắt xén chi tiêu để mua mặt hàng thiết yếu với giá cao hơn nhiều lần so với giá gốc.

Đại diện một doanh nghiệp trong ngành sữa cho rằng, Bộ Tài chính “đổ tội” sữa ngoại tăng giá do “thay tên đổi họ” là không khách quan. Việc này chỉ đúng một phần nếu xét trên khía cạnh lách luật của doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa (nay gọi là thực phẩm công thức có bổ sung sữa và các tên gọi khác). Ở đây là vấn đề bộ quản lý giá không quản chặt chi phí của doanh nghiệp.

Theo vị này, là cơ quan quản lý nhà nước, lại nắm trong tay lực lượng quản lý giá, thanh tra tài chính, thuế và cả hải quan, nếu thấy cần can thiệp, chỉ cần Bộ Tài chính “đánh động” hoặc “khẽ ho” là các doanh nghiệp phải “nhìn trước, ngó sau” khi tăng giá ngay. “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm 2013, không doanh nghiệp nào dại đến mức tự dưng tăng giá bán cả. Chẳng qua có thể thấy lỗ hổng trong quản lý thì các hãng mới tận dụng”, vị này khẳng định.

cả hai bộ đều sơ hở

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần phải thừa nhận, giá sữa tăng có nhiều nguyên nhân trong đó có thay đổi tên gọi. Tuy nhiên, chính sự phối hợp chưa chặt chẽ, còn đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính dẫn đến hệ lụy các doanh nghiệp có cơ hội lách luật để tăng giá bán. “Giá sữa tăng thời gian qua do sơ hở trong quản lý của hai bộ và thực chất là trách nhiệm của cả hai”, ông khẳng định.

Theo ông Long, việc để tình trạng sữa ngoại mua một bán 5 gây thiệt hại kép cho người tiêu dùng kéo dài trong thời gian qua có trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính nắm trong tay Cục Quản lý giá và cơ quan thuế, hải quan. Những đơn vị này có thể kiểm tra chi phí, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu sữa ngoại. Nếu thấy bất hợp lý là có thể xử lý hoặc yêu cầu không được tăng giá. Nếu đổ lỗi do không có trong danh mục nên không quản lý, không can thiệp cũng là thiếu sót.

“Với chức năng quản lý giá, thấy bất cập là phải báo cáo, đề xuất Chính phủ biện pháp quản lý. Còn nếu thấy không hợp lý thì phải thanh tra, kiểm soát và thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng được biết. Về phía Bộ Y tế cũng vậy”, ông Long nói.

Theo một chuyên gia về giá, việc Bộ Tài chính không dám mạnh tay trước việc sữa ngoại tăng giá “ngoài luật” có thể do sợ trách nhiệm về mình. Trong khi với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ quan này hoàn toàn có thể tuýt còi các khoản chi phí bất hợp lý trong các khâu phân phối, quảng cáo, tiếp thị khiến sữa “đội giá”. “Giá sữa bất kham là do công tác quản lý. Khi có kết luận thanh tra, thấy bất cập, Bộ Tài chính nên công khai với báo chí và báo cáo cấp trên để có biện pháp xử lý”, vị này khẳng định.

Về đâu các kết luận thanh tra giá sữa?

“Người tiêu dùng bị các doanh nghiệp sữa ngoại dùng “quyền lực mềm” tác động thông qua quảng cáo, tiếp thị để hình thành tâm lý sính ngoại. Còn cơ quan quản lý quản lý không chặt chẽ khâu phân phối khiến thị trường có nhiều bất ổn như hiện nay. Nếu sau các kết luận thanh tra thị trường sữa của Bộ Tài chính được công bố công khai và có biện pháp quản lý chặt chẽ, giá sữa khó có thể tăng “ngoài luật” như hiện nay được”, một chuyên gia phân tích.

Về việc quản lý thị trường, theo các chuyên gia, hiện thị trường sữa, sản phẩm công thức có bổ sung sữa có khoảng hơn 500 dòng sản phẩm với khoảng 200 doanh nghiệp tư nhân tham gia phân phối, kinh doanh, không có sự xuất hiện nào của các doanh nghiệp nhà nước. Đây là một bất cập rất lớn do sữa không phải là mặt hàng bình thường mà thuộc nhóm 14 mặt hàng bình ổn giá.

Cùng đó, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của Trung Quốc hồi tháng 7 vừa qua. Khi đó, Ủy ban Phát triển cải cách Trung Quốc đã công bố điều tra 9 Cty sữa về hành vi độc quyền giá. Kết quả, 6 Cty sữa (có sản phẩm bán ở Việt Nam) là Mead Johnson, Abbott, Dumex, Friesland, Fonterra và Biostime của Trung Quốc đã bị phạt tổng cộng 108 triệu USD. Sau quyết định này giá sữa cho trẻ em tại Trung Quốc đã giảm khá mạnh.

“Đây là bài học quý cho Việt Nam. Nhưng việc thanh tra, xử lý phải nghiêm, thậm chí phải dùng tới hình thức truy thu cả quá trình chi phí bất hợp lý của doanh nghiệp. Phải đặt câu hỏi tại sao cơ quan quản lý không làm như vậy. Việc chặn những bất cập, bất công này đòi hỏi Bộ Tài chính phải ra tay”, ông Long kiến nghị

Về những bất cập trong quản lý giá sữa, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, thanh tra kiểm tra việc chấp hành về thuế của vài năm gần đây thì đáng chú ý nhất là chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp kinh doanh sữa ngoại có rất nhiều doanh nghiệp vượt mức quy định 10%, có doanh nghiệp tới 40%.

Ông Thỏa cũng cho rằng, hoàn toàn có thể kiểm soát giá sữa. Chỉ cần với thông tin giá sữa bán cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu, nếu chiểu theo Luật Giá, cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để thực hiện một cuộc thanh tra về giá sữa. “Khi đó có thể căn cứ vào giá thành, vào quy chế tính giá để kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu với kết quả kiểm toán của doanh nghiệp”, ông Thỏa nói.

Năm 2009, kết quả thanh tra giá sữa ngoại của Bộ Tài chính cũng chỉ rõ việc giá sữa “cõng” quá nhiều chi phí. Như Cty Nestle có chi phí quảng cáo tiếp thị lên tới 27-38% chi phí kinh doanh. Cty Mead Johnson Nutrition chi phí quảng cáo tiếp thị tới 36- 53%. Ngay cả Cty phân phối cho sữa Mead Johnson Nutrition là Cty TNHH Phân phối Tiên Tiến cũng có chi phí tiếp thị quảng cáo tới 42%. Mức chi phí này vượt trần nhiều lần nếu so với quy định chi phí dành cho quảng cáo ở mức 10% của Việt Nam.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG