Tái cơ cấu cơ học sẽ làm triệt tiêu nhau

Tái cơ cấu cơ học sẽ làm triệt tiêu nhau
TP - Khai sinh từ việc gom một cách cơ học các doanh nghiệp cùng ngành nghề, các công ty “con, cháu” của tập đoàn, tổng công ty nhà nước thời gian qua dẫm chân, thậm chí triệt tiêu nhau. Đây là một trong những nhược điểm đặc thù. Đã đến lúc, trong quá trình tái cơ cấu, phải khắc phục được điều này.

> Vinashin trở lại mô hình Tổng công ty, thay tên mới
> Xử lý vụ Vinalines là thước đo quyết tâm chống tham nhũng
> 'Phải sắp xếp lại các DN con, cháu của Vinashin'

Quan hệ “con cháu” lỏng lẻo

Ngày 31/10, Bộ GTVT công bố thành lập Tổng công ty (TCty) Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam với tên giao dịch quốc tế hoàn toàn mới - Shipbuilding Industry Corporation (SBIC), đặt dấu chấm hết cho mô hình Tập đoàn (TĐ) Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

TCty này gồm 8 Cty con chuyên về đóng mới và sửa chữa tàu thủy là: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Thịnh Long, Cam Ranh, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn.

Đây có thể coi là tín hiệu sáng sủa nhất của riêng Vinashin và nỗ lực tái cơ cấu các TĐ và TCty trong vài năm lại đây. Tuy nhiên, nhìn danh sách Cty con của SBIC cùng hoạt động trong một lĩnh vực y hệt nhau, nỗi lo trong quá khứ của Vinashin vẫn chưa thể nguôi.

Đây là điều mà Chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự khi mới nhậm chức đã nhận ra: “Trước khi tái cơ cấu, đặc trưng của Vinashin là mối liên hệ Cty con, cháu quá lỏng lẻo. Các Cty chưa có sự hợp tác với nhau; chưa kết hợp hỗ trợ trong hoạt động sản xuất. Do đó, ở Vinashin, người ta thấy ngay hiện tượng nơi đóng tàu không kịp tiến độ, chỗ lại ít hợp đồng đóng tàu; nơi diện tích lại rộng như nhà máy Nam Triệu, Phà Rừng..., chỗ thiếu vật tư thiết bị, thiếu diện tích mặt bằng như Nhà máy đóng tàu Hạ Long...”. Nói một cách dễ hiểu hơn, một thời gian dài, đàn con cháu giống hệt nhau của Vinashin đã âm thầm tranh giành, “ăn thịt” lẫn nhau.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công, người trực tiếp phụ trách Vinashin cho biết, để tránh tình trạng dẫm chân nhau giữa 8 công ty này, TCty mẹ sẽ đảm nhận nhiệm vụ điều phối giữa các đơn vị theo hướng: Phà Rừng tập trung sửa chữa và đóng các loại tàu đến 40.000 tấn; Bạch Đằng đóng và sửa chữa các loại tàu đến 30.000 tấn; Hạ Long và Cam Ranh đảm nhận tàu 70.000 tấn... Theo Thứ trưởng Công, sự phân công này là dựa trên năng lực con người, thiết bị và vị trí địa lý của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù có nỗ lực để bóc tách, phân công nhiệm vụ, việc tái cơ cấu hiện nay vẫn đang tiến hành một cách cơ học theo kiểu: Giống nhau thì xếp vào một rổ. Nhìn lại việc chuyển Vinashinlines (công ty chuyên về vận tải biển của Vinashin) sang TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng thấy điều đó. Sau khi được chuyển sang “rổ” của Vinalines, do nợ nần tồn đọng từ trước (đặc biệt là trong tình hình bản thân các DN vận tải gốc của Vinalines kiếm không ra đơn hàng), Chính phủ vừa qua buộc phải đồng ý cho Vinashinlines phá sản.

Cần tái cơ cấu theo chiều dọc

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa phân tích, các TĐ, TCty nhà nước trước đây được hình thành từ việc sắp xếp, thu gom có phần cơ học (các đơn vị) cùng ngành nghề với nhau. Vì vậy, việc cạnh tranh nội bộ, dẫm chân lên nhau là một đặc thù của mô hình kinh tế này tại Việt Nam. Tác hại là làm cho các Cty thành viên dễ cạnh tranh và phương hại đến nhau. Nguy hại hơn, sự cạnh tranh này ngấm ngầm, không bộc lộ ra ngoài vì được đảm bảo dưới vỏ bọc “điều phối” của TĐ, TCty mẹ. Chính điều này sẽ tạo ra đặc quyền, đặc lợi, dẫn đến tiêu cực. Thậm chí là tham nhũng trong điều hành ở TĐ, TCty mẹ. Giám đốc một công ty con thuộc một TCty nói: “Hiện nay, DN thành viên đóng đô ở phía Nam ra Bắc thi công hoặc ngược lại là bình thường. Địa bàn đóng DN chỉ là một yếu tố; bản thân thành viên phải quan hệ tốt với TCty mới được chia cho gói thầu thi công”.

Để khắc phục những bất cập trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu hiện nay, sau khi cắt gọt được sự xù xì (của đầu tư ngoài ngành), các TĐ, TCty cần nhanh chóng bước vào giai đoạn tái cơ cấu thứ 2. “Phải được tổ chức chuyên sâu theo ngành dọc mà mình đảm nhận; phân công các DN để tạo ra chuỗi sản phẩm” - ông Phong nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sự phát triển của các TĐ trên thế giới bắt nguồn từ nhu cầu tự thân; các thành viên được mở rộng dựa theo tình hình kinh doanh thực tế, không phải là sự sắp đặt gượng ép. Các thành viên có ngành nghề gần gũi, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tránh sự cạnh tranh không cần thiết. Theo bà Lan, hiện nay, một số TĐ, TCty trong nước đã nỗ lực theo hướng này. Chẳng hạn, TĐ Dệt may Việt Nam đang phân chia các đơn vị sản xuất các đơn hàng khác nhau, phát triển các DN chuyên về dệt. Tuy nhiên, ngay cả trong TĐ này vẫn tồn tại tình trạng: DN dệt cứ dệt, DN may vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Không chỉ trùng lặp, dẫm chân trong nội bộ ngay giữa các TĐ, TCty cũng có thể có chồng chéo trong hoạt động. Đây là lúc thích hợp để rà soát lại thực trạng taoàn bộ các TĐ, TCty để tái cơ cấu tổng thể. Việc để các TĐ, TCty chủ động tự tái cơ cấu như hiện nay khó khả thi vì động chạm đến lợi ích nội bộ. Cần lập một ủy ban quốc gia tái cơ cấu gồm các thành viên thuộc QH, Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương... để tái cơ cấu từ ngoài vào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người dân KĐT Thanh Hà phải lấy nước từ xe stec trong đợt khủng hoảng nước sạch năm 2023
Mở giếng khoan, bổ sung nước ngầm mùa nắng nóng
TP - Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh giấy phép nâng cấp công suất khai thác nước dưới đất cho bãi giếng Mai Dịch. Cùng với nguồn nước ngầm dự phòng sẽ cung cấp thêm cho thành phố khoảng 100.000m3/ngđ để phục vụ người dân cao điểm nắng nóng năm nay.