Không bơm tiền vào nơi thua lỗ

Không bơm tiền vào nơi thua lỗ
TP - Ngày 31/10, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014, một số đại biểu Quốc hội đề xuất không bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ, nợ nần; tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc DNNN; siết kỷ luật, kỷ cương, không để lợi ích nhóm chi phối…

> Đề nghị đóng cửa ngân hàng quá yếu
> Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bàn về cải cách thị trường tài chính

Các đại biểu Quốc hội (ĐB) khẳng định sự năng động, quyết liệt trong điều hành của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Các ĐB cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của nền kinh tế và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Khám tổng quan sức khỏe nền kinh tế

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói ông vẫn chưa thực sự yên tâm với khả năng tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm ngoái. Ông đề nghị Chính phủ đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn. ĐB Thuyền ví von, đánh giá không đúng cũng như khám bệnh sai, sẽ cho uống thuốc sai và không thể khỏi.

Cho rằng kinh tế đã phục hồi, nhưng ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nêu các điểm cần lưu ý thời gian tới, đó là niềm tin của thị trường chưa phục hồi, xuất khẩu tăng nhưng kinh tế trong nước vẫn còn yếu, thâm hụt ngân sách, nợ dồn toa do vay trung hạn có thể gây bất ổn vĩ mô.

 Dân nói ngày xưa các cán bộ phải chui vào nhà dân để lấy tiếp tế, lấy thông tin đánh địch, giờ nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi không nghe. Một bộ phận không nhỏ cán bộ bây giờ gọi bảo số lạ không bao giờ nghe.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) kiến nghị cần có cuộc tổng kiểm tra sức khỏe các doanh nghiệp, từ đó đưa ra đơn thuốc đặc trị. Nhìn nhận ngân sách còn khó khăn trong thời gian tới và kéo dài chính sách miễn giảm thuế sẽ ảnh hưởng nguồn thu, ĐB Đồng đề nghị phân bổ lại ngân sách và không chi theo kiểu cào bằng.

Ông Đồng nêu vấn đề xử lý nợ xấu thông qua Cty VAMC là giải pháp tình thế, vì Ngân hàng Nhà nước khó có thể một mình giải quyết mà cần thiết lập một đoàn hỗn hợp để giúp xử lý nợ xấu.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng, VAMC như bác sĩ chữa bệnh, nhưng lại quá đông bệnh nhân, hơn nữa mới chỉ đề cập việc mua nợ xấu mà chưa rõ giải pháp xử lý đầu ra.

Đồng ý với kế hoạch tăng bội chi ngân sách của Chính phủ, nhưng ĐB Phạm Quang Khải (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn khi nền kinh tế phục hồi chậm, tốc độ phát triển nông nghiệp giảm mạnh so với các năm trước. Theo ông Khải, cần phải kiểm soát chặt đầu tư, chi tiêu ngân sách và có lộ trình để hạ bội chi.

Đổi mới thể chế kinh tế để tạo đột phá

ĐB nêu quan điểm triển vọng kinh tế Việt Nam có sáng sủa trở lại hay không phụ thuộc rất lớn vào sự đột phá về thể chế kinh tế. Đồng ý với chủ trương coi kinh tế nhà nước là chủ đạo, nhưng ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng, kinh tế nhà nước không đồng nghĩa với DNNN.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông cho rằng, cần xác định kinh tế nhà nước hỗ trợ vĩ mô để các DN đủ sức tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, đối với DNNN, chỉ nên hỗ trợ, chứ không trao cơ chế độc quyền. Không bơm tiền vào những nơi có tiền sử thua lỗ, mắc nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán.

“Nên dùng ưu ái cho những DN hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội, cho dù doanh nghiệp đó thuộc thành phần kinh tế nào”, ĐB Đồng nói.

ĐB Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề không chỉ tùy thuộc vào điều hành của Chính phủ mà còn vào quyết sách của Quốc hội, với những vấn đề trọng đại, nếu kỳ họp này đổi mới thể chế không kiên quyết thì không tạo được niềm tin.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh).

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc các DN, tổng công ty nhà nước theo từng lĩnh vực, và không có sự phân biệt. Ai có khả năng, có điều kiện đều được tham gia thi tuyển. Người được tuyển cũng phải có quyền tuyển chọn bộ máy, người giúp việc cho họ.

Chi phí lợi nhuận cũng phải công khai, đảm bảo phù hợp với hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, nếu thua lỗ, thất thoát thì phải chịu trách nhiệm, bồi thường trước pháp luật. Nói như thế không phải là phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng trong DNNN, mà ngược lại Đảng phải đóng vai trò chỉ đạo, quy tụ, đoàn kết trong toàn đơn vị”, ĐB Khá khẳng định.

Đừng để lợi ích nhóm chi phối

Cho rằng báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2013 của Chính phủ mới nêu được ưu và nhược điểm, nhưng chưa chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, một trong những yếu kém cần phải chú trọng khắc phục là kỷ cương trong thực thi chính sách pháp luật.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên)
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên).

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói: “Kỷ luật, kỷ cương là thước đo tính nghiêm minh của quyền lực nhà nước. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm tức là quyền lực nhà nước chưa được thực thi một cách đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế, yếu kém cứ kéo dài trong nhiều năm, nhưng chưa được chấn chỉnh, khắc phục làm cho hiệu lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực kém hiệu quả”.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nói: “Việc phân bổ ngân sách không nên dàn đều mà phải có trọng tâm để khuyến khích phát triển, sớm phê duyệt cơ cấu đầu tư công, có chính sách khuyến khích nông nghiệp và đặc biệt phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, không để lợi ích nhóm chi phối”.

ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) kiến nghị phân cấp cho địa phương được thẩm định nguồn vốn phê duyệt dự án và có cơ chế thẩm định sau, để giảm sự phiền hà của thủ tục hành chính.

Cần lắng nghe dân

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền trăn trở: “Dân nói ngày xưa các cán bộ phải chui vào nhà dân để lấy tiếp tế, lấy thông tin đánh địch, giờ nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi không nghe. Một bộ phận không nhỏ cán bộ bây giờ gọi bảo số lạ không bao giờ nghe”.

Đồng tình bản báo cáo của Chính phủ không tô hồng cũng không bôi đen, nhưng ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nhắc Chính phủ vẫn “nợ” đề án cải cách lương. ĐB này cho rằng, do công tác dân vận chưa tốt, nên đạo đức xã hội xuống cấp, trật tự an toàn xã hội, chống tham nhũng, lãng phí chưa đáp ứng mong chờ của nhân dân.

Đọc câu ca “Thương người ngư phủ hồn treo cột buồm”, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói rằng, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo chỉ thực hiện được khi đó là sự nghiệp của nhân dân, trong đó vai trò của ngư dân là rất quan trọng. Đặt vấn đề ngư dân Việt Nam ngày càng khó khăn, do đó khó trở thành trụ cột trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông Nam đề nghị Ngân hàng NN&PTNT nên cho ngư dân vay ưu đãi như với thị trường bất động sản.

Không chi tiền thật trên con số ảo

ĐB Hà Sỹ Đồng nói rằng, quyết định xem xét nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ là một quyết định khó khăn. Ông đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn đối với các báo cáo của Chính phủ, do nhiều đại biểu lo ngại về tính chính xác của các con số trong báo cáo. ĐB này kiến nghị cải cách hệ thống thống kê để từ kỳ họp sau không còn tái diễn cảnh quyết chi tiền thật dựa trên con số có thể ảo như hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.