Việt - Mỹ mở cửa cho nông sản của nhau

Việt - Mỹ mở cửa cho nông sản của nhau
TP - Chiều 21/11, tại Trường ĐH Cần Thơ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David Shear, nói chuyện với sinh viên và trả lời báo giới về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo đó, mức độ Mỹ mở cửa với nông sản Việt Nam sẽ ngang với mức độ Việt Nam mở cửa với nông sản Mỹ.

> Việt - Mỹ nỗ lực hoàn tất đàm phán TPP
> Hội thảo Mỹ - Việt về quyền sở hữu trí tuệ

Đại sứ David Shear nói rằng, khi hoàn thành TPP, cải thiện độ tin cậy của cộng đồng quốc tế vào thị trường Việt Nam, sẽ tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có Mỹ, vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, như giày da, dệt may, nông sản, thủy hải sản... Hiện nay, ĐBSCL đã có lợi thế cạnh tranh lớn khi xuất khẩu sang Mỹ, sau khi có TPP vẫn duy trì lợi thế đó. Năm 2012, thương mại song phương Việt Nam-Mỹ là 25 tỷ USD, trong đó nông sản 4 tỷ USD và riêng thủy hải sản Việt Nam xuất sang Mỹ hơn 1 tỷ USD, chủ yếu là tôm và cá tra.

“Tuy nhiên, mức độ Mỹ mở cửa với nông sản Việt Nam sẽ ngang với mức độ Việt Nam mở cửa với nông sản Mỹ”, Đại sứ David Shear nhấn mạnh. Ông cho biết, Việt Nam cũng phải mở cửa để đón thịt lợn của Mỹ.

PV báo Tiền Phong hỏi: “Thưa Đại sứ, cản trở lớn nhất hiện nay trong đàm phán để Việt Nam tham gia TPP là gì?”. Đại sứ David Shear trả lời: Những khó khăn, thách thức chủ yếu về mở cửa thị trường dịch vụ, lao động và nói chung các nước đều khó khăn chứ không riêng Việt Nam.

Về những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu, Đại sứ David Shear kể, ông vừa đi thăm một doanh nghiệp may mặc ở Đà Nẵng, thấy chỉ có cắt và may, trong kho chất đống vải vóc, nhưng đều nhập khẩu.

“Khi tham gia TPP, trong ngắn hạn, Việt Nam có lợi thế về da giày và dệt may, nhưng để được hưởng lợi lâu dài thì phải tăng giá trị trong chuỗi cung ứng, sản xuất được vải chất lượng cao”, ông nói.

Ông nêu trường hợp nhà máy lắp ráp của Intel ở TPHCM đã góp phần tạo ra con chip cho mình và tiêu thụ toàn cầu. Theo ông, thành công của Intel ở TPHCM là nhờ sử dụng được nguồn nhân lực cao và đang tiếp tục đào tạo thêm.

Ông nói với sinh viên: “Khi Việt Nam tiếp tục tiến trình hiện đại hóa, TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn. Và đó là các bạn, những cử nhân tương lai từ trường ĐH Cần Thơ”.

Đại sứ Shear nhiều lần nhắc đến chương trình liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao của Trường ĐH Cần Thơ với nhiều trường ĐH trong và ngoài nước, nhận định rằng sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi có nhân lực chất lượng cao, nông sản và thủy hải sản Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn, càng hấp dẫn các nhà đầu tư từ Mỹ và các nước khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG