Tỷ giá lạc quan: Nhưng chớ vội?!

Tỷ giá lạc quan: Nhưng chớ vội?!
TP - Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam tháng 11 năm 2013. Nhận xét chung môi trường kinh tế vỹ mô, thị trường tiền tệ ổn định, tuy nhiên UBGSTC cũng khuyến nghị: chính sách với tỷ giá năm 2014 cần linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

> Đại gia bí ẩn góp ngàn tỷ làm chủ ngân hàng

Dòng tiền ngoại tăng kỷ lục

Theo UBGSTCQG, cán cân thanh toán quốc tế năm 2013 dự báo thặng dư khoảng 1,502 tỷ USD. Trong đó cán cân vãng lai thặng dư khoảng 6% GDP trong nửa đầu năm, là năm thứ 2 liên tiếp thặng dự sau nhiều năm tăng trưởng âm, nhờ vào thặng dư thương mại và kiều hối khá. Vốn FDI tăng mạnh (tính đến tháng 11/2013, đạt kỷ lục 20,82 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ .

Vốn FDI giải ngân đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ) thể hiện việc tái lập niềm tin trong trung hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam. Điều này góp phần làm gia tăng nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.

Cùng đó, UBGSTCQG nhận xét: thị trường tiền tệ - ngoại hối ổn định, tỷ giá, mặt bằng lãi suất giảm mạnh so với năm ngoái. Tình trạng nợ xấu có sự cải thiện hơn nhờ sự nỗ lực tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu từ các NHTM và NHNN. Theo NHNN, tính đến tháng 9/2013 tổng số nợ các tổ chức tín dụng cơ cấu lại khoảng 300 ngàn tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu.

Kiến nghị về chính sách lãi suất - tín dụng từ nay đến hết năm UBGSTCQG cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh hỗ trợ khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng của các DN trong nước, đặc biệt DN vừa và nhỏ. Đồng thời triển khai tích cực các chương trình bảo lãnh tín dụng đối với đối tượng này, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 14-15% trong 2014. Cùng với đó đẩy nhanh và mơ rộng quy mô xử lý nợ xấu của VAMC thông qua sự hỗ trợ và tham gia của nhà đầu tư nước ngoài…

Vốn cần chảy đúng chỗ

Tuy nhiên, những khuyến nghị trên vẫn đặt trong cái nhìn từ trong nước, với các nhà đầu tư nước ngoài mới đây tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam đã đưa ra một số nhận xét khá đáng lưu ý. Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam với tiêu đề “Vẫn chưa đến đích”, HSBC nhận định: kinh tế Việt Nam có một số chuyển biến khá tích cực như lạm phát được kiềm chế ở mức thấp; xuất nhập khẩu đều đạt được mức tăng trưởng khá cao vượt kỳ vọng; thâm hụt thương mại 11 tháng chỉ còn 95 triệu USD; dòng vốn FDI giải ngân trong 11 tháng cũng đã đạt 10,5 tỷ USD.

 “Chính sách tỷ giá cần tiếp tục ổn định để góp phần vào việc ổn định lạm phát. Tuy nhiên trong năm 2014, chính sách tỷ giá cũng cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể là nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới”. 

Ngoài ra, HSBC kỳ vọng dòng tiền được chuyển từ nước ngoài vào đang tăng, tài khoản vãng lai trong tình trạng thặng dư hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng, nền kinh tế đang dần đi vào ổn định. Nhưng HSBC cũng đồng thời chỉ ra rằng: Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành Sản xuất PMI tháng 11 đã chậm lại từ mức 51,5 điểm trong tháng 10 xuống còn 50,3 điểm. Ngoài ra, HSCB cảnh báo không có những tiến bộ đáng kể để giải quyết những vướng mắc đối với cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam có nhiều nguy cơ chỉ có thể dịch chuyển ngang trong nhiều năm.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), tổ chức sáng 3/12, ông Sato Motonobu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi đặc biệt yêu cầu cần phải tái cơ cấu triệt để các DNNN. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn”, ông nói.

Theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tài chính, việc gia tăng mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực sự là một tín hiệu đáng mừng nhưng chớ vội. “Hệ thống ngân hàng rất cần lưu ý những tác động hai chiều, vốn ngoại tăng khiến gián tiếp góp phần ổn định tỷ giá, tạo điều kiện cho NHNN tăng dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên cùng với việc hoán đổi từ USD sang VND cần có những biện pháp căn cơ để “hút” tiền đồng về, tránh tạo cung tiền nhiều trong lưu thông, vô tình thêm sức ép lên lạm phát từ đó quay ngược chiều mũi tên với mục tiêu giảm lãi suất”- vị này chia sẻ .

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG