Lạm phát thấp nhất 10 năm qua

Lạm phát thấp nhất 10 năm qua
TP - Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) tại buổi họp báo công bố các số liệu kinh tế ngày 23/12, cho biết: CPI năm 2013 thấp nhất trong 10 năm qua khi chỉ tăng 6,04%. Lý do là nhờ Chính phủ tiếp tục siết chặt thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

> Chính sách tiền tệ 2014: 'Phải sống cái đã!'
> Các đại gia Việt kiếm bao nhiêu tiền trong 2013?

Ông Thắng cũng dự báo: Các tháng đầu năm và cả năm 2014, dự báo CPI vẫn sẽ tăng. Các yếu tố tác động bao gồm: do phát hành trái phiếu chính phủ, tăng giá điện, dịch vụ y tế. Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% có khả năng sẽ đạt được, tuy nhiên sự ổn định lạm phát không được chắc chắn. “Vì thế, chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện kiềm chế lạm phát”, ông Thắng nói.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Thống kê tổng hợp, CPI bình quân năm 2013 tăng 6,6%. Dự báo, sang tháng 1/2014, với việc tăng giá điện, sẽ góp phần làm tăng CPI 0,25% và đợt tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ làm CPI tăng thêm 0,08%.

 “Về tình hình kinh tế xã hội năm 2013, mức tăng trưởng GDP năm nay tuy thấp hơn mục tiêu (5,42% so với 5,5%) đề ra, nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi”.  

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết, tới đây sẽ điều chỉnh số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP). Lý do, trong quá trình điều tra thu thập thông tin, xử lý, biên soạn, phân tích số liệu GDP, Tổng cục Thống kê nhận thấy kết quả sản xuất kinh doanh của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP.

“Việc chưa phản ánh hết các kết quả trên do thực tế hạch toán cũng như cung cấp thông tin của các đơn vị sản xuất kinh doanh và tổ chức thu thập thông tin của Tổng cục Thống kê còn có những hạn chế, bất cập”, ông Tuyến nói.

Cũng theo ông Tuyến, từ năm 2002 đến nay, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại được thành lập mới, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng mà Tổng cục Thống kê thu thập chưa được cập nhật đầy đủ và thường xuyên. “Trước thực tế này, Tổng cục Thống kê chưa phản ánh hết được kết quả kinh doanh của hoạt động ngân hàng”, ông Tuyến thừa nhận.

Lãnh đạo Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng, khi điều chỉnh quy mô GDP, các chỉ tiêu về ngân hàng và nhà tự có tự ở phải được tính toán lại. Số liệu GDP điều chỉnh đã được sử dụng làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2014 và tính toán các chỉ tiêu tài chính/GDP trong năm kế hoạch 2014.

DN phá sản tăng, hơn 1 triệu người thất nghiệp

Người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì lạm phát. Trong ảnh: Khu chợ dành cho công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: hồng vĩnh
Người nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì lạm phát. Trong ảnh: Khu chợ dành cho công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Thống kê tổng hợp cho biết, năm 2013, số doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động tăng 11,9% so với năm ngoái với 60.737 DN. Trong đó, số DN đã giải thể 9.818 đơn vị; số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động 10.803 DN (tăng 35,7%); số DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký 40.116 DN.

Vì DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao nên trong năm 2013, số người thất nghiệp cũng tăng mạnh. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính khoảng hơn 1 triệu người. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 là 480.000 người. “Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, thanh niên mới ra trường độ tuổi từ 21-29 có bằng đại học hiện đang thất nghiệp vào khoảng 101.000 người”, bà Vân cho biết.

Bình luận về các số liệu vừa công bố, một trong những nguyên nhân khiến DN trong nước ngừng hoạt động, giải thể tăng, theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, là do chính sách về tiền tệ năm 2012-2013 đã không thành công trong việc cung ứng đủ vốn với lãi suất hợp lý để DN ổn định hoạt động. Việc có tới hơn 60.737 DN giải thể, ngừng hoạt động cho thấy sức khỏe của nền kinh tế rất đáng lo. Trong năm 2014, có hai việc nhà nước cần làm gấp. Thứ nhất là giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất vay để DN cạnh tranh được với DN các nước trong khu vực. Thứ hai là phải thay đổi chính sách về thuế.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bổ sung, trong năm 2014, việc quan trọng cần làm là phải rốt ráo xử lý nợ xấu. “Thời gian qua chúng ta đang tạm hoãn theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, tới đây chúng ta sẽ phải sắp xếp, chuẩn hóa lại nợ xấu theo chuẩn nợ thế giới”- ông Phong nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".