Quảng Bình:

Rừng vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng bị tàn phá

Rừng vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng bị tàn phá
TP - Những cánh rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi phục hồi, rừng vùng đệm Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng đã bị tàn phá. Khoảng hơn 40 ha rừng đã bị san phẳng…

Nhờ một người dân bản địa dẫn đường, hơn một giờ đồng hồ sau chúng tôi đã có mặt ngay tại trung tâm vùng “rừng chết”. Chúng tôi gọi là rừng chết với đúng nghĩa đen của nó.

Tất cả đã được chặt hạ và san phẳng. Bọn lâm tặc còn dùng lửa “phi tang” từ cây lớn, cây bé, kể cả những dây leo bụi rậm. Không còn bất cứ cái gì trên mặt đất ngoài đá sỏi. Hơn 30 ha rừng trong trạng thái khoanh nuôi phục hồi, phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ cho một hồ đập chứa nước khe Su đã bị thảm sát.

Ở ngay mép nước lòng hồ có vợ chồng nông dân cùng đứa con nhỏ đang cặm cụi trồng những cây keo bé xíu. Người chồng có tên là Trần Văn Chung, ở ngay thôn Cù Lạc (xã Sơn Trạch, Bố Trạch) nói: “Thấy họ vào đốn hạ cây rừng nhiều quá nên vợ chồng tôi cũng vào lấy rẫy cũ để trồng keo, không thì họ giành hết. Hiện có hơn 10 hộ vào đây làm rẫy”.

Rừng vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng bị tàn phá ảnh 1 Chúng tôi đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, Giám đốc Cty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình phải có mặt tại hiện trường kiểm tra, kết luận, có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời và phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân liên quan đến vụ việc trên để có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Nếu đúng như những gì tôi đã được thông tin, thì đây là một vụ phá rừng nghiêm trọng, bất chấp luật pháp và các quy định về quản lý và bảo vệ rừng Rừng vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng bị tàn phá ảnh 2

Ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

Đi sâu vào vùng lõi của Di sản, đến Trạm Kiểm lâm số 4, một trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nơi bắt đầu của vùng bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt khu Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Tiếng búa, tiếng rìu vang lên chan chát dội vào vách núi. Những mảng cây rừng gần như nguyên sinh cao từ 10-15 m đang bị hóa kiếp. Lớp cây này chồng lên lớp cây kia, người ta đốn gục chúng chờ thời tiết thuận lợi sẽ đốt.

Những thân gỗ có đường kính từ 30-45 cm nằm đè lên nhau còn tươi màu lá. Cánh rừng này chắc chỉ vừa bị thảm sát mấy hôm. Những thân gỗ lớn hơn đã được những người chặt hạ xẻ thịt thành ván cốp pha đưa ra khỏi rừng. Ước tính vùng rừng bị đốn hạ này không dưới 10 ha.

Khi chúng tôi đặt bút viết bài này thì diện tích bị tàn phá còn lớn hơn vì họ cắm trại tại rừng chặt hạ không kể ngày đêm. Họ đang tàn phá rừng ngay sát vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt như vậy để làm gì? Theo người dân địa phương cho biết là họ tàn phá rừng để... trồng rừng sản xuất.

Ai đã cấp phép cho họ vào vùng rừng tự nhiên, khoanh nuôi bảo vệ sau khai thác đang trở lại trạng thái gần như nguyên sinh này? Các lực lượng bảo vệ ở đây có biết không?

Chắc chắn là biết. Bởi một lẽ, vùng rừng này chỉ cách Trạm Kiểm lâm số 4 chừng 1.000 m theo đường chim bay. Một lực lượng kiểm lâm hùng hậu ở đây, rừng bị phá ngay sát nách mà không biết sao? Họ biết, nhưng theo lời của một vị lãnh đạo ở đây thì vùng rừng bị thảm sát đó không thuộc... lâm phần của Vườn, mà là lâm phần của Lâm trường Bồng Lai.

Trên bản đồ hiện trạng rừng thì hai cánh rừng bị triệt hạ kia thuộc tiểu khu 244,245,246. Tình trạng rừng được ký hiệu là rừng phục hồi và rừng trung bình. Đó là chưa nói đến đây là rừng phòng hộ xung yếu của hồ chứa khe Su và hai nhánh Rào Trổ và Ngọn Cờ. Chưa kể đây còn là rừng vùng đệm (áp lõi) của Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng.

Những người có trách nhiệm nói gì?

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Viết Nhung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình - nói:

“Đây là một vụ phá rừng nghiêm trọng trên mọi phương diện. Bởi nó vừa là rừng phòng hộ, vừa là rừng của vùng đệm Di sản  Thiên nhiên Thế giới, vừa là rừng tự nhiên đang khoanh nuôi phục hồi. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể, để có đề xuất xử lý nghiêm theo pháp luật. Còn ai đó cho phép phá rừng gần Trạm Kiểm lâm số 4 thì quả thực “coi trời bằng vung”. Vụ phá rừng ở đây là đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ gấp rút điều tra và xử lý thật nghiêm việc này”.

Được biết, ngày 13/11, ông Trần Minh Đức - Phó GĐ Sở NN&PTNT - đã thành lập đoàn lên kiểm tra. Đáng tiếc là khi kiểm tra xong, không hề có một biên bản nào được lập để báo cáo với UBND tỉnh. Khi nghe chúng tôi phản ánh thực trạng đau lòng trên, ông Đức phản ứng:

“Các anh bảo bị đốn hạ và thiêu rụi hơn 40 ha, nhưng theo chúng tôi thì họ chỉ mới phát khoảng 1,7 ha mà thôi. Quan điểm của tôi là quanh vùng khe Su có thể cho dân trồng cây sản xuất được. Bởi khi cạo trọc, đốt cháy và trồng cây thì chỉ qua một mùa mưa thảm thực vật lại lên(!?)”.

Ông Đức thừa nhận là chưa vào đến vùng gần Trạm Kiểm lâm số 4. Ông bán tín bán nghi về những thông tin mà chúng tôi đưa ra.

Một vụ chặt hạ và hoả thiêu hàng chục ha rừng tiếp giáp Di sản thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng diễn ra đã hơn nửa tháng nay với quy mô lớn, vậy mà việc phản ứng của các cấp cơ sở, địa phương và các cơ quan chức năng sở tại lại tỏ ra quá chậm chạp.

Đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT cũng không biết rằng ở vùng rừng mà chúng tôi đang phản ánh đang diễn ra một cuộc tranh chấp đất rừng quyết liệt giữa các hộ dân với hộ dân, giữa hộ dân với cán bộ công nhân lâm trường.

Lúc này đây, rất cần một cách xử lý kiên quyết, nghiêm khắc, để tránh tạo nên một tiền lệ coi thường pháp luật trong quản lý và bảo vệ rừng.

MỚI - NÓNG