Bình Định: Nỗi lo từ 'làng tỷ phú' cá ngừ đại dương

Bình Định: Nỗi lo từ 'làng tỷ phú' cá ngừ đại dương
TP - Làng Tân Thành 2 được xem là một trong những “cái nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương không chỉ ở tỉnh Bình Định mà cả miền Trung. Xã Tam Quan Bắc có trên dưới 300 tàu hành nghề thì làng này chiếm đến 80%.
Bình Định: Nỗi lo từ 'làng tỷ phú' cá ngừ đại dương ảnh 1
Trong khi ngư dân câu cá ngừ “ngủ đông” 8 tháng thì các loại hải sản khác vẫn tấp nập ở bến cá Tam Quan

Chàng thanh niên trẻ Nguyễn Dệnh (26 tuổi) là một trong những “tỷ phú 8x” ở làng biển Tân Thành 2. Ngôi nhà khang trang của anh Dệnh được cất lên cách đây 3 năm, là thành quả của 16 năm lênh đênh trên biển, đuổi theo từng đàn cá ngừ ngoài đại dương xa xăm.

Cũng như bao ngư dân khác, anh Dệnh cùng nhiều bạn tàu đã 3 tháng nay “ngồi chơi xơi nước” bởi thời gian ngư nhàn giữa những chuyến ra khơi là khá lâu.

Anh Dệnh kể: “Mùa săn cá ngừ đại dương chỉ bắt đầu vào tháng 11 đến tháng 3 (Âm lịch) năm sau, nên ngư dân chúng tôi đợi dài cổ 8 tháng nằm ở nhà. Không có việc gì làm, chỉ uống rượu, đánh bài giải khuây”.

Theo cha ra biển từ năm 10 tuổi, hiện nay, Dệnh là chủ con tàu BĐ 2994  với công suất 350 CV và hơn 20 bạn nghề là trai làng Tân Thành 2. Ước tính số vốn “giắt lưng” của chàng trai 26 tuổi chưa vợ bây giờ cũng trên vài tỷ, kể cả căn nhà mới cất và con tàu đang chầu chực chờ ngày ra khơi.

Dệnh tần ngần sửa lại đống ngư cụ đã xếp xó mấy tháng nay, buồn bã: “Làm cái nghề câu cá ngừ đại dương này, cả năm chỉ ra khơi được mấy tháng, tàu bè chết dí ở cửa biển, buồn lắm anh ạ”.

Theo lời kể của Dệnh và ngư dân ở làng Tân Thành 2 thì mỗi năm, các tàu câu cá ngừ đại dương chỉ ra khơi đúng 3 chuyến, mỗi chuyến đi trên dưới 1 tháng, thu được từ 2 – 3 tấn cá ngừ.

Anh Nguyễn Văn Tỏ (chủ tàu BD 2515), cũng là một “đại gia cá ngừ” ở Tân Thành 2 ngán ngẩm: “Chưa bao giờ nghề câu cá ngừ lại thất thu như thế này, bà con tính chuyển nghề nhưng chưa biết phải làm sao. Mỗi năm chỉ ra khơi được 4 tháng, xong lại nằm khoèo, buồn lắm. Mà khi đưa được cá về đã yên đâu. Tư thương thì ép giá, trại cá mua rẻ như bèo, nhiên liệu tăng vùn vụt”.

Được biết, sau mỗi chuyến ra khơi câu cá, cũng như bao ngư dân khác, anh Tỏ thu được khoảng 3 tấn cá, tương đương với hơn 200 triệu.

“Đó là mấy năm trước, chứ bây giờ khác rồi, mỗi chuyến được trăm rưỡi triệu là cao tay. Trừ chi phí chuẩn bị khoảng 70 triệu đồng, anh em lao động 30 triệu đồng nữa là chúng tôi đói” – Anh Tỏ buồn rầu.

Làm cách nào để mấy trăm lao động trai tráng khoẻ mạnh làng câu cá ngừ đại dương Tân Thành 2 không phải “ngồi chơi xơi nước” 8 tháng ròng rã trong năm? Làm thế nào để các lao động phát huy hết thế mạnh, tiềm năng và nhất là tránh tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”?

Đem nỗi băn khoăn này lên lãnh đạo xã Tam Quan Bắc, ông Đào Duy Hội – Chủ tịch UBND xã, cũng băn khoăn chẳng kém: “Chúng tôi cũng hướng dẫn cho bà con chuyển nghề, sang câu mực, lưới cản hoặc lưới rút trong thời gian chưa đến mùa cá ngừ đại dương. Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn lắm”.

Ông Hội giải thích thêm: “Cái khó nhất hiện nay vẫn là vốn. Lãnh đạo xã chỉ hướng dẫn chủ trương, chứ hỗ trợ vốn thì chịu, bởi ngư dân làng Tân Thành 2 sắm ngư cụ là để câu cá ngừ đại dương, bây giờ muốn chuyển sang câu mực hay lưới cản thì phải mua mới hoàn toàn những bộ ngư cụ khác. Tốn kém lắm”. Theo tính toán thì muốn chuyển nghề, mỗi tàu phải có ít nhất 300 triệu đồng. Một con số không nhỏ chút nào.

Được biết, hiện nay, toàn xã Tam Quan Bắc đã có khoảng 20 tàu đã “dứt tình” với nghề câu cá ngừ đại dương, khoảng 30 tàu khác vừa câu mực xa bờ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 (Âm lịch).

Giá nhiên liệu tăng, giá cá giảm và thời gian ngư nhàn là những nguyên nhân chính khiến hàng trăm ngư dân đang loay hoay chuyển nghề. Cứ đà này, liệu một nghề đã giúp bà con ngư dân ở đây làm giàu, có bám trụ với thời gian?

MỚI - NÓNG