Nhiều người vẫn bị lừa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và Đài Loan

Nhiều người vẫn bị lừa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và Đài Loan
TP - Thời gian gần đây, liên tiếp trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi Hàn Quốc và Đài Loan. Vì thiếu hiểu biết, nhiều người đã nộp hàng ngàn USD cho bọn lừa đảo XKLĐ mà không hề hay biết, đến khi nhận ra bị lừa thì đã quá muộn.

Đầu tháng 4/2007, thông qua môi giới, anh Nguyễn Văn Tiến (Tiểu khu 1, thị trấn Neo, Yên Dũng, Bắc Giang) lên Hà Nội làm thủ tục xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi Đài Loan. Cả tin, anh đem số tiền 7.100 USD nộp cho một “Cty ma”.

Đổi lại, anh nhận được mấy bản viết tay giấy biên nhận và giấy nhận giữ hộ tiền, người thay mặt “Cty ma” ký tên là Nguyễn Diệu Thúy (Giám đốc một Cty XKLĐ, địa chỉ tại ngõ 187 phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) với lời hứa: “Sẽ làm các thủ tục để ngày 25/5/2007 anh Tiến xuất cảnh sang Đài Loan”.

Sau khi nộp tiền, anh Tiến đợi mãi nhưng không thấy Thúy hồi âm. Quá lo lắng, anh gọi điện, Thúy trả lời là chưa đi được vì còn vướng… thủ tục. Biết không đưa được anh Tiến đi Đài Loan, Thúy đem tiền chuyển cho một người khác tên là Vũ Thị Hiếu (số nhà 12+13, dãy B, lô 8, khu đô thị mới Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) để làm thủ tục. Vũ Thị Hiếu hứa với anh Tiến là ngày 1/7/2007 sẽ xuất cảnh; nếu không đi được, sẽ trả lại toàn bộ số tiền.

Tuy nhiên, kể từ 1/7/2007 đến nay, anh Tiến đợi… dài cổ vẫn không thấy Hiếu thông báo khi nào xuất cảnh sang Đài Loan. Mãi về sau, anh Tiến mới biết mình bị lừa. Anh liền đến Cty của Vũ Thị Hiếu, đòi lại số tiền 7.100 USD, nhưng Hiếu khất lần không trả.

Tại trụ sở báo Tiền phong, anh Tiến tỏ ra lo lắng: “Toàn bộ số tiền bị lừa tôi phải đi vay từ người thân, bạn bè, ngân hàng. Cả gia đình đang hoang mang, không biết đến khi nào mới trả được số nợ khổng lồ đó”.

Theo anh Tiến, có rất nhiều người ở các địa phương khác cũng bị lừa nhưng không dám báo công an vì sợ không lấy lại được tiền.

Khác với anh Tiến, chị Nguyễn Thị Huyền (TP Việt Trì, Phú Thọ) có nguyện vọng muốn đi XKLĐ Hàn Quốc. Thông qua bạn bè, chị nộp 5.000 USD tiền đặt cọc cho một người phụ nữ ở Thái Bình để vào TPHCM “làm thủ tục” xin visa đi Hàn Quốc làm việc.

Theo chị Huyền, sở dĩ tin người phụ nữ đó là vì “nghe nói con trai của họ cũng đã nộp tiền cho Cty ở TP HCM để làm thủ tục đi Hàn Quốc”. Đến nay, đã gần 2 năm, chị Huyền vẫn chưa nhận được thông báo ngày, giờ xuất cảnh. Nghi ngờ mình bị lừa, mấy tháng qua chị Huyền đi đòi lại tiền nhưng vẫn chưa được trả.

Chị Huyền cho biết thêm, không chỉ có chị, rất nhiều người ở Vĩnh Phúc đã nộp hàng ngàn USD cho người phụ nữ này.

Lừa đảo XKLĐ tăng, vì sao?

Theo số liệu của Công an TP Hà Nội, hiện nay tại Hà Nội có khoảng hơn 60 văn phòng, chi nhánh các Cty XKLĐ đặt trụ sở giao dịch.

Tính từ đầu năm 2006 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra hơn 70 vụ lừa đảo XKLĐ; số tiền bị loại tội phạm này chiếm đoạt là hơn 52 tỷ đồng của hơn 2.000 nạn nhân.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH từng cho biết, việc xuất hiện nhiều vụ lừa đảo XKLĐ trong thời gian vừa qua là do sai phạm của doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước yếu, cộng thêm sự thiếu hiểu biết của người dân.

Nhiều doanh nghiệp thường tự nâng phí môi giới, thành lập các trung tâm ngoại ngữ, cơ sở đào tạo tràn lan, kém chất lượng để thu tiền của người dân, hứa hẹn rằng nếu người lao động học sẽ được đi nước ngoài. Đến khi ký hợp đồng, những doanh nghiệp này rất thiếu trách nhiệm, cố tình tạo các điều khoản bất lợi cho người đi XKLĐ.

Về phía người dân, đa số đều sống ở nông thôn nên thiếu hiểu biết do công tác tuyên truyền kém. Họ muốn đi XKLĐ nhưng thiếu thông tin về các chương trình tuyển chọn, không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục xin đi XKLĐ nên phải qua môi giới, dẫn đến bị lừa. Người dân thường “dính chưởng” bởi bọn “cò” XKLĐ.

Bọn “cò” này thường môi giới tuyển người với mục đích kiếm phần chênh lệch từ doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn móc nối, sử dụng cả người nước ngoài vào việc phỏng vấn, đưa ra các chương trình rồi thu tiền bất chính từ người dân.

MỚI - NÓNG