Từ cậu bé bán kem đến ông chủ doanh nghiệp 600 tỷ đồng

Từ cậu bé bán kem đến ông chủ doanh nghiệp 600 tỷ đồng
TP - Từ cậu bé bán kem, giờ Đỗ Thành Trung là ông chủ của một doanh nghiệp (DN) có tài sản hơn 600 tỷ đồng, với nhiều dự án chiến lược trị giá cả ngàn tỷ đã và đang triển khai trên toàn quốc.
Từ cậu bé bán kem đến ông chủ doanh nghiệp 600 tỷ đồng ảnh 1
Đỗ Thành Trung (phải) đang trình bày với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về phương án thành lập Tổng Cty An Lạc Viên INDEVCO (ngày 5/9/2007)

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Đỗ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty cổ phần phát triển công nghiệp Quảng Ninh (INDEVCO).

Từ ý tưởng làm sạch vùng mỏ

Hằng ngày, trên các tuyến đường của thành phố Hạ Long và thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) người ta vẫn thấy các xe rửa đường gắn tên INDEVCO…

Năm 2002, có lần, tôi đi rửa xe máy. Ông thợ rửa xe dùng một chiếc bơm cao áp nhỏ và chỉ với một xô nước, trong thời gian rất ngắn đã rửa sạch chiếc xe. Trong khi đó, nếu ở hàng rửa xe khác dùng bơm con chuột thì người ta phải mất khoảng 2 m3 nước, thời gian lâu hơn, tốn điện hơn. Từ đó, cùng với mong muốn rửa sạch các đoạn đường mà xe chở than của INDEVCO làm vương vãi đã ấp ủ từ lâu, tôi quyết định chế tạo các xe rửa đường.

Nửa đêm hôm đó, tôi gọi anh em dậy giao làm thí điểm một chiếc xe rửa đường bằng bơm cao áp, dẫn ra các vòi phun nhỏ. Sau 3 lần thử nghiệm, chiếc xe rửa đường đã hoàn chỉnh, có thể rửa sạch mọi vết bẩn bám trên mặt đường, lại tiết kiệm được rất nhiều nước. Vì thế, các đoạn đường mà xe của Cty tôi chở qua đều rất sạch.

Nhưng tại sao anh lại nhận rửa đường cho thành phố vùng mỏ này?

Tết năm 2005 , thị xã Cẩm Phả nhờ Cty rửa đường để đón Tết. Cty sẵn sàng làm và miễn phí toàn bộ. Sau đó, cũng để phục vụ Tết, lãnh đạo tỉnh đã nhờ Cty rửa đường cho thành phố Hạ Long. Công nhân Cty đã tập trung máy móc làm chỉ trong hai ngày 29 và 30 Tết, các con đường của Hạ Long đã sạch bóng.

Có người vẫn nghi ngờ về sự tự nguyện của anh?

INDEVCO đã tiếp nhận hơn 300 CBCNV từ Cty môi trường, mỗi tháng, tổng quỹ lương chi cho CBCNV khoảng 700 triệu đồng. Hiện Cty có 20 xe rửa đường, trị giá gần 30 tỷ đồng. Số tiền thu được từ sự đóng góp của người dân chỉ đáp ứng phần nhỏ chi phí này. Tôi tự nguyện làm cũng là để phần nào bù đắp lại những tác động đến môi trường mà hơn chục năm qua Cty đã gây ra.

Chúng tôi cũng vừa đặt hệ thống máy móc chuyên dụng của Đức xử lý rác thải đã trôi xuống các cống rãnh, để công nhân đỡ vất vả. Lãnh đạo tỉnh cũng như người dân Quảng Ninh rất ghi nhận điều này. Nhiều cụ cao niên, nhiều người dân địa phương đã gửi thư khen ngợi… Chúng tôi rất tự hào vì điều đó.

Sợ nhất là bị đánh giá “thiếu văn hóa”

Với số vốn ban đầu chưa đầy 600 triệu đồng, sau 11 năm, giá trị tài sản của INDEVCO đã lên tới 600 tỷ đồng. Đội ngũ CBCNV của Cty là 1.800 (với mức lương từ 1,2 triệu đồng đến 12 triệu đồng/người tháng; tổng quỹ lương mỗi tháng gần 5 tỷ đồng). INDEVCO có 5 Cty con, 4 Cty liên doanh liên kết. Trong 8 tháng đầu năm 2007, tổng doanh thu của INDEVCO đạt 338 tỷ đồng, nộp thuế 21 tỷ đồng.

Một số DA trọng điểm của INDEVCO: Liên kết cùng Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư nhà máy sản xuất kính xây dựng tại Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam), với số vốn giai đoạn I hơn 100 triệu USD; phối hợp một số DN xây dựng nhà máy sản xuất hóa chất (xô-đa) tại Cẩm Phả (Quảng Ninh), với số vốn giai đoạn I khoảng 100 triệu USD, công suất 600.000 tấn/năm…

Khi đến Cty, mọi người đều cảm nhận được sự chuyên nghiệp. Đó là biểu hiện của văn hóa DN?

Nói thực, khi Cty còn ở quy mô nhỏ, chúng tôi chưa để ý nhiều đến văn hóa DN. Thế nhưng, khi đã phát triển mạnh, chúng tôi thường xuyên phải đi nước ngoài giao dịch thì vấn đề văn hóa DN, văn hóa doanh nhân trở thành mối quan tâm hàng đầu của Cty. Văn hóa của INDEVCO được biểu hiện qua cách giao tiếp, trang phục, cách điều hành, uy tín và cả chất lượng sản phẩm, dịch vụ… và được quy định hóa.

Hằng tháng, chúng tôi chấm điểm về việc thực hiện quy định này. Nếu thực hiện không tốt thì có thể bị chuyển công tác, thậm chí cho thôi việc. Tôi sợ nhất là khi nghe ai đó đánh giá mình “thiếu văn hóa”.

Nghe nói tuổi thơ anh rất nghèo khó và vất vả?

Xuất thân từ vùng chiêm trũng Yên Khánh (Ninh Bình), gia đình tôi lúc đó rất nghèo, không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Đó là thiệt thòi rất lớn. Ngày bé, tôi vẫn hằng ngày đạp xe hơn hai chục cây số lên thị xã Ninh Bình để bán kem.

Tôi hiểu hơn ai hết cái khổ, cái nhục của người nghèo không được học hành đến nơi đến chốn. Vì thế, tôi luôn tự nhủ mình phải tự học, không được học nhiều ở trường lớp thì học ở trường đời. Không được giấu dốt.

Vì thế, ngay cả khi đã thành lập Cty, nếu trong quá trình điều hành công việc mà anh em chỉ ra được cái sai, cái chưa đúng thì tôi sửa ngay. Chúng tôi thường xuyên mời các chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan tư vấn để có phương án xử lý tốt nhất.

“Ăn lộc của đất thì phải trả ơn đất”

Đài hóa thân An Lạc Viên tư nhân đầu tiên trên cả nước của INDEVCO vừa được khánh thành tại thị xã Cẩm Phả. Xuất phát từ đâu anh có ý tưởng táo bạo này?

Tôi lớn lên và trưởng thành ở đất mỏ. Mảnh đất này đã thử thách tôi và cũng cho tôi rất nhiều. Việc xây dựng An Lạc Viên đầu tiên tại Cẩm Phả chính là để giúp tâm tư tôi được thanh thản.

Tôi nghĩ, mình đã ăn lộc của đất thì phải trả lại ơn đất. Sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động, tôi đã quyết định chuyển sang đầu tư xây dựng hệ thống An Lạc Viên trên toàn quốc và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương. Bây giờ, với tôi, xây dựng mô hình An Lạc Viên đã trở thành niềm đam mê.

Tổng Cty mang tên An Lạc Viên INDEVCO cũng đã hoàn thiện thủ tục và sẽ triển khai các An Lạc Viên tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đầu tư xây dựng An Lạc Viên với số tiền không nhỏ, liệu có thu lợi?

Đương nhiên, đã kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận. Như An Lạc Viên Quảng Ninh, tôi đầu tư xấp xỉ 100 tỷ đồng, nếu để gửi tiết kiệm thì mỗi tháng cũng có gần 1 tỷ đồng. Nhưng nếu đầu tư như thế thì chỉ được mỗi một thứ là tiền.

Còn đầu tư An Lạc Viên, về lâu dài tôi vẫn được tiền. Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được sự ghi nhận của mọi người. Hôm khánh thành An Lạc Viên, có cụ già 90 tuổi còn bắt 2 người con đã 60 và 70 tuổi dìu đến tận nơi để xem, chảy nước mắt vì xúc động. Đó là phần thưởng vô giá dành cho tôi.

Cảm ơn anh!

Đức Kế
Thực hiện

MỚI - NÓNG