Ai trục lợi bảo hiểm tàu cá: Câu hỏi vẫn bỏ ngỏ

Bảo hiểm tàu cá là chính sách tốt đẹp, khuyến khích ngư dân bám biển nên việc trục lợi là không thể chấp nhận. Ảnh: Lê Hữu Việt.
Bảo hiểm tàu cá là chính sách tốt đẹp, khuyến khích ngư dân bám biển nên việc trục lợi là không thể chấp nhận. Ảnh: Lê Hữu Việt.
TP - Ngày 8/8, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề về bảo hiểm. Nhiều vấn đề về bảo hiểm tàu cá (Tiền Phong nêu trong bài Bảo hiểm tàu cá - Ai trục lợi?) được đặt ra. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi bức thiết được đại diện Bộ Tài chính trả lời chưa thuyết phục.

Cuộc họp báo do ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Quản lý và Giám sát Bảo hiểm chủ trì.

“Ăn chia” địa bàn chỉ để chia sẻ rủi ro?

Sau tuyến bài của Tiền Phong, câu hỏi quan trọng nhất đã bị Bộ Tài chính và các doanh nghiệp khất trả lời là: Vì sao Bộ Tài chính lại chọn 4 nhà bảo hiểm tham gia và sau khi chọn 4 nhà này lại chia cho họ độc quyền phụ trách các tỉnh, triệt tiêu cạnh tranh?

Ông Huyền thừa nhận, có sự phân chia các doanh nghiệp phụ trách địa bàn. Tuy nhiên, sau khi một doanh nghiệp đứng ra nhận bảo hiểm, 3 doanh nghiệp còn lại sẽ chịu trách nhiệm đồng bảo hiểm. “Giá trị bảo hiểm lớn, lên đến 12.000 tỷ đồng, không doanh nghiệp nào dám một mình đứng ra” – ông Huyền nói.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: Giá trị tàu cá so với khả năng chi trả của các doanh nghiệp là không lớn, vì sao phải tiến hành đồng bảo hiểm? Ông Huyền cho rằng: Tính riêng biệt từng tàu là không lớn nhưng tính tổng là lớn. “Chẳng hạn, gặp một cơn bão lớn, cả nghìn con tàu gặp nạn, một doanh nghiệp khó có thể chi trả” – ông Huyền nói.

Phóng viên đặt câu hỏi tiếp: Vì sao không tạo cơ chế cạnh tranh trong nội bộ 4 doanh nghiệp mà lại chia phần cho doanh nghiệp theo từng tỉnh, làm hạn chế sự lựa chọn của ngư dân? Liệu có lợi ích nhóm như nhiều ý kiến phản ánh đến Tiền Phong? Ông Huyền trả lời: Dù mua nhà bảo hiểm nào, ngư dân cũng sẽ được hưởng quyền lợi như nhau.

Khi phóng viên nêu ví dụ ngư dân phản ánh không như vậy, ông Huyền cho biết: Có thể do công tác tuyên truyền, bán hàng... của doanh nghiệp chưa tốt, Bộ sẽ tiếp tục xem xét. Trong họp báo, một cán bộ của Bộ Tài chính tuyên bố chắc chắn: Bộ Tài chính không có văn bản phân chia địa bàn.

Tuy nhiên, như Tiền Phong phản ánh, trong Quyết định số 2764/QĐ-BTC ngày 27/10/2014, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà quyết định chọn 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Sau đó, 4 doanh nghiệp này họp phân chia địa bàn và được Bộ Tài chính chấp thuận như sau: Bảo Việt bán cho 10 tỉnh, Bảo Minh 7 tỉnh, PJICO 7 tỉnh thành và PVI chiếm lĩnh 4 tỉnh.

Nhiều chuyên gia, trong đó có nguyên đại biểu Quốc hội Lê Nam cho rằng, cách “ăn chia” địa bàn này tạo ra độc quyền, hạn chế sự lựa chọn của ngư dân cần được Bộ Tài chính nghiêm túc xem xét. Các cơ quan thanh tra công an xem xét khả năng trục lợi của doanh nghiệp trên bảo hiểm ngư dân.

Thu gần 400 tỷ, chi 60 tỷ vẫn lỗ?

Báo cáo của Bộ Tài chính phát tại họp báo cho thấy, số thu bảo hiểm tàu cá tính đến tháng 6 năm 2016 là 387 tỷ đồng; mức chi bồi thường chỉ 59,8 tỷ đồng (15% tổng số thu). Như vậy có phải doanh nghiệp bảo hiểm tàu cá đang lãi khủng?

Ông Huyền cho rằng: Có thể hiểu chênh lệch doanh thu và bồi thường là phần thu về của doanh nghiệp nhưng chưa thể coi là lợi nhuận. Ông này cho rằng, số liệu được nêu ra chỉ phản ánh tình hình 6 tháng đầu năm 2016; các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải trả bảo hiểm đến tháng 6/2017.

Ông Huyền còn cho rằng, ngoài chi phí bồi thường, còn nhiều chi phí khác như trích lập dự phòng, chi phí hoa hồng, vận hành bộ máy... “Cuối năm 2015, thì tổng số lỗ của bảo hiểm tàu cá là hơn 5 tỷ đồng” – ông Huyền nói. Câu trả lời của ông Huyền chắc chắn sẽ cần làm rõ thêm; trong đó có việc các chi phí ngoài bồi thường là gì; có hợp lý hay không.

Về trường hợp ngư dân mua bảo hiểm tàu cá nhưng khi chìm tàu không được đền bù vì thiếu bằng máy trưởng, ông Huyền cho biết: Điều kiện bằng máy trưởng là quy định chung của ngành nông nghiệp đưa ra, nên Bộ Tài chính và các ngư dân phải chấp hành. 

Cũng về điều này, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Nam cho rằng: Bộ Tài chính nên tăng cường tuyên truyền và chủ trì kiến nghị cơ chế kiểm soát ở cửa sông, không cho các tàu đã mua bảo hiểm nhưng không đủ điều kiện được đền bù ra khơi, tránh thiệt hại.

Ông Huyền cho hay: “Bộ Tài chính không trả lời vấn đề này vì không có thẩm quyền ngăn ngư dân ra khơi. Đây là vai trò trách nhiệm của địa phương” – ông Huyền nói. 

Theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách Phát triển thủy sản, chủ tàu được hỗ trợ 70-90% bảo hiểm thân vỏ tàu cá từ ngân sách. Ông Huyền cho biết, chương trình sẽ kết thúc năm 2016; sau đó sẽ tổng kết đánh giá để đề nghị tiếp tục thực hiện.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.