Áp lực tăng tỷ giá

FED tăng lãi suất USD gây áp lực tỷ giá lên VND. Ảnh: Như Ý.
FED tăng lãi suất USD gây áp lực tỷ giá lên VND. Ảnh: Như Ý.
TP - Việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đồng USD đang tạo sức ép lên tỷ giá VND/USD. Trước tâm lý dao động của thị trường, đặc biệt “ẩn số” khó lường đó là chưa biết Trung Quốc sẽ điều chỉnh tỷ giá hối đoái tiếp như thế nào? Một lần nữa bài toán điều hành tỷ giá lại đặt Ngân hàng Nhà nước trước đợt “lo toan” mới.

Thủ phạm làm tăng giá USD vẫn là “tâm lý”?!  

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, rạng sáng nay (17/12 – theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Theo đó, mức lãi suất mới mà Mỹ áp dụng sẽ dao động từ 0,25% đến 0,5%/năm. Việc Fed nâng lãi suất đồng USD được các chuyên gia trong nước dự báo từ khá lâu và cho rằng, nó sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD tại Việt Nam.

Diễn biến trên thị trường tỷ giá các ngân hàng thương mại vẫn niêm yết ở mức cao, Vietcombank vẫn đặt mức bán ra kịch trần 22.547 đồng/USD. Tuy nhiên, dấu hiệu mua vào đã hạ nhiệt khi chênh lệch giá bán ra kém tới 30 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD giảm 200 đồng bán ra xuống 22.700 đồng/USD. Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, Giám đốc Sở Giao dịch Vietcombank cho biết, thị trường đã hạ nhiệt rất nhanh sau tin Fed công bố về lãi suất. Hiện, nhu cầu mua USD cũng dịu hẳn, chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp cần thanh toán ngay.

Lần đầu chính thức lên tiếng sau 3 ngày giá USD tăng mạnh, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, tỷ giá 2 ngày qua tăng kịch trần chủ yếu là do diễn biến tâm lý, trước diễn biến Fed dự kiến tăng lãi suất và diễn biến giảm giá liên tục của đồng Nhân dân tệ (NDT). Bà Hồng nhận định: “Qua nghiên cứu, việc tỷ giá tăng chủ yếu do diễn biến tâm lý, bởi xét yếu tố cung cầu trong mấy ngày vừa qua rõ ràng trên thị trường nhu cầu mua bán ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, không có đột biến”.

Cũng theo bà Hồng, dù tỷ giá tăng kịch trần nhưng nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân vẫn được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời, đầy đủ. “Sáng nay, khi FED công bố tăng lãi suất, thị trường ít giao dịch. Chúng tôi cập nhật liên tục, cho thấy tỷ giá có tín hiệu giảm liên tục, các giao dịch mua bán lại diễn ra. Điều này cho thấy, diễn biến tỷ giá chịu tác động của yếu tố tâm lý”, Phó Thống đốc khẳng định.

Áp lực tăng tỷ giá ảnh 1

Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Như Ý.

Bao giờ điều chỉnh?

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Phát triển kinh doanh (BDI) trên thực tế khi tính toán điều chỉnh tỷ giá, NHNN đã cân nhắc tới việc FED sẽ điều chỉnh lãi suất. “Điều chỉnh này đã tính vào chính sách tiền tệ và tỷ giá, cho nên Ngân hàng Trung ương (NHTW) không bất ngờ, mà còn thở phào nhẹ nhõm rằng cuối cùng cơ quan tiền tệ quyền lực nhất thế giới đã ra quyết định”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa lưu ý có một điểm “mấu chốt” mà bất cứ nhà điều hành nào cũng nhìn vào để cân đối bài toán điều hành tỷ giá đó là lượng ngoại tệ vào- ra của một đất nước. “Hiện, Việt Nam vẫn dương ngoại tệ vào và tương đương với dự trữ ngoại hối”, ông Nghĩa cho biết.

Vậy áp lực nào đang “đè” lên tỷ giá? Theo ông Nghĩa, đáng ngại nhất là không biết Trung Quốc sẽ điều chỉnh tỷ giá hối đoái như thế nào, vì họ làm cái gì cũng bất ngờ. “Dữ liệu chưa biết được đồng NDT trên thực tế vẫn bị đánh giá cao 10% so với USD. Trong khi Trung Quốc đang có hướng tạo ra sự cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Họ phải cân bằng tỷ giá thực, 10% không phải ít, nhưng lúc nào cân bằng và khi nào họ điều chỉnh thì rất khó dự đoán”, ông Nghĩa nói.

Theo TS Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng giám đốc BIDV, áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam từ nay đến cuối năm cũng như là đầu năm tới rất lớn. Tuy nhiên, ông Lực lưu ý NHNN cũng mong muốn tạo ra được trạng thái ổn định cho câu chuyện kinh doanh trong dịp trước và sau Tết và cũng đã đưa ra thông điệp cam kết như vậy.

“Với mối quan hệ cung cầu về ngoại tệ hiện nay, và với dự trữ ngoại hối cùng sử dụng đồng bộ các công cụ thì có thể đảm bảo được tỷ giá từ nay đến cuối năm cũng như là đầu năm tới. Nhưng năm 2016 có lẽ NHNN phải linh hoạt hơn”, ông Lực phân tích.

Không lo khối ngoại rút vốn

Trước những lo ngại về việc tác động của việc FED tăng lãi suất cũng như đồng NDT giảm giá, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, rõ ràng, việc FED tăng lãi suất 0,25% đã gần như được phản ánh trong diễn biến tăng tỷ giá từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

“Với Việt Nam, vốn cho ngắn hạn chiếm thị phần rất ít, chủ yếu là vốn trung, dài hạn và vốn FDI. Chúng ta vẫn theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế do đó được các nhà đầu tư tin tưởng. Các nhà đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những lợi thế như chi phí nhân công... nên khả năng đảo chiều của dòng vốn FDI là không xảy ra”- bà Hồng nói.

MỚI - NÓNG