Biến tướng nâng cấp Thông tư thành Nghị định: Chuyên gia nói gì?

Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cải cách môi trường kinh doanh. Chính phủ cần có thái độ kiên quyết với các bộ trong rà soát, xây dựng các quy định về điều kiện kinh doanh.

Dẹp tình trạng “trên bảo dưới không nghe”

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành phải rà soát để bãi bỏ những quy định gây khó cho doanh nghiệp từ 1/7 tới là thông tin đáng mừng. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì theo thông tin từ các doanh nghiệp, thay vì bãi bỏ, các bộ đang đua nhau chuyển các điều kiện kinh doanh từ thông tư sang nghị định hoặc đưa cả thông tư vào nghị định, như:  Bộ Y tế đã nâng cấp tới 70 thông tư, Bộ NN&PTNT nâng cấp 38 thông tư, Bộ Công Thương nâng cấp 23 thông tư. Đây là sự biến tướng ở văn bản cấp cao hơn để tồn tại hợp pháp và về lâu dài khiến doanh nghiệp kiệt quệ hơn. Trong Nghị quyết 19 của Quốc hội cũng có yêu cầu phải sửa quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde (trong lĩnh vực dệt may), nhưng đến nay quy định này không được sửa.

Theo vị chuyên gia này, việc đưa thông tư gây khó doanh nghiệp vào nghị định là tình trạng “trên bảo dưới không nghe” ở nước ta. Điển hình như tại cuộc họp tháo gỡ cho doanh nghiệp tổ chức mới đây, một vị lãnh đạo cấp vụ của Bộ Công Thương còn trả lời thẳng doanh nghiệp rằng, họ làm đúng.

“Hồi làm Luật Doanh nghiệp năm 1999, chúng tôi tổng hợp có 470 điều kiện kinh doanh khác nhau và Thủ tướng đã bãi bỏ được 158 điều kiện. Tiếc là sau đó, các điều kiện kinh doanh lại bùng phát trở lại. Tôi mong Thủ tướng có động thái mạnh mẽ yêu cầu bỏ những quy định nói trên và tôi nghĩ cần phải bỏ một vài điều kiện kinh doanh của các bộ ngành để làm gương”, bà Lan nói.

“Tôi rất mong Thủ tướng quyết tâm bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đang gây cản trở doanh nghiệp. Không có lý gì mà luật lại thua thông tư của các bộ”. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Cũng theo bà Lan, thực tế Quốc hội sau khi thông qua Luật Doanh nghiệp và Đầu tư, đồng thời sau đó thông qua 7 luật khác trong đó trao quyền cho các bộ trưởng phụ trách ngành được ban hành điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý. Điều này mâu thuẫn ngay với Luật Đầu tư và mâu thuẫn trong tư duy làm luật ở Việt Nam.

“Các cơ quan của Quốc hội như Tư pháp và Kinh tế phải quan tâm, và phải chịu trách nhiệm trong việc thẩm định xem các luật có vi hiến, hay mâu thuẫn nhau không. Bộ máy giúp việc Chính phủ xây dựng văn bản pháp quy cũng cần mạnh lên và có thái độ kiên quyết với các bộ. 

Trước đây, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đóng vai trò khách quan trong xây dựng, tham vấn chính sách cho Chính phủ vì có tiếng nói khách quan và luôn tham vấn các cộng đồng. Hiện nay, cơ chế tham vấn nhiều, nhưng hỏi xong không nghe là phổ biến, dù các cuộc đối thoại diễn ra nhiều. Chính phủ cần có bộ lọc, biết lắng nghe từ người dân và doanh nghiệp”, bà Lan nói.

Rà soát chính sách hỗ trợ ra sao?

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần đòi hỏi cơ quan nhà nước đổi mới để phục vụ tốt hơn. Đúng như nguyên tắc mà Thủ tướng đã cam kết, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không phải đối tượng kiểm tra, kiểm soát như trước. 

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc rà soát, ban hành các quy định pháp luật, cần đặt vấn đề nghiêm túc là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.

Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa gửi dự thảo sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương sang Bộ Tư pháp để thẩm định.

Theo đó, trong dự thảo nghị định, Bộ Công Thương nâng cấp một số điều kiện kinh doanh về khoáng sản, điều kiện cấp mã số nhà sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh và hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng đã qua sử dụng và một số điều kiện kinh doanh khác thuộc 20 Thông tư mà cơ quan này đã ban hành trước đó. 

Tuy nhiên, trong số các quy định được nâng cấp thành nghị định, Thông tư 20 (năm 2011) về nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng không được bãi bỏ dù quy định này đã được áp dụng nhiều năm nay và bị giới kinh doanh đánh giá là không còn phù hợp.

Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho hay, hiện bộ có 2 quyết định của Thủ tướng, 11 thông tư có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc 9 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Số văn bản này cần đưa lên thành nghị định.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 1 dự thảo nghị định, 4 dự thảo nghị định khác đang được lấy ý kiến và hoàn thiện để trình Chính phủ. Ngoài ra, theo ông Lợi, có 3 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do Bộ Tài chính quản lý nhưng chưa có quy định của pháp luật, cần xây dựng mới, gồm: Nghị định kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; Nghị định kinh doanh casino; Nghị định quy định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Cả 3 nghị định này đều đã được Bộ Tài chính soạn thảo và trình Chính phủ xem xét ký ban hành.

Như vậy, sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, thay vì điều kiện kinh doanh có ở 2 quyết định và 11 thông tư, Bộ Tài chính sẽ đưa các điều kiện kinh doanh này vào 8 nghị định (ngoài ra còn nghị định liên quan tới Luật sửa đổi các luật về Thuế cũng có hiệu lực từ 1/7 tới, trong đó có các điều kiện kinh doanh).

MỚI - NÓNG