Bỏ 5% VAT cho phân bón: Doanh nghiệp, nông dân đều bất lợi

Các DN phân bón kiến nghị nên tính thuế VAT 0%, thay vì “không chịu thuế” để cả DN và nông dân được lợi. Ảnh: Thái Nguyên
Các DN phân bón kiến nghị nên tính thuế VAT 0%, thay vì “không chịu thuế” để cả DN và nông dân được lợi. Ảnh: Thái Nguyên
TP - Từ ngày 1/1/2015, các doanh nghiệp (DN) phân bón không phải chịu thuế 5% VAT. Tưởng rằng, phần giảm này sẽ tác động giảm giá phân bón cho nông dân, nhưng thực tế, cả DN và nông dân đều vào thế bất lợi.

Theo các DN sản xuất phân bón, việc phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế” VAT, khiến DN phân bón trong nước bị thiệt đơn, thiệt kép. Trước đây (khi còn tính thuế 5% VAT), khoản VAT đầu vào (nguyên, nhiên liệu, công cụ, dụng cụ, bao bì…) phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ. 

Khi bán sản phẩm phân bón, DN sẽ bán với giá trước thuế, cộng thêm 5% VAT và số thuế này DN nộp lại cho nhà nước. Tuy nhiên, khi áp dụng luật mới, các khoản trên không còn được khấu trừ như trước; khi bán sản phẩm, DN không được cộng thêm VAT. Do vậy, DN phải tính phần không được hoàn thuế VAT vào giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán, khiến giá phân bón tăng lên.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Tổng Giám đốc Cty Đạm Hà Bắc cho biết, là DN sản xuất đạm, nguyên liệu hầu hết là trong nước, phần lớn có VAT đầu vào 10% trở lên. Năm nay, Cty này hoàn thành dây chuyền sản xuất mới, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng, các chi phí khấu hao, hoạt động rất lớn. “Nếu không được khấu trừ VAT đầu vào, năm 2015, Đạm Hà Bắc bị tăng chi phí lên 250 tỷ đồng cho cả dự án cũ và mới, tính ra tăng trung bình 500 đồng/kg urê”, ông Ninh phân tích.

Tại hội thảo về thuế VAT phân bón mới đây, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết, với việc áp dụng theo luật mới, giá phân bón sản xuất trong nước tăng lên, giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu.

Nông dân phải mua phân bón giá cao hơn vì phải chịu thuế VAT đầu vào. Dự kiến giá thành các loại phân bón sẽ tăng lên: đạm tăng 7,2-7,6%, DAP 7,3-7,8%, phân lân nung chảy 7,8-8%, phân supe lân 6,5-6,8%, NPK và hưu cơ 5,2- 6,1%.

FAV kiến nghị nên đưa thuế VAT phân bón về 0%, thay vì “không chịu thuế”. Bởi, theo các DN, khi VAT phân bón về 0%, số tiền thuế VAT bán hàng DN nộp về cho nhà nước bằng không, và DN vẫn được nhà nước cho hoàn lại thuế VAT đầu vào. Do được khấu trừ, nên không tăng giá thành sản xuất, từ đó không tăng giá phân bón bán cho nông dân.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho rằng, việc không được khấu trừ đầu vào, tác động đến từng nhóm DN là khác nhau. “Giá phân bón là do thị trường quyết định. Cũng không thể nói là do không được khấu trừ, là DN có thể tăng giá ngay được. Từ phản ánh của DN, chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến của DN, kiến nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ, Quốc hội vấn đề này”, ông Thi nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.