Bùng nổ các công ty tài chính, khách hàng 'lợi đơn, lợi kép'

Bùng nổ các công ty tài chính, khách hàng 'lợi đơn, lợi kép'
Hàng loạt các công ty tài chính ra đời cùng với nhiều chính sách ưu đãi trong cho vay tiêu dùng (CVTD), đã thực sự chiếm được sự tin tưởng và hài lòng của đa số khách hàng.

Nhiều “ông lớn” nhập cuộc đường đua

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2015, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 8,2% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. So thời điểm tháng 9/2013 chỉ ở mức dưới 5%, hoạt động CVTD rõ ràng đã khởi sắc mạnh mẽ và đang rất sôi động. Hai địa bàn CVTD phát triển mạnh nhất hiện nay là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tính đến cuối tháng 9/2015, dư nợ cho vay dịch vụ này của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội cũng lên đến gần 83.000 tỷ đồng; TP.Hồ Chí Minh khoảng hơn 40.000 tỷ đồng.

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2009, tính đến thời điểm hiện nay, trên cả nước hiện có gần 20 công ty tài chính (CTTC) đang hoạt động. Trong số các công ty này có 6 CTTC có vốn nước ngoài và 12 CTTC trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Một số tên tuổi chiếm thị phần lớn như: Home Credit, FE Credit, HD SAISON Finance, Prudential Finance...

Theo dự thảo thông tư về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, thời gian tới, các ngân hàng sẽ không cho vay tín chấp, tiêu dùng nữa; hoạt động này sẽ chuyển sang cho các CTTC thực hiện.

Đây là một trong những lý do chính sẽ dẫn tới bùng nổ, hàng loạt các CTTC được thành lập mới trong thời gian gần đây. Nhiều ngân hàng đã bắt đầu tham gia vào cuộc chạy đua thành lập CTTC hoặc mua lại các CTTC để tái cơ cấu, chuyển thành các CTTC tiêu dùng. Điển hình có thể kể tới như: Ngân hàng Techcombank mua lại CTTC hóa chất Việt Nam, VPBank mua CTTC Than - khoáng sản Việt Nam, SHB sáp nhập CTTC Vinaconex-Viettel, Maritime Bank mua lại CTTC Dệt may...

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, việc chuyển hoạt động CVTD sang các CTTC là rất hợp lý, điều này sẽ giúp hoạt động của hệ thống ngân hàng thực chất hơn. Bởi nếu gộp CVTD vào hoạt động vay của ngân hàng sẽ khiến gánh nặng nợ xấu tăng thêm,  ngân hàng vì lo nợ xấu không dám đẩy mạnh phát triển hoạt động CVTD.

Trong thực tế, vài năm gần đây, hoạt động CVTD của các CTTC phát triển khá mạnh do đã “bắt” đúng tâm lý người tiêu dùng thông qua các yếu tố thủ tục nhanh, gọn, đơn giản tối đa cho khách hàng.

Đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Hiện nay, các công ty tài chính đang phát triển hoạt động CVTD ở 3 dòng sản phẩm - dịch vụ chính: Dịch vụ cho vay mua xe máy trả góp, dịch vụ cho vay mua sắm đồ điện tử gia dụng và dịch vụ cho vay tiền mặt (bao gồm: Cho vay theo lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh, theo hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng khác…).

Dịch vụ CVTD ngày càng trở nên thuận lợi và được đông đảo người dân tin dùng hơn, khi hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán xe máy, bán điện thoại di động, hàng điện tử điện lạnh… ở các tỉnh thành lớn đều có nhân viên của các CTTC tư vấn tại chỗ; sẵn sàng ký hợp đồng cho khách hàng vay chỉ trong vòng 30 phút. Đối tượng nhắm tới của các CTTC là nhóm khách hàng dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng,  đối tượng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng... Đây cũng là nguyên nhân mà các công ty tài chính chỉ cho vay những khoản nhỏ lẻ đồng, thời chấp nhận việc không có tài sản thế chấp.

Người tiêu dùng được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất những lợi ích mà hình thức CVTD mang lại.CVTD giúp người dân kết hợp nhu cầu hiện tại với khả năng thanh toán trong tương lai. Bên cạnh đó, kể từ khi xuất hiện dịch vụ này, sức mua của người dân đã tăng nhanh,hỗ trợ thị trường tiêu dùng phát triển, qua đó thúc đẩy các nhà sản xuất cạnh tranh và đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt; đồng thời, từ đó tiếp tục mang lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Thông thường, ngân hàng thương mại sẽ cho vay khoản vay lớn hơn so với các khoản vay từ công ty tài chính, với thời hạn vay dài nhưng đòi hỏi thủ tục giấy tờ phức tạp, thời gian giải quyết khoản vay lâu hơn.Trên thực tế, số đông người tiêu dùng trong xã hội khó tiếp cận với hình thức vay truyền thống này, do không có tài sản đảm bảo, khoản vay nhỏ, phải chứng minh thu nhập...

Trái lại, khi vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, khách hàng chỉ cần vài loại giấy tờ đơn giản như: Bản photo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu... hồ sơ sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng (có khi chỉ trong vài chục phút là hợp đồng đã được duyệt cho vay).

Anh Nguyễn Văn Tuấn (thường trú tại Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Sau khi tìm hiểu qua mạng, xem xét kỹ lưỡng và được nhân viên công ty tài chính tư vấn trực tiếp, anh Tuấn đã quyết định trả trước một nửa chiếc máy tính có giá gần 12 triệu đồng và làm thủ tục vay vốn của một công ty tài chính để trả góp sản phẩm trên. “Hàng tháng, tôi chỉ phải trả góp hơn 800.000 đồng/tháng trong vòng 8 tháng. Thủ tục vay đơn giản, tiện lợi (chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu). Điều tôi hài lòng nhất chính là dịch vụ khá tiện lợi với người trẻ, thu nhập không cao như tôi, đặc biệt nó còn giúp tôi nâng cao năng lực quản lý tài chính cũng như chi tiêu hợp lý”, anh Tuấn cho biết.

Không chỉ anh Tuấn, chị Phương Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa quyết định vay mua trả góp chiếc điện thoại Iphone 6S Plus với giá hơn 20 triệu đồng tại một cửa hàng điện thoại trên đường Hồ Tùng Mậu. Chị Linh cho biết, sau khi tìm hiểu và được nhân viên của công ty tài chính tư vấn, chị đã dễ dàng tiếp cận khoản vay tín chấp trong vòng chưa đầy 15 phút, với thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn.“Có nhu cầu mua một chiếc điện thoại song thiếu tiền, mình rất ngại đi vay ngân hàng bởi số tiền không lớn.Do đó, mình lựa chọn hình thức trả góp với thủ tục rõ ràng, phê duyệt nhanh chóng, đơn giản ngay tại cửa hàng”, chị Linh chia sẻ.

Đề cập về lợi ích của CVTD tới đời sống người dân, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Ủy viên Hội đồng quản trị BIDV,nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: CVTD giúp người dân nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng (nhóm khách hàng dưới chuẩn tiếp cận tín dụng của ngân hàng thương mại); giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, CVTD còn góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.Ngoài ra, CVTD còn là công cụ quan trọng kích cầu tiêu dùng, giúp tăng sản lượng và tạo thêm cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

CVTD thường sử dụng phương thức trả góp định kỳ hàng tháng với một số tiền nhất định (cả gốc với lãi). Khách hàng chỉ việc đúng ngày nộp tiền mặt tại nhiều địa điểm chỉ định của công ty tài chính tiêu dùng sao cho tiện lợi nhất như chi nhánh ngân hàng, bưu cục, điểm bán hàng tại cửa hàng bán lẻ, thu tiền tại nhà… Ngoài ra, khi lịch sử trả nợ của khách hàng được ghi nhận tốt  họ sẽ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tín dụng tiêu dùng khác với mức lãi suất và kỳ hạn cạnh tranh hơn.

Tóm lại, nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn hình thức vay tiêu dùng là do tính tiện lợi, thủ tục nhanh gọn và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nhanh của cá nhân. Đây cũng là điểm khác biệt so với phương thức vay truyền thống thông qua các ngân hàng thương mại. Xét trên cơ sở các tổ chức tín dụng đang hoạt động dưới sự quản lý, giám sát của pháp luật, có thể nói, khối các công ty tài chính hiện đang là đơn vị cung cấp dịch vụ CVTD nhanh chóng, an toàn nhất tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.