Các loại hình vận tải bắt đầu tăng giá

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Theo Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), các loại hình vận tải đường bộ và hàng không đã kê khai tăng giá trong ít ngày qua. Duy nhất đường sắt giảm ở một số thời điểm, sau đó tiếp tục trở lại mức giá cũ.

Tăng giá vì trạm thu phí

Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý giá, hiện một số hãng taxi đã kê khai tăng giá nhẹ. Cụ thể, tại Hà Nội, hãng taxi Group (gồm 5 công ty cổ phần) đã kê khai tăng 500 đồng/km tiếp theo, tương ứng mức tăng 3,6%. Tương tự tại Đà Nẵng, một vài doanh nghiệp đã gửi văn bản tới Sở Tài chính kê khai tăng 500 đồng/km tiếp theo, tương ứng mức tăng 5-6%.

Trên địa bàn TPHCM, 2 hãng taxi chiếm thị phần VinaSun và Mai Linh cùng kê khai tăng từ 3-4%. Sở Tài chính các địa phương này đánh giá, tỷ lệ điều chỉnh tăng giá cước vận tải taxi kể trên là phù hợp với tỷ lệ tăng giá xăng dầu trong những tháng đầu năm 2015 và tỷ lệ giá xăng dầu trong cấu thành giá cước vận tải.

Riêng về vận tải hành khách tuyến cố định, cơ quan quản lý giá Bộ Tài chính cho hay, giá cước vẫn ổn định từ đầu năm đến nay. Chỉ duy nhất tại TPHCM, có đến 2/3 đơn vị chạy tuyến Sài Gòn - Phan Rang đã kê khai tăng giá 5.000 đồng/hành khách, tức tăng 3,6%. Nguyên nhân các nhà xe đưa ra do tuyến đường có thêm 2 trạm thu phí mới, trong đó 1 trạm thu mức phí gấp đôi so với hiện hành.

Theo Cục Quản lý giá, chỉ duy nhất dịch vụ vận tải hành khách đường sắt là giảm giá. Từ đầu năm đến nay, Tổng Cty đường sắt Việt Nam đã có nhiều chương trình giảm giá vé trong các dịp lễ với tỷ lệ giảm tối đa lên tới 20% so với giá vé hiện hành. Tuy nhiên, sau các dịp lễ, tết, giá vé trở lại bình thường.

Giá vé máy bay có nguy cơ vượt trần

Đối với cước vận tải hàng không, tính từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan quản lý giá cho biết, Vietnam Airlines đã kê khai lại 3 lần, mức giá cao nhất của các đường bay không thay đổi so với công văn kê khai liền kề và bằng 72 - 91% mức giá trần.

Trước đó ít ngày, Cục Quản lý giá đã có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu làm rõ mức phụ thu dịch vụ bán vé máy bay do có nguy cơ vượt trần. Công văn số 145 do Phó Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Thị Thúy Nga ký, phân tích: Mức kê khai tối đa giá vận chuyển hành khách phổ thông nội địa của Vietnam Airlines hiện bằng 90% mức trần quy định. Tuy nhiên, hãng này luôn gửi tới đại lý có đoạn ghi chú kèm theo: Các mức kê khai chưa bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí và hãng này cho phép các đại lý dựa theo tình hình thị trường để có thể điều chỉnh “trong phạm vi 15%”. Cục Quản lý giá nhận định, nếu áp dụng mức kê khai tối đa 90% mức trần quy định và điều chỉnh phụ phí thêm 15% như ghi chú trên có thể dẫn tới tổng giá vé sẽ vượt trần.

Cục Quản lý giá đề nghị Cục hàng không Việt Nam chỉ đạo làm rõ về phụ thu dịch vụ bán vé, quy định về khoản thu cũng như mức thu hiện hành. Trước đó, theo quy định, từ ngày 1/1/2015, mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) đã giảm từ 5.000 đồng/hành khách/km xuống 4.250 đồng/hành khách/km.

MỚI - NÓNG