Cảnh báo vốn dồn dập vào bất động sản

Chuyên gia lo ngại nợ xấu BĐS sẽ lại tăng trong vài năm tới nếu không kiểm soát vốn đổ vào. Ảnh: Như Ý
Chuyên gia lo ngại nợ xấu BĐS sẽ lại tăng trong vài năm tới nếu không kiểm soát vốn đổ vào. Ảnh: Như Ý
TP - Các chuyên gia kinh tế khẳng định, nguy cơ thị trường bất động sản (BĐS) thừa cung, nợ xấu tăng hoàn toàn có thể xảy ra trong vài năm tới, nếu vốn dồn dập đổ vào không được kiểm soát.

Hiệu quả chưa rõ

Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay BĐS sau hơn một năm triển khai mới giải ngân được hơn 10%. Trong khi gói tín dụng này chưa tạo được nhiều dấu ấn thì mới đây, Ngân hàng Xây dựng cùng Tập đoàn Thiên Thanh liên kết cùng một số ngân hàng tung ra thị trường gói tín dụng 50 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ thị trường BĐS.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng cùng dồn vốn vào lĩnh vực “nóng”, cũng như việc triển khai các nguồn vốn này đang là vấn đề gây tranh cãi. Nếu so với những số liệu về hàng tồn kho vật liệu của Bộ Xây dựng (16 triệu m2 gạch ốp lát, 12 triệu m2 kính xây dựng, 2,6 triệu tấn xi măng, 800.000 tấn thép... đang tồn kho), gói tín dụng mới, thông qua “nhà môi giới” là Tập đoàn Thiên Thanh có vẻ sẽ tạo được một cú hích nhất định với thị trường.

Tuy nhiên, về tổng thể, so với lượng hàng tồn kho BĐS tổng giá trị khoảng 94,5 ngàn tỷ đồng (Hà Nội khoảng 17,5 ngàn tỷ đồng, TPHCM khoảng 12 ngàn tỷ đồng), gói tín dụng này không giúp được gì nhiều. Đặc biệt là với gần 3.200 dự án đang triển khai dở dang, với tổng diện tích 81.500 ha, trong đó 29.500 ha dự án nhà ở.

“Nếu gói tín dụng này giúp doanh nghiệp xây dựng giảm giá thành vật liệu, giảm chi phí xây dựng, kéo theo giảm giá nhà sẽ rất tốt. Còn mua bán qua một “khâu trung gian” như mô hình đưa ra, chắc chắn sẽ khó giúp giảm giá (nhà). Giá nhà giảm mới kéo được người mua, giúp khai thông thị trường. Còn nếu không, vốn cứ đổ, dự án hoàn thiện xong lại rơi vào cảnh ế”, đại diện một tổng công ty xây dựng lớn phân tích.

Ông Trương Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Him Lam Thủ đô cho biết, phải nhìn nhận đây chỉ là chương trình tín dụng thông thường của các ngân hàng, chứ không phải là gói tín dụng.

“Gói 30 ngàn tỷ đồng do nhà nước còn chậm chạp nên việc 50 ngàn tỷ đồng cho BĐS diễn biến ra sao phải chờ thời gian. Hiện, nợ xấu BĐS trong ngân hàng cao, nên họ rất thận trọng trong việc chọn đối tác cho vay”, ông Kiên nói.

Nguy cơ thừa hàng, tăng nợ xấu

Trao đổi với Tiền Phong, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, thanh khoản của các ngân hàng hiện rất tốt. Tại một số ngân hàng, vốn huy động được gấp hai lần số cho vay ra. Có thực tế vốn thừa, nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được. Vốn vào BĐS cũng tốt, nhưng quan trọng hơn là vốn vào lĩnh vực sản xuất hiện nay thực sự vẫn chưa được khai thông.

“Vốn tắc do bản thân các doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn vay do bị lỗ, nợ quá hạn, có nợ xấu… Dồn vốn vào BĐS cũng sẽ gây nguy cơ thừa hàng, tăng nợ xấu trong lĩnh vực này giống như từng xảy ra vài năm trước. Trong khi, những vấn đề cũ chưa được giải quyết dứt điểm”, TS Kiêm nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng đang dư tín dụng, nên phải tìm cách tăng trưởng tín dụng qua BĐS… TS Nguyễn Minh Phong cảnh báo, mục tiêu của Bộ Xây dựng là giải quyết hàng tồn kho, trong khi nhiều chương trình tín dụng cho BĐS lại “kích thích” phát triển thị trường. Nếu thị trường BĐS được bơm vốn, thiếu sự kiểm soát, sẽ bùng phát trở lại, gây “sốt”, làm náo loạn thị trường như thời gian trước.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc dồn tiền vào BĐS lúc này là không cần thiết. Bởi vì, khi được bơm vốn, BĐS sẽ phát triển quá nóng, giá cả biến động gây thiệt hại cho người mua.

“Trong khi đó, vốn cho các ngành nghề sản xuất khác đang rất cần. Hiện, nợ xấu BĐS trong ngân hàng cao, nếu không quản lý tốt dòng vốn, sẽ tạo thêm nợ xấu trong lĩnh vực này”, ông Thành nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp đầu tư dự án bệnh viện đa khoa quốc tế tại quận Bình Tân (TPHCM), chia sẻ: Việc vốn ưu đãi dồn dập đổ vào BĐS, khiến các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác thấy “tủi thân”. Trong khi, doanh nghiệp ông tiếp cận vốn xây dựng trường học, bệnh viện không dễ.

MỚI - NÓNG