Chiến lược dùng 'con ông cháu cha' trong các ngân hàng Mỹ

JP Morgan, một trong những ngân hàng rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra Mỹ. Ảnh: Reuters
JP Morgan, một trong những ngân hàng rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra Mỹ. Ảnh: Reuters
Một loạt ngân hàng lớn của Mỹ và quốc tế đang nằm trong tầm ngắm của Washington, sau khi cơ quan chức năng tăng cường điều tra các hợp đồng tuyển dụng "con ông, cháu cha" của các lãnh đạo Trung Quốc. Tiết lộ trên được hãng tin AFP đưa ra ngày 31/5 không phải là mới, song cũng khiến nhiều đại gia ngân hàng phải “giật mình, chột dạ”.

Dùng quan hệ đổi hợp đồng

AFP dẫn nguồn tin điều tra riêng cho hay, từ năm 2000, chính quyền Mỹ đã nghi ngờ một loạt đại gia ngân hàng như Goldman Sachs, JP  Morgan, UBS, Crédit Suisse, Deustche Bank và Citigroup tuyển dụng "con em" của nhiều lãnh đạo Trung Quốc với hy vọng nhận được hợp đồng hoặc để đảm bảo các mối quan hệ cần thiết để phát triển tại thị trường đông dân nhất thế giới này.

Mối nghi ngờ không phải không có cơ sở, khi báo cáo của các nhân viên điều tra cho biết, năm 2011, JP Morgan tuyển dụng Đường Hiểu Chữ (Tang Xiaoning), con trai Chủ tịch Tập đoàn tài chính quốc doanh Quang Đại Đường Song Ninh (China Everbright Group Tang Shuangning), một trong các doanh nghiệp tài chính nhà nước hàng đầu Trung Quốc. 

Theo tài liệu điều tra, năm 2010, ông Đường Song Ninh tiếp cận một lãnh đạo của JP Morgan Hong Kong nhằm tìm kiếm một vị trí thích hợp cho con trai. Không lâu sau đó, một công ty con của China Everbright thuê JP Morgan tư vấn việc phát hành cổ phiếu có giá trị lên đến 300 triệu USD. Sau khi tuyển dụng Đường Hiểu Chữ vào năm 2011, các hợp đồng béo bở dồn dập đổ về JP Morgan. 

Theo cơ quan nghiên cứu của Capital IQ của Standard & Poor, năm 2012, JP Morgan tiếp tục giành được hợp đồng tư vấn bán 162 triệu USD cổ phiếu từ China Everbright International. Để giữ lợi thế về kinh doanh, JP Morgan không ngần ngại gia hạn hợp đồng làm việc cho cậu ấm Đường Hiểu Chữ.

Theo tờ New York Times, hàng loạt ngân hàng của Mỹ khác cũng nằm trong diện điều tra, bao gồm Citigroup, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley và UBS. Ví như, Ngân hàng Credit Suisse đã tuyển Ôn Như Xuân (Wen Ruchun), dưới tên gọi Ôn Khánh Ngọc (Lily Wen), trong khoảng thời gian từ 1999-2001, là con gái của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Cô từng làm việc cho Công ty tư vấn Fullmark Consultants Limited và Ngân hàng JP Morgan. Ngân hàng Goldman Sachs tuyển Giang Chí Thành (Jiang Zhicheng), cháu của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Thách thức lớn đối với các nhà điều tra Mỹ

Theo điều tra của tờ New York Times, động cơ dẫn đến quyết định này của JP Morgan là áp lực cạnh tranh trong bối cảnh cục diện kinh tế thế giới không ổn định sau khủng hoảng năm 2008. Theo số liệu của Thomson Reuters, từ năm 2009 đến nay, JP Morgan khôi phục được thị phần của mình ở Trung Quốc, với tổng lượng giao dịch tại Hong Kong cũng như Đại lục xếp thứ ba trong năm 2013, tăng 10 bậc so với năm 2009. Tuy nhiên, số liệu trên không chỉ ra trực tiếp mối liên hệ giữa tốc độ tăng trưởng của ngân hàng này và việc tuyển dụng “con ông cháu cha” Trung Quốc.

Theo luật pháp Mỹ, bản thân việc thuê con cháu của các quan chức là không phạm pháp. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền sẽ nghi ngờ nếu công ty thuê nhân viên không đủ khả năng đáp ứng công việc, hoặc công ty đó bỗng nhiên giành được hợp đồng sau khi tuyển người. Bất chấp những quy định ngặt nghèo trên, để bảo đảm ưu thế cạnh tranh của mình tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các ngân hàng đầu tư của Mỹ và quốc tế vẫn tiếp tục chiêu mộ con cái của các quan Trung Quốc, bởi cách làm này được xem là ít rủi ro và khó bị truy tố. 

Tạp chí Phố Wall dẫn lời các nhà phân tích cho biết, thực trạng này ngày càng phổ biến vì nhiều lý do. Thứ nhất, tuyển dụng con cán bộ cấp cao dường như là một sự lựa chọn thông minh vì mối quan hệ của gia đình họ có ích cho việc kinh doanh của nhà tuyển dụng. Thứ hai, con của các quan chức cấp cao Trung Quốc làm cho các ngân hàng lớn thường học tập tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ, trong đó phải kể tới Trường Harvard danh tiếng. Một lý do quan trọng nữa là các ngân hàng lớn của Mỹ có thể lách luật chống tham nhũng ở nước ngoài của xứ cờ hoa, bởi việc chứng minh một ngân hàng giành được hợp đồng làm ăn nhờ tuyển dụng một cá nhân nào đó thực sự là thách thức lớn đối với các nhà điều tra Mỹ.

Nhằm ngăn chặn tình trạng các ngân hàng tranh nhau chiêu mộ "con ông cháu cha" tại Trung Quốc, năm 2013, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành một loạt cuộc điều tra thông qua Văn phòng Chưởng lý Brooklyn, chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang New York và Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC), cơ quan đóng vai trò chủ đạo.

Những tháng gần đây, SEC đã yêu cầu các ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, UBS, Crédit Suisse, Deustche Bank và Citigroup giải trình về hàng chục trường hợp tuyển nhân viên. Các ngân hàng này buộc phải kiểm tra lại mọi thư từ điện tử trao đổi về hàng chục trường hợp tuyển dụng và thực tập tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện SEC chưa phát hiện sai phạm nào đối với các ngân hàng quốc tế nói trên. Phát biểu trên kênh CNBC, James Gorman, ông chủ ngân hàng Morgan Stanley, cho biết: "Vấn đề là cần xem xét liệu con em cán bộ cấp cao Trung Quốc có đủ năng lực để đảm nhiệm những chức vụ được giao hay không". Ông Jacob Frenkel, cựu Chưởng lý chuyên trách về tham nhũng nhận định, không nên gắn bất kỳ trường hợp tuyển dụng "con ông cháu cha" nào với hành động tham nhũng nếu họ là người có năng lực thật sự.

Theo Theo Công an nhân dân
MỚI - NÓNG