Chủ tịch ADB tư vấn gì cho Việt Nam?

 Không ít doanh nghiệp FDI lợi dụng ưu đãi đầu tư kê khai lỗ hoặc có các hoạt động chuyển giá để tránh phải nộp thuế. Ảnh: Ngọc Châu
Không ít doanh nghiệp FDI lợi dụng ưu đãi đầu tư kê khai lỗ hoặc có các hoạt động chuyển giá để tránh phải nộp thuế. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Làm cách nào để giảm lệ thuộc kinh tế Trung Quốc, cách thu hút đầu tư trực tiếp thế nào hiệu quả? Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong chiều 18/9.

Không đánh đổi những ưu đãi bằng mọi giá

Thời gian qua, thu hút vốn FDI được coi là một trong những động lực, thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế. Nhiều tập đoàn đa quốc gia tìm đến đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh việc góp phần phát triển kinh tế, những hệ lụy từ ưu đãi đầu tư đã lộ rõ với nghi án chuyển giá, trốn thuế. Ông có lời khuyên gì về việc này?

Chính sách phân cấp đã góp phần khuyến khích các tỉnh tại Việt Nam cạnh tranh thu hút FDI thông qua ưu đãi đầu tư. Nhiều địa phương bị hút vào cuộc chạy đua tránh nằm “tốp dưới” thu hút vốn FDI, bằng cách đưa ra những ưu đãi hấp dẫn.

Thậm chí, dù biết rằng những ưu đãi này có thể dẫn đến suy yếu khả năng tài chính tương lai của địa phương. Một số nhà đầu tư FDI đã “tận dụng” triệt để các ưu đãi này. Thực tế ở nhiều nước, các doanh nghiệp cũng biến báo kê khai lỗ hoặc có các hoạt động chuyển giá để tránh phải nộp thuế.

Theo tôi, việc phân cấp quản lý cần phải được đi kèm với sự “điều tiết” từ Trung ương để phân định rõ những ưu đãi gì chính quyền địa phương có thể và không thể dành các nhà đầu tư. Những quy định này phải được áp dụng công bằng ở tất cả các tỉnh.

Mục đích nhằm khuyến khích các tỉnh có trách nhiệm trong việc đáp ứng các đòi hỏi của nhà đầu tư, tránh tình trạng đua nhau “trải thảm đỏ”.

Cùng đó là cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như giảm thời gian làm thủ tục hành chính. Đặc biệt khuyến khích các địa phương không đánh đổi những ưu đãi về thuế hoặc miễn thuế bằng mọi giá.

Chính phủ đã ký các hiệp định, thỏa thuận về thuế nên việc các địa phương đưa ra các ưu đãi trong thu hút vốn FDI cần cân nhắc. Việc áp thuế cần được thực hiện công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Điều quan trọng nữa, có thể xem xét đưa ra thêm một số ưu đãi nhằm gia tăng giá trị sản xuất của doanh nghiệp hoặc địa phương thay vì ưu đãi thuế.

Chủ tịch ADB tư vấn gì cho Việt Nam? ảnh 1 Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao.

Cách nào giảm lệ thuộc Trung Quốc?

Gần đây, Việt Nam liên tục bị cảnh báo về tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm có biện pháp để tránh bị lệ thuộc vào nước này, theo ông thì sao?

Cần nhìn nhận ở hai khía cạnh. Việt Nam thâm hụt (thương mại), nhưng vẫn thặng dư thương mại với các nước khác. Tôi có thể lấy ví dụ, năm 2013, tỷ trọng xuất khẩu, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ, EU, ASEAN hay Nhật Bản khá cao.

Vấn đề chính là, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên thô sang Trung Quốc, trong khi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Điều này đã dẫn đến thâm hụt thương mại và lo ngại về tăng phụ thuộc. Trong khi đó, các nước ASEAN khác đã làm được điều ngược lại. Xuất khẩu hàng hóa sản xuất của họ sang thị trường Trung Quốc ngày càng tăng.

Để cân bằng cán cân thương mại trong tương lai, theo tôi, Việt Nam cần tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều hơn ở trong nước. Tại thời điểm hiện tại, các bạn mới chỉ có khoảng 10% giá trị xuất khẩu gia tăng của Việt Nam được tạo ra tại địa phương.

Mấu chốt là Việt Nam thiếu những nhóm công ty cỡ trung bình có thể kết nối hiệu quả với các nhà xuất khẩu và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều hơn. Các doanh nghiệp này sẽ kết nối với những công ty nhỏ hơn để xây dựng một mô hình “kim tự tháp” các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Làm được điều này sẽ giúp tăng cường mối liên kết chuỗi giá trị giữa các công ty tư nhân trong nước và các công ty FDI. Từ đó làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô (của Việt Nam) cũng như các sản phẩm đầu vào từ các nước khác. Từ đó giúp tối đa hóa những lợi ích lan tỏa của thu hút vốn đầu tư FDI và tạo ra công ăn việc làm, cơ hội nhà cung cấp trong nước, và những nguồn thu nhập bổ sung khác.

Cảm ơn ông!

Dự kiến, Chủ tịch ADB sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo, Chính phủ Việt Nam trao đổi về quan hệ hợp tác trong tình hình mới. Nội dung trao đổi dự kiến sẽ đề cập những vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tái cơ cấu nền kinh tế, giảm khoảng cách giàu-nghèo và bất bình đẳng… Chủ tịch ADB cũng sẽ tham dự Diễn đàn Phát triển Châu Á lần thứ 5 (DF5) sẽ diễn ra ở Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.