Chuyện ở xã vùng xa 'nghìn tỷ'

Vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh TT-Huế. Ảnh: Ngọc Văn
Vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh TT-Huế. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Cán đích nông thôn mới trước hạn, xã có nhiều tỷ phú “chân đất” nhất tỉnh, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 40 triệu đồng cùng doanh thu từ dân đạt mức “khủng” 3.500 tỷ đồng/năm… Đó là những thành quả ấn tượng mà xã vùng xa Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) đạt được kể từ sau 40 năm bước ra khỏi chiến tranh, bom đạn, đói nghèo.

Chuyện ông chủ tịch xã hay gây “sốc”

Sau Tết, tôi có việc về Phong Điền, gặp lúc lãnh đạo các xã lên huyện họp. Giờ giải lao, loáng thoáng nghe một vài cán bộ đề cập chuyện xã nông thôn mới “nghìn tỷ”, thấy tò mò, hỏi ra đó lại là xã biển Phong Hải một thời khốn khó.

Hôm rồi về lại Phong Hải tìm hiểu thông tin trồng rừng trên cát, gặp Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Từ, nhắc chuyện xã “nghìn tỷ”, vị này xác nhận đấy là thông tin thật 100%. Mà ông Từ cũng chẳng lạ gì với chúng tôi. Trước đây, vị chủ tịch xã này thi thoảng vẫn hay đưa ra những sáng kiến, quyết định gây “sốc”, nhưng thường mang lại lợi ích cho dân, tạo hiệu ứng tốt về phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Còn nhớ gần 5 năm trước, Phong Hải là xã đầu tiên toàn tỉnh dù ở tận vùng sâu vùng xa đã xây dựng được trang thông tin điện tử địa phương, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tạo cầu nối thu hút các nguồn đầu tư. Không ai khác, ông Từ là người khởi xướng website nói trên. Cũng tại Phong Hải, từ lâu lắm rồi, cả trước khi website xã ra đời, hệ thống cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đều ứng dụng tiện ích mạng điện thoại nội bộ vào chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động địa phương. Người “khơi mào” thực hiện cũng là ông Nguyễn Viết Từ. Trước thời điểm ứng dụng mạng điện thoại nội bộ, ông Từ cũng bắt buộc tất cả cán bộ, nhân viên ủy ban xã phải dùng mạng máy tính nội bộ (LAN) để kết nối, báo cáo, chia sẻ thông tin liên quan công việc. Nhiều việc công chỉ cần báo cáo, trình gửi qua hộp thư điện tử, mạng nội bộ để tiết kiệm thời gian, giấy mực.

Ngược thời gian xa hơn về 20 năm trước, năm 1995. Trong khi nhiều địa phương của tỉnh, kể cả vùng ven thành phố Huế còn thắp đèn dầu về đêm, tại vùng xa Phong Hải đã sớm có điện. Đây là một “kỳ tích” đối với xã tuyến biên giới biển đảo. Thời đó, đi lại rất khó khăn, từ thành phố Huế muốn về Phong Hải đành phải ngược ra Mỹ Chánh để “mượn đường” của tỉnh Quảng Trị. Ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Phong Hải) nhớ lại, lúc đó đời sống người dân đa phần còn khốn khó, huy động toàn bộ sức dân đóng góp kéo điện lưới quốc gia về xã quả là điều không tưởng. Ông Nguyễn Viết Từ táo bạo bàn với lãnh đạo địa phương gom hết “sổ nghiệp chủ” của cán bộ xã thế chấp vay tiền ngân hàng 1,2 tỷ đồng để đóng cho ngành điện.

…Đang nhắc chuyện cũ, điện thoại văn phòng ủy ban xã lại reo. Đầu dây kia, một khách hàng cần hỏi chính quyền việc tìm hiểu tiêu thụ một loại đặc sản của Phong Hải, nước mắm Đảnh Vân. Năm 2011, đặc sản mắm Phong Hải lần đầu tiên xuất sang Mỹ bằng đường thủy. Trước đó là thị trường Lào, Thái Lan. Công đầu vực dậy làng nghề truyền thống nước mắm Phong Hải và khuyến khích tìm đường “đi Tây” cho đặc sản này là ông Nguyễn Viết Từ.

Chuyện cát hoang hóa “đất vàng”

Hôm ở Phong Hải, chứng kiến nhiều “xế hộp” tiền tỷ xuôi ngược trên đường làng phẳng lỳ, cứ ngỡ xe xịn của các nhà đầu tư nơi khác về đây tìm cơ hội làm ăn. Anh Phan Khánh, Phó Chủ tịch xã, hào hứng: “Xe xịn của những tỷ phú “chân đất” quê tui đó, cũng nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát trúng lớn liên tục mấy năm nay”. Theo anh Khánh, nuôi tôm thẻ chân trắng chính là lợi thế tạo cú huých đưa Phong Hải đạt “kỳ tích” xã “nghìn tỷ” như hiện nay. Cả vùng cát hoang khốn khó ngày nào giờ đã hóa “đất vàng”, trở thành khu nuôi tôm chân trắng trọng điểm của tỉnh.

Chuyện ở xã vùng xa 'nghìn tỷ' ảnh 1

Một phần bộ mặt nông thôn mới Phong Hải hôm nay

Chợt nhớ ngày đầu tôm chân trắng có mặt tại Phong Hải hơn 5 năm trước. Lúc đó, nhiều cán bộ xã từng vướng “điều tiếng” về việc để dân tự phát lập vùng nuôi không tuân thủ quy hoạch, lấn rừng phòng hộ, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Mà người khởi xướng nuôi tôm chân trắng thay cho tôm sú nhiều rủi ro cũng lại là ông Từ. Dân Phong Hải từng một thời đổ nợ vì tôm sú. Ông Từ trăn trở bàn cách chuyển sang thử nghiệm tôm thẻ chân trắng. Trong lúc chờ huyện phê duyệt quy hoạch, chốt diện tích vùng nuôi, dân nghe thông tin “rò rỉ” nên ồ ạt “đón đầu” chuyển đổi rừng cây ven biển sang làm tôm. Năm đầu, dân nuôi thất bại.

Từ khi chính quyền quyết mạnh tay với nạn nuôi tôm tự phát, lập lại trật tự quy hoạch, siết nghiêm quy trình canh tác, xử lý thải, chọn con giống…, tôm thẻ chân trắng ở Phong Hải đã đem lại lợi ích ổn định tiền tỷ cho dân địa phương. Đến nay, Phong Hải có gần 70ha hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, doanh thu hơn 3.500 tỷ đồng/năm, lãi ròng khoảng 1.400 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 300 lao động, với thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng, cùng hàng nghìn lao động thời vụ. Nhiều tỷ phú “chân đất” đi ô tô tiền tỷ cũng xuất hiện từ đó. Từ xã biển mang tiếng “chờ xài tiền đô” do người thân nước ngoài gửi về, nay dân địa phương lại gửi ngược tiền cho bà con Việt kiều mượn...

Anh Phan Khánh cho biết, hiện tỉnh đã phê duyệt nâng diện tích vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại Phong Hải lên 140ha. Tất cả đều giao về cho dân sản xuất. Thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội đổi đời, nhiều việc làm cho dân địa phương.

Đích đến xã anh hùng thời kỳ đổi mới

Đầu tháng 3/2015, UBND tỉnh TT-Huế quyết định công nhận Phong Hải đạt chuẩn nông thôn mới, dù không thuộc xã điểm. Trong tất cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Phong Hải đều đạt cao. Trong đó, nhiều tiêu chí đạt mức tuyệt đối 100 điểm như y tế, văn hóa, thu nhập, điện sinh hoạt, chợ nông thôn… Tuy nhiên, vấn đề giảm nghèo triệt để, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ dân sinh vẫn đang khiến lãnh đạo địa phương trăn trở. Toàn xã hiện còn 18 hộ nghèo, trên tổng số 1.098 hộ (tỷ lệ 1,64%), chủ yếu rơi vào gia đình neo đơn, tàn tật, bệnh hiểm. “Đã là xã nông thôn mới, mong muốn của chúng tôi là xóa sạch hộ nghèo, tăng hộ giàu”, ông Từ tâm sự.

“Sau lễ 30/4 này, tui nghỉ hưu. Thấm thoắt mà gần 40 năm làm việc xã. Mong sao lớp cán bộ kế cận tiếp tục đồng hành cùng nhân dân đưa Phong Hải phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đích tiếp theo mà tập thể lãnh đạo cùng dân địa phương đang thống nhất hướng đến là xây dựng Phong Hải thành xã anh hùng thời kỳ đổi mới”, ông Từ bày tỏ. 

Là số ít cán bộ còn trụ lại địa phương từ những năm đầu quê hương giải phóng cho đến nay, ông Nguyễn Viết Từ nhớ lại: Bước ra chiến tranh đổ nát 40 năm trước, Phong Hải là vùng quê xác xơ hoang tàn, thuộc diện nghèo nhất tỉnh, chài lưới bãi ngang bấp bênh, nhà cửa đa phần tranh tre, đường bê tông là con số 0. Do bốn bề chỉ toàn cát trắng, ngay cây dương liễu còn khó sống huống hồ khoai sắn chống đói. Từ trước đến giờ, Phong Hải là xã ven biển duy nhất tỉnh không có một tấc đất ruộng lúa. Thời đó, vì quá nghèo khổ, hàng loạt gia đình lũ lượt ly hương. Nhiều người liều thân đánh đổi mạng sống vượt biên ra nước ngoài. 40 năm sau, có một Phong Hải hoàn toàn khác… Mỗi lần nhắc lại chuyện xưa, những cán bộ “cựu trào” như ông Từ không khỏi bồi hồi.

MỚI - NÓNG