Cơ trưởng Vietnam Airlines nói về lần đầu lái A350

Nguyễn Ngọc Đức Minh là phi công đầu tiên của Vietnam Airlines lái A350-900.
Nguyễn Ngọc Đức Minh là phi công đầu tiên của Vietnam Airlines lái A350-900.
Là người Việt đầu tiên lái Airbus A350-900 XWB, cơ trưởng Nguyễn Đức Ngọc Minh của Vietnam Airlines có những trải nghiệm đáng nhớ với chiếc máy bay hiện đại bậc nhất thế giới.

Trước khi tiếp nhận tàu bay mới ngày 1/7, Vietnam Airlines đã gửi 20 phi công sang Pháp học chuyển loại điều khiển A350. Cơ trưởng Nguyễn Đức Ngọc Minh thuộc nhóm 4 người đầu tiên, cùng với Giám đốc Công ty bay Vasco - Nguyễn Thái Trung, Phó đoàn trưởng Đoàn bay 919 -  Nguyễn Đăng Quang và Phó trưởng Ban An toàn chất lượng - Lê Hồng Tiến. Anh Minh cũng là người thực hiện chuyến bay thử ngày 16/6 tại Pháp.

- Là phi công Việt Nam đầu tiên lái Airbus A350, cảm giác của anh thế nào?

- 3 người được cử  đi học lái A350 cùng với tôi đều là những giáo viên bay dày dạn kinh nghiệm của Vietnam Airlines, nên tôi được lái đầu tiên có lẽ chỉ vì thứ tự trên bảng chữ cái mà thôi.

Chuyến bay đầu tiên của tôi trên cương vị cơ trưởng A350 là vào ngày 16/6, cùng với chuyên gia của Airbus tại xưởng lắp ráp ở Toulouse (Pháp). Song đây là chuyến bay không hề dễ chịu như bay thương mại thông thường, bởi phải thực hiện một loạt các hạng mục kiểm tra để đảm bảo toàn bộ hệ thống đều hoạt động tốt, cả những tình huống mà trong thực tế rất hiếm xảy ra. Ví dụ chúng tôi chủ động tắt hệ thống điều áp, làm áp suất trong khoang giảm xuống giới hạn, tất cả mặt nạ dưỡng khí trên trần bung ra và hệ thống báo động được kích hoạt…

Tóm lại, đây là chuyến bay mà chúng tôi phải thử tối đa các chế độ và chức năng hỗ trợ cũng như báo động của máy bay. Nó không êm ái như một chuyến bay chở hành khách thông thường.

- Trải nghiệm với A350 khác gì so với những loại máy bay khác anh từng điều khiển?

- Tôi vào nghề năm 1994 và học lái máy bay ở Australia. Loại máy bay thương mại đầu tiên tôi điều khiển là ATR72, sau đó là Boeing 767, 777 và A330. So sánh với các loại thì ATR72 đòi hỏi mình phải thao tác bằng tay nhiều hơn cả, khác với bay phản lực Airbus hay Boeing sau này. Nói nôm na một bên là ôtô số sàn, bên kia là xe số tự động vậy.

Ai ra nghề cũng muốn lái máy bay phản lực ngay vì nó dễ điều khiển, rất nhiều chức năng tự động, lại tiện nghi thoải mái. Nhưng để huấn luyện cơ bản thì ATR72 là thích hợp nhất vì nó tương đối thô sơ, giúp phi công có điều kiện rèn luyện kỹ năng.

Được lái A350 quả là khác biệt. Chẳng vì mình bay A350 mà "mèo khen mèo dài đuôi" đâu, nhưng không vô cớ mà dân trong nghề gọi đây là I-plane – máy bay thông minh.

Cơ trưởng Vietnam Airlines nói về lần đầu lái A350 ảnh 1

Anh Nguyễn Đức Ngọc Minh đang được giáo viên hướng dẫn mở cửa thoát hiểm tàu bay A350 tại Trung tâm huấn luyện ở Toulouse, Pháp.

Một trong những tính năng mới là loại bỏ tài liệu giấy, tất cả đều được chuyển thành phiên bản điện tử. Trước đây phi công phải bay với một cặp tài liệu kỹ thuật dày cộp và cồng kềnh, thì giờ tất cả chỉ cần nhấp chuột. Hệ thống tự động giám sát và cảnh báo được cập nhật liên tục, có gì bất thường sẽ lập tức báo động bằng âm thanh và tin nhắn, cùng phương thức xử lý trên một trong 6 màn hình LCD 15 inch. Ví dụ hỏng hệ thống thủy lực liên quan đến tính năng máy bay, màn hình sẽ hiển thị cho phi công cự ly đường băng tối thiểu để hạ cánh an toàn cho tình huống đó, giúp nhanh chóng ra quyết định chọn sân bay hạ cánh.

Máy bay còn có khả năng tự tránh chạm trên không và lọc radar. Nôm na hệ thống này như chụp cắt lớp vậy, nó giúp phi công "quét mây" ở các độ cao khác nhau và lựa chọn mực bay có thời tiết thuận lợi nhất.

Một ưu việt nữa của A350 là tiết kiệm hơn 20% nhiên liệu so với các máy bay thế hệ trước, do sử dụng các tấm ép sợi carbon cường lực làm vỏ. Nó giúp giảm trọng lượng rỗng nhưng lại tăng tải thương mại, mà vẫn giảm đáng kể luợng khí thải ra môi trường.

Vì vậy mà khi được phân công điều khiển A350, tôi háo hức lắm, được khám phá công nghệ mới, và tự hào khi Vietnam Airlines là hãng hàng không thứ hai trên thế giới, chỉ sau Qatar Airways, khai thác loại máy bay này.

A350 còn được mệnh danh là văn phòng bay vì nó rất rộng. Từ buồng lái, khoang khách, cửa sổ... nên đem lại cảm giác rất thân thiện với bầu trời. Phi công luôn cảm thấy tiện nghi và cũng “nhàn” hơn khi lái các loại khác, đặc biệt trên các chuyến bay dài.

Cơ trưởng Vietnam Airlines nói về lần đầu lái A350 ảnh 2

Cơ trưởng Nguyễn Đức Ngọc Minh cho rằng điều khiển máy bay A350 là một trải nghiệm rất khác biệt. Ảnh: VNA

- Với hành khách, điều khác biệt lớn nhất mà họ có thể cảm nhận trên A350 là gì?

- Hệ thống điều áp và điều hoà của A350 được cải tiến nên giảm mức chênh lệch áp suất trong và ngoài máy bay. Nó còn có chức năng tạo độ ẩm thích hợp để giảm khô da, hạn chế cảm giác mệt mỏi cho hành khách.

Hay một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng rất tinh tế là hệ thống đèn cabin sáng theo luồng và có thể đổi màu theo thời gian đặt trước giúp giảm bớt ảnh hưởng của thay đổi múi giờ trên các chuyến bay dài. Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể sử dụng dịch vụ wifi hay nhắn tin SMS khi bay ở độ cao nhất định.

- Kinh nghiệm nhiều năm lái máy bay, anh thấy yếu tố quan trọng cần có của người phi công là gì?

- Lái máy bay thương mại thì kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng, giao tiếp với nhiều đối tác khác nhau trong một khoảng thời gian khá dài nên đòi hỏi anh phải điềm tĩnh hơn. Trong khi lái máy bay quân sự đòi hỏi tính chiến đấu cao hơn, nói cách khác là máu lửa hơn...

Bố tôi là đại tá quân đội, từng làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần 30 năm. Tôi thường được nghe bố dạy về chữ Nhẫn, phải biết nhường nhịn, hy sinh vì cái chung. Sau này làm nghề bay, nhiều lúc cần những hành động dứt khoát, quyết đoán nhưng tôi vẫn giữ cho mình đức tính nhẫn nại, mềm mỏng trong mọi tình huống. Chứ lên trời mà nóng vội thì nguy hiểm lắm.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.