Bất thường hóa đơn tiền điện?

Đà Nẵng: Giảm điều hòa, quạt… tăng tiền điện

Hóa đơn tiền điện tháng 9 của bà Phú tăng vọt so với tháng 8 dù đã giảm các thiết bị điện. Ảnh: Đào Phan.
Hóa đơn tiền điện tháng 9 của bà Phú tăng vọt so với tháng 8 dù đã giảm các thiết bị điện. Ảnh: Đào Phan.
TP - Đó là trường hợp bà Trần Thị Phú (số nhà 221 đường Huỳnh Tấn Phát, quận Cẩm Lệ - Đà Nẵng). Phản ánh với Tiền Phong, bà Phú cho hay, mặc dù bước vào tháng đầu mùa mưa, gia đình đã sử dụng tiết kiệm lại các thiết bị điện nhưng số tiền phải đóng không giảm xuống mà còn nhiều hơn tháng cao điểm gần tới 300 ngàn. 

Bà Phú cho biết, gia đình  chỉ có 5 người, trong nhà có 1 máy giặt, 2 điều hòa, hai ti vi, hai cây quạt cùng một số thiết bị khác. “Tháng trước, nhà tôi phải đóng hơn 2,347 triệu đồng tiền điện nhưng tháng này lại thấy tăng lên gần 2,6 triệu đồng. Điều đáng nói là tháng vừa rồi, nhà tôi sử dụng các thiết bị điện ít lại, quạt và điều hòa chỉ hoạt động một nửa công suất vậy mà số điện vẫn cứ tăng một cách khó hiểu. Khi nhận được giấy báo tiền điện, tôi hỏi nhân viên thì họ không thể giải thích được”.

Ông Nguyễn Công Xuân (số nhà 40 Lê Độ, quận Thanh Khê), cho biết, tháng vừa rồi thời tiết chuyển mùa, các thiết bị trong gia đình chỉ hoạt động một nửa công suất thế mà tiền điện tháng nay lại tăng lên hơn 500 ngàn. Tháng trước là 1,448 triệu mà tháng này lên đến hơn 1,9 triệu đồng. Tôi làm việc tại ngân hàng nên chọn cách thanh toán qua thẻ. Khi nhận được thông báo hơn 500 số điện mà tôi cũng…choáng, chẳng biết tại sao lại tăng. Tôi đang định lên bộ phận điện lực để hỏi cho rõ”- ông Xuân nói.

Ông Trần Phước Hỷ - Phó GĐ Điện lực Cẩm Lệ, cho hay, sẽ ngay lập tức cho nhân viên kiểm tra các khiếu nại của khách hàng, đồng thời cho rằng phải có nguyên nhân khách quan nào đó khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt trong khi khách hàng đã giảm các thiết bị điện. “Không có chuyện nhân viên ghi lộn số chữ. Tôi đảm bảo là không có. Chúng tôi sẽ tới nhà làm việc với từng khách hàng phản ánh, nếu ai không hài lòng, có thể cùng chúng tôi mang đồng hồ điện đến một đơn vị giám sát, kiểm tra độc lập. Nếu vẫn chưa hài lòng, khách hàng có thể nhờ tới Sở Công thương giải quyết” - ông Hỷ cho biết.

Đà Nẵng: Giảm điều hòa, quạt… tăng tiền điện ảnh 1

Công tơ điện tử khiến nhiều khách hàng nghi ngờ là nguyên nhân của sự tăng vọt tiền điện (trong ảnh: lắp đặt công tơ điện tử tại quận Hải Châu). Ảnh: Nam Cường.

Điện tăng do tắt các thiết bị bằng điều khiển từ xa (!?)

Đại diện Điện lực Đà Nẵng cho hay, những phản ánh của khách hàng vì nghĩ rằng tiền điện tăng vọt do lắp công tơ điện tử là chưa chính xác. So với công tơ điện cơ, công tơ điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội như: Độ chính xác của công tơ điện tử đến +/- 1%, cao hơn so với công tơ điện cơ là +/- 2%, vì vậy sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch giữa hai bên mua và bán điện. Là thiết bị dùng linh kiện điện tử, loại bỏ được sai sót do phần tử cơ khí gây ra. Độ nhạy cao, độ ổn định cao, lượng điện tổn hao thấp hơn, kích thước nhỏ, gọn. “Với công tơ điện tử, sẽ thu thập dữ liệu khách hàng từ xa một cách hoàn toàn tự động, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng dùng điện; theo dõi, phân tích phụ tải chi tiết, kịp thời; phục vụ đắc lực cho hiệu suất kinh doanh (chốt chỉ số đổi giá điện, ghi chữ, phát hành thông báo, hóa đơn tiền điện,…).

“Công tơ điện tử có sai số cho phép theo quy chuẩn là +/- 1% nên nhạy hơn công tơ điện cơ, có khả năng tính được cả lượng điện công suất nhỏ nhất như đèn led, đèn chờ ti vi, đèn ngủ, sạc pin điện thoại... Do đó, so với trước khi lắp đặt công tơ điện tử khách hàng sử dụng điện không phải trả tiền cho những khoản tiền điện nói trên vì công tơ điện cơ không đo đếm được thì nay khách hàng sẽ phải trả tiền cho những khoản này”.

Ông Hồ Quốc Phương (Ban Quan hệ cộng đồng Điện lực Đà Nẵng)

“Việc ghi chỉ số công tơ định kỳ hằng tháng từ xa bằng sóng vô tuyến, nên khôn g gây phiền hà cho khách hàng” - ông Hồ Quốc Phương (Ban quan hệ cộng đồng - Điện lực Đà Nẵng) cho biết. Theo ông Phương, có thể nguyên nhân là do một số khách hàng sử dụng điện vẫn có thói quen tắt các thiết bị điện bằng điều khiển từ xa, khi đó các thiết bị điện này vẫn ở chế độ sử dụng điện chờ, nên vẫn tiêu hao một phần điện năng, công tơ điện tử có sai số cho phép theo quy chuẩn là +/- 1% nên nhạy hơn công tơ điện cơ, có khả năng tính được cả lượng điện công suất nhỏ nhất như đèn led, đèn chờ ti vi, đèn ngủ, sạc pin điện thoại... Do đó, so với trước khi lắp đặt công tơ điện tử khách hàng sử dụng điện không phải trả tiền cho những khoản tiền điện nói trên vì công tơ điện cơ không đo đếm được thì nay khách hàng sẽ phải trả tiền cho những khoản này.

“Ngoài ra, có thể một yếu tố khách quan nữa đó là khi thời tiết và khí hậu chuyển mùa nắng nóng hơn, nhu cầu sử dụng điện cũng sẽ tăng. Có thể khi Đà Nẵng triển khai thay thế lắp đặt công tơ điện tử vào thời điểm này thì lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng dùng điện cũng sẽ cao hơn” - ông Hồ Quốc Phương khẳng định.

MỚI - NÓNG