Đại gia Trí Việt nói gì về đề xuất nhập tàu sắt?

Ông Trần Văn Trí (phải) đón tiếp đối tác Nhật Bản tại Hà Nội ngày 28/8.
Ông Trần Văn Trí (phải) đón tiếp đối tác Nhật Bản tại Hà Nội ngày 28/8.
TPO - "Chúng tôi không xin nhập tàu cũ mà nhập tàu còn mới", Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Trí Việt, ông Trần Văn Trí đã "nói lại cho rõ" như vậy sau khi Bộ NN&PTNN có văn bản bác đề xuất nhập khẩu tàu sắt của Cty Trí Việt và Cty CP Đức Khải.

Hơn chục ngày sau khi Bộ NN&PTNN có văn bản bác đề xuất nhập khẩu tàu sắt cũ của Cty CP Tập đoàn Thuỷ hải sản Trí Việt (Cty Trí Việt) và Cty CP Đức Khải, đến ngày 18/8, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, chỉ đạo “nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của Cty Trí Việt”.

Công văn số 6318, do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ ký, gửi đến Bộ NN&PTNT, Bộ GT&VT, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn. Nội dung chính là yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của Cty Trí Việt về nhập và đóng mới tàu vỏ thép, xây dựng cảng cá, mua máy bay trực thăng cứu hộ cứu nạn và “báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”.

Trong khi các cơ quan đang nghiên cứu thực thi chỉ đạo của Phó thủ tướng, phóng viên có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT Cty Trí, ông Việt Trần Văn Trí.

Tại sao các ông xin nhập tàu vỏ thép đã cũ?

- Chúng tôi không xin nhập tàu cũ mà nhập tàu còn mới. Hơn nữa, chúng tôi ủng hộ chủ trương của Bộ NN&PTNT về việc không cho phép nhập tàu cũ. Vì tàu cũ thì các nước người ta cho, mình chỉ tốn tiền kéo về, gây thêm rác thải và ô nhiễm môi trường đất nước.

Thông tin đã loan, văn bản Bộ NN&PTNT bác đề xuất nhập tàu cũ của Cty Trí Việt trong đó liệt kê 14 chiếc tàu xin nhập, có 13 tàu trên 15 năm, 1 tàu 12 năm?

- Không có đề xuất nào của Cty Trí Việt như thế. Khi biết chúng tôi muốn nhập tàu vỏ thép, doanh nghiệp ở một số quốc gia chào hàng bằng cách gửi catalo. Trong đó, một doanh nghiệp ở Mỹ gửi cuốn catalo giới thiệu tàu cần bán, gồm những chiếc tàu lớn nhưng toàn bằng tiếng Anh, chúng tôi gửi đến Bộ NN&TNT nhờ xem xét, kết quả ra truyền thông lại thành danh sách tàu chúng tôi xin nhập khẩu.

Như vậy, thực ra, các ông cũng muốn nhập khẩu tàu đã qua sử dụng?

- Muốn có đội tàu vỏ thép đáp ứng yêu cầu nhiều mặt hiện nay của đất nước, nếu chỉ trông chờ vào đóng mới thì bao giờ có được? Mấy tháng qua hô hào đóng tàu vỏ thép, cũng mới chỉ có được 2 chiếc ra biển. Nên theo chúng tôi, thời gian ban đầu, cần nhập khẩu một số tàu có tuổi thọ dưới 8 năm cùng với việc đóng mới thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Có dư luận cho rằng, các ông muốn tranh phần gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ?

- Chúng tôi triển khai dự án hợp tác xây dựng đội tàu vỏ thép công suất lớn từ một năm trước, khi tham gia các đoàn công tác đến nhiều quốc gia trong vùng như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản. Việc hợp tác xây dựng đội tàu công suất lớn không phải thời gian ngắn mà làm được.

Trong một văn bản gửi nhiều cơ quan do ông ký ngày 9/7/2014, ông có đặt vấn đề được hỗ trợ theo Nghị định 67?

- Tôi xin nhắc lại nguyên văn đoạn đó: “Qua làm việc với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đã đồng ý hỗ trợ cho công ty vốn phục vụ đánh bắt xa bờ theo chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67”. Một kế hoạch chuẩn bị từ năm trước, đến lúc có chính sách ưu đãi thì đương nhiên chúng tôi không thể bỏ qua. Tuy nhiên, chính sách như thế nhưng để vay được tiền của ngân hàng là không hề dễ dàng nếu không có tài sản đảm bảo và không có dự án khả thi.

Ông vừa nói đến dự án hợp tác quốc tế xây dựng đội tàu vỏ thép công suất lớn, thực tế là thế nào?

- Hiện nay, chưa có chủ trương cho chúng tôi nhập khẩu một số tàu cũ và đóng tàu mới để thực hiện dự án nên còn phải giữ bí mật về dự án. Tôi chỉ có thể giới thiệu khái quát rằng qua làm việc với các đối tác, chúng tôi thống nhất phương thức hợp tác đánh bắt cá trên biển Đông và tiêu thụ hải sản. Trong đó, đối tác ở Nhật Bản có thể đóng góp đến 50%, Indonesia và Hàn Quốc đóng góp thêm 20-30% nữa, còn lại chúng tôi lo.

Cty Trí Việtcó một số nhà máy chế biến thuỷ sản ở ĐBSCL và cũng đang gặp khó khăn. Các ông lấy tiền đâu để góp vốn xây dựng đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ?

- Chúng tôi có các đối tác làm ăn, cụ thể thế nào thì cũng xin chưa tiết lộ.

Xây dựng đội tàu vỏ thép công suất lớn đã rất tốn kém, sao các ông còn tính xây dựng đến hai bến cảng?

- Không làm bến cảng thì tàu về đậu vào đâu? Hợp tác quốc tế để khai thác hải sản lâu dài, phải tính toán đầy đủ các mặt chứ không thể theo kiểu cũ chung chung “phát huy tiềm năng” hay “dựa vào sức mạnh nhân dân”. Chúng tôi đề nghị được mua 3 chiếc trực thăng cứu hộ cứu nạn cũng vì thế, còn phải tính đến khu trú tránh bão cho tàu.

ĐBSCL có tiềm năng lớn về cá tra cũng như bản thân ông có khả năng thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp chế biến cá tra chứ không phải đánh bắt xa bờ. Tại sao ông không tập trung phát huy thế mạnh?

- Vì Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia không thích cá tra. Ẩm thực của họ là hải sản, đặc biệt là hải sản đánh bắt xa bờ. Nước ta lại đang bức bách nhu cầu hợp tác quốc tế đánh bắt xa bờ để khai thác có hiệu quả tiềm năng hải sản và bảo vệ chủ quyền vùng biển. Thực ra, tham gia các đoàn nhà nước đến một số quốc gia, luôn có đại diện nhiều doanh nghiệp nhưng không hiểu sao, sau các chuyến đi, doanh nghiệp nước ngoài cứ điện thoại với tôi, thúc giục hợp tác nên tôi phải làm.

Nhưng đến thời điểm này, dự án hợp tác đánh bắt xa bờ của các ông mới sôi động dư luận, có điều gì phía sau?

- Vì có chính sách bảo hiểm của Nghị định 67. Đó là, tàu khai thác xa bờ và dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) 90% kinh phí với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, 70% kinh phí với tàu từ 90 đến dưới 400 CV, và 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

MỚI - NÓNG