Đau đầu với hàng giả, hàng nhái

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TP - Ngày 27/1, tại TPHCM diễn ra buổi tọa đàm “Hàng gian, hàng giả thách thức của sự phát triển bền vững” của các chuyên gia về tiêu dùng, doanh nghiệp, luật sư…

Theo tổng kết năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý 17.396 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; giá trị 36 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện tăng 3.388 vụ (24,2%); giá trị vi phạm tăng 3,9 tỷ đồng (12,1%).

Hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng đa dạng, từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp và văn hóa phẩm. Mặt hàng nào có khả năng sinh lợi đều có thể bị làm giả, đứng đầu là mỹ phẩm, kế đó là hàng điện tử, điện lạnh,...

Ban tổ chức tọa đàm cho rằng, TPHCM là trung tâm sản xuất hàng hóa lớn nhất nước đồng thời là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại hàng gian, hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu lớn nhất.

Trong năm 2014, ngành công thương TPHCM kiểm tra 7.154 vụ, phát hiện 5.491 vụ vi phạm, trong đó có 1.718 vụ hàng cấm, 1.400 vụ hàng nhập lậu, 442 vụ hàng giả, 944 vụ vi phạm quy định về nhãn hàng hóa và 391 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh. Tổng số tiền thu được từ hàng hóa vi phạm là trên 88 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy là 11 tỷ đồng, hàng tịch thu chờ bán là 36 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các đại biểu nhận định, những vụ hàng gian, hàng giả bị phát hiện còn rất nhỏ so với con số thực tế đang diễn ra trên thị trường.

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cho rằng, để chống hàng gian, hàng giả, cần nhiều tổ chức xã hội cùng tham gia. Ông đề xuất phải lập một tổng đài để ghi nhận sự phản ánh của người tiêu dùng về các sản phẩm kém chất lượng có dấu hiệu hàng gian, hàng giả.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, hiện nay, cơ chế xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả hiện nay còn quá thấp. Để xử lý hàng giả bắt buộc phải có kết luận giám định hàng giả, tuy nhiên chi phí giám định đối với một số mặt hàng rất cao nên nhiều doanh nghiệp e ngại. Hơn nữa không ít doanh nghiệp e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng nên khi được cơ quan chức năng mời đến xác nhận hàng giả thì từ chối, không hợp tác.

Nạn hàng giả trong lĩnh vực y tế diễn biến phức tạp.

Ngày 27/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế diễn biến phức tạp. Phổ biến nhất là nhóm mặt hàng mỹ phẩm, hương liệu thực phẩm, thực phẩm chức năng...

Đây là những mặt hàng trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.       

Thái Hà

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.