Đổi mới doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Ngày 13/4, Ngân hàng thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam có một số khởi sắc, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo dự báo, hoạt động kinh tế ở Việt Nam đã có sự khởi sắc. Tăng trưởng GDP đạt 7% trong quý IV năm 2014, đưa tỷ lệ tăng trưởng cả năm lên mức 6% (tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011). Tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam giảm liên tục, đáng kể. Tỷ lệ dân số có mức sống dưới 2 USD/ngày sẽ giảm từ 12,1% xuống 5,8% trong năm 2017. Tình trạng nghèo chủ yếu diễn ra ở nông thôn, tập trung ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, khu vực giáp biên của vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và một số vùng ở Tây Nguyên. Xuất khẩu tăng vững chắc, dòng vốn FDI, kiều hối được duy trì và nhập khẩu chủ yếu giúp cải thiện cán cân vãng lai.

Tuy nhiên, do tái cơ cấu diễn ra ì ạch, đặc biệt trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khiến kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Công cuộc đổi mới khu vực DNNN diễn ra chậm chạp so với kế hoạch, chưa đạt chỉ tiêu cổ phần hóa đặt ra. Đầu tư tư nhân trong nước còn dè dặt, do niềm tin của doanh nghiệp còn thấp. Việc thúc đẩy, tạo sân chơi bình đẳng giữa các DNNN và doanh nghiệp tư nhân cần được thúc đẩy hơn nữa. Tăng trưởng tín dụng bị kìm hãm, cầu tín dụng yếu (do niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng còn thấp). Đáng chú ý, nợ công đã gia tăng do nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách, phần lớn. Tổng dư nợ công và nợ được bảo lãnh công đạt đến mức 61% GDP tính đến cuối năm 2014.

Theo WB, Việt Nam cần có kế hoạch vững chắc để củng cố tình hình tài chính cả các DNNN và các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước. Sự suy yếu của giá các mặt hàng gạo, nông sản khác trên toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng của các hộ gia đình nông thôn, nới rộng chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội vươn ra thị trường bên ngoài rộng lớn, giàu có hơn khi hiệp định thương mại đang đàm phán có hiệu lực. 

MỚI - NÓNG