Động lực và hy vọng cải cách kinh tế

Cải cách là động lực cho kinh tế phát triển, vươn lên. Ảnh: Đại Dương.
Cải cách là động lực cho kinh tế phát triển, vươn lên. Ảnh: Đại Dương.
TP - “Cách tiếp cận mới về tái cơ cấu và nền kinh tế đang phục hồi trong năm 2014 là hai yếu tố quan trọng nhất để hy vọng năm 2015 có những bước thay đổi mạnh mẽ, tích cực” - TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ với Tiền Phong trong một ngày đầu năm 2015.

Theo TS Thiên, cách tiếp cận thị trường trong việc tái cơ cấu nền kinh tế hiện đã rõ ra rất nhiều. Chẳng hạn trong việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cho phép bán theo giá thị trường, có nghĩa là cho phép có thể bán lỗ so với giá cũ; hoặc việc CPH đặt ra yêu cầu người nào đứng đầu người đó phải chịu trách nhiệm… Tất cả những điều đó sẽ khiến cho tiến trình CPH nhanh và tốt hơn.

Hoặc câu chuyện giá, các loại giá cả chủ yếu sẽ được thị trường hóa nhanh chóng, đầy đủ. Cụ thể, giá vốn (lãi suất và tỷ giá hối đoái) lâu nay áp trần, giờ có thể phải tháo trần ra. Giá đất, giá năng lượng cũng phải thay đổi, để cho các doanh nghiệp quyết định di chuyển theo giá thị trường... Về phía Nhà nước cũng có những thay đổi, tức xác định tái cơ cấu thì sẽ để thị trường làm cái gì và nhà nước làm cái gì.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù lạc quan hay thận trọng thì giải pháp cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Áp lực cải cách

Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Động lực và hy vọng cải cách kinh tế ảnh 1

TS Trần Đình Thiên.

Năm 2015 dự báo sẽ khó, vì chúng ta cam kết thị trường quá mạnh, tức là đẳng cấp cam kết quá cao. Ví dụ TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) gồm 12 nước tham gia, có đàm phán chung, nhưng hầu hết là đàm phán song phương. Không như WTO, những cam kết này phải thực hiện ngay, nếu không sẽ bị kiện, mà kiện thì tổn thất uy tín quốc gia, nên đó là áp lực rất lớn để Việt Nam phải cải cách.

Nếu áp lực để chúng ta cải cách thể chế tốt hơn, thì áp lực đó cũng là thời cơ cho Việt Nam thay đổi. Nhưng có tận dụng được thời cơ hay không thì là cả câu chuyện. Nó khó ở chỗ, hiện nền kinh tế của ta đang rất yếu, nhất là khu vực trong nước, vậy làm thế nào để thay đổi? Năm 2015 là năm có tính chất xoay chuyển, nhưng nếu không xoay chuyển theo hướng tích cực được thì nền kinh tế cũng sẽ gay go.

Thời gian qua, chúng ta đã chịu “trả giá” để phục hồi và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và đó là một trong những điểm quan trọng để tạo lòng tin cho những hy vọng của năm 2015 và những năm tiếp theo. 

TS Trần Đình Thiên

Đối với những “quả đấm thép” là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, thực ra là yếu và nhiều bất ổn. Chính vì thế phải tập trung tái cơ cấu khu vực này. Những chỗ nào cần thiết thì Nhà nước giữ lại, còn lại “đẩy” ra hết. Làm được như vậy, chắc chắn nền kinh tế có một nguồn lực, có không gian cho khu vực tư nhân. Còn phần của nhà nước thu nhỏ lại và áp lực phát triển tăng lên thì buộc nhà nước cũng phải thay đổi. Như vậy, trong việc cải cách, khu vực DNNN mạnh lên một cách thực chất. 

Ví như, việc cho bán dưới mệnh giá là thực chất, vì thế bảo đảm rằng mấy ông lãnh đạo DNNN không có lý do gì để bảo là không CPH được. Thêm vào đó, bán thì sẽ bán nhiều chứ không phải chỉ 10 hay 20% như trước. Tức là nỗ lực chuyển phần vốn của nhà nước cho khu vực tư nhân chứ không phải đặt quy định giữ phần vốn nhà nước lại là chính.

Cổ phần hóa: Nhiệm vụ khá nặng nề

TS Vũ Đình Ánh - Viện Tài chính cho rằng:

Động lực và hy vọng cải cách kinh tế ảnh 2

TS Vũ Đình Ánh.

Năm 2014 Chính phủ đã đẩy mạnh sắp xếp lại các DNNN, CPH không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà cả doanh nghiệp lớn, với tham vọng trong hai năm 2014-2015 CPH 432 DN, nhưng đến cuối 2014 mới chỉ CPH được 143 DN. Nhiệm vụ CPH 2015 khá nặng nề, chưa kể các điều kiện CPH chưa thuận lợi. Vấn đề đáng lo ngại hơn nhiều là khi tái cơ cấu DNNN thì chúng ta đặt ra các mục tiêu khá đơn giản là chỉ tái cơ cấu riêng biệt từng  tập đoàn, tổng công ty mà không tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty như là một hệ thống hay với tư cách là một bộ phận cốt lõi nhất của DNNN. Điều đó cho thấy thiếu sự liên kết giữa các bộ phận trong tổng thể các DNNN, đó là chưa kể thiếu sự liên kết nữa là DNNN hay vai trò của Nhà nước nói chung trong nền kinh tế thị trường theo mô hình của Việt Nam. Nhưng giả định, nếu hoàn thành CPH 432 DNNN như chúng ta đặt ra thì tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản nhất, cốt lõi nhất.

Năm 2014, dường như tất cả các chỉ tiêu chúng ta đều đạt với kế hoạch đặt ra ban đầu và với những kết quả của năm 2014 đó là những tiền đề tốt để chúng ta thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra cao hơn trong 2015. Và với các diễn biến cùng các yếu tố trong nước và nước ngoài, dự báo năm có khá nhiều điều kiện thuận lợi để chúng ta đạt, thậm chí vượt các mục tiêu đặt ra. Nhưng đó chỉ là ngắn hạn, cái mà tôi quan tâm nhiều hơn là vấn đề của trung và dài hạn liên quan đến vấn đề cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế cũng như lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cũng như các yếu tố vĩ mô khác một cách bền vững, ổn định.

Giảm khu vực nhà nước, tăng kinh tế tư nhân

Còn GS-TS Võ Đại Lược -Trung tâm kinh tế châu Á-Thái Bình Dương nhận định:

Động lực và hy vọng cải cách kinh tế ảnh 3

GS-TS Võ Đại Lược.

Hiện nay kinh tế Việt Nam có 3 chủ thể chủ yếu: Kinh tế nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kinh tế tư nhân. Trong đó khu vực kinh tế tư nhân đang bị lép vế nhất, trong khi khu vực DNNN đang nắm giữ các lĩnh vực độc quyền, các lĩnh vực có lợi thế nhất; các doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất… Một nền kinh tế thị trường dựa chủ yếu vào DNNN và doanh nghiệp FDI thì không thể có sức cạnh tranh quốc tế được.

Để gia tăng nội lực quốc gia, gia tăng lợi thế độc lập tự chủ Việt Nam, tôi cho rằng phải thực thi chính sách phát triển mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong nước. Thực hiện CPH DNNN mà Chính phủ đã đề xướng một cách triệt để trên thực tế, tạo địa bàn cho DNTN phát triển. Bán tất cả các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ, góp phần tạo không gian cho khu vực tư nhân phát triển. Giảm khu vực DNNN hiện nắm tới 34% GDP xuống mức dưới 10%. Chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nếu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao với cam kết chuyển nhượng có thời hạn công nghệ cao cho Việt Nam. Khuyến khích, ưu đãi cho DNTN Việt Nam về mọi mặt từ giải phóng mặt bằng, thuế, đất đai, tín dụng…   

Nhất thể hóa nền kinh tế theo luật pháp

Theo TS Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia tài chính, ngân hàng thì:

Động lực và hy vọng cải cách kinh tế ảnh 4

 TS Nguyễn Đại Lai.

Thực trạng nền kinh tế, theo quan sát của tôi, nó đang là 3 mảng tương đối độc lập với nhau và chịu chi phối bởi các luật, đặc biệt là lệ, thói quen cũng như quan điểm khác nhau. Đó là nền kinh tế tư nhân, nhà nước và nước ngoài. Ba lĩnh vực này chẳng lan tỏa gì với nhau, thậm chí chèn ép nhau. Khu vực tư nhân bị lép vế, thậm chí không phát huy được khả năng vì bị các DNNN dù năng lực cạnh tranh, quản lý yếu, nhưng vốn khỏe, các lĩnh vực độc quyền và các điều kiện khác rất tốt chèn ép. Còn khu vực nước ngoài, căn bản họ sử dụng nước ta làm nơi mở xưởng, nhập vào rất lớn và xuất ra gần hết, còn để lại cho GDP phần rất nhỏ.

Phải từng bước, nhanh chóng nhất thể hóa nền kinh tế theo luật pháp. Dần dần CPH hoàn toàn khu vực nhà nước. Nhà nước chỉ nên làm trọng tài cho nền kinh tế thị trường bằng luật pháp, thể chế. Tôi đề nghị là thể chế thị trường, pháp quyền, dân chủ. Tức là, trước hết phải tôn trọng nền kinh tế thị trường. Thứ hai, pháp quyền tức là Nhà nước quản lý bằng pháp luật (theo cơ chế thị trường) được xây dựng trên trí tuệ của ta và tiếp thu văn minh của nhân loại và thể hiện tính dân chủ trong việc làm luật pháp.

MỚI - NÓNG