Đông Nam Bộ: Trả phí... mỏi tay

Trạm Long Phước thu phí hoàn vốn đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: H.T.
Trạm Long Phước thu phí hoàn vốn đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: H.T.
TP - Các tuyến đường ở khu vực Đông Nam bộ có hàng chục trạm thu phí hoạt động, giăng như mạng nhện khiến giới vận tải đường bộ kêu trời khi lưu thông qua đây. Nhiều tài xế nói chạy xe qua các tỉnh Đông Nam bộ thì trả phí… mỏi tay!

220km qua Đồng Nai: 19 trạm thu phí

Tỉnh Đồng Nai được xem là vô địch trạm thu phí BOT khi với khoảng 220km các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường phố qua địa bàn Đồng Nai có đến 19 trạm thu phí, riêng địa bàn TP Biên Hòa có đến 11 trạm thu phí bủa vây.

Đầu tư hơn 12km cho tuyến đường tránh TP Biên Hòa, nhưng công ty CP Đồng Thuận lại được cho phép đặt trạm thu phí ngay trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Trảng Bom (Đồng Nai), nơi mỗi ngày hàng vạn chuyến xe lưu thông Bắc - Nam trên Quốc lộ 1 qua đây đều phải mua phí với mức giá thấp nhất là 20.000 đồng/lượt và cao nhất là 160.000 đồng/lượt bất kể phương tiện có lưu thông qua đường tránh TP Biên Hòa hay không.

Tính ra tất cả các tuyến đường qua tỉnh Đồng Nai với khoảng 220km đang có đến 19 trạm thu phí BOT. Một phương tiện phải chịu mức phí thấp nhất khi đi hết 220 km phải trả 230 nghìn đồng.

Trong số các dự án giao thông BOT có lẽ kỷ lục nhất cả nước về mức thu phí là đường 319 nối dài kết nối huyện Nhơn Trạch với đường cao tốc TPHCM - Long Thành- Dầu Giây. Dự án này đã được khởi công với chiều dài tuyến chính khoảng 2km và hơn 7km nhánh rẽ, nhưng chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO đã trình phương án thu phí từ 30.000 đồng đến 160.000 đồng/lượt phương tiện. Chủ đầu tư này cũng xin 1 hécta để xây dựng nhà điều hành của trạm thu phí. 

Tại kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa qua, ông Nguyễn Phú Cường- Bí thư Tỉnh ủy đã đề nghị xem xét lại mức thu phí của dự án đầu tư đường 319 nối dài và nút giao đường 319 (huyện Nhơn Trạch) với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Bởi lẽ, người tham gia giao thông đi chỉ có hơn 2km nhưng phải chi trả mức từ 30 đến 160 ngàn đồng/lượt (tùy loại xe) là cao với người dân.

Không thể lạm thu phí tràn lan

Ông Nguyễn Văn Hậu, tài xế Công ty TNHH vận tải Công Thành cho biết, xe lấy hàng từ cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM), nếu chở về Bà Rịa - Vũng Tàu phải nộp phí lần lượt cho 4 trạm xa lộ Hà Nội, cầu Đồng Nai (nếu chọn đi Quốc lộ 1), Long Phước (nếu đi đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), Quốc lộ 51, cầu Cỏ May. Mỗi lượt đi về phải nộp phí 8 lượt, phí hàng trăm nghìn đồng.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trên các cửa ngõ ra vào TPHCM hiện có khoảng 10 trạm thu phí. Trên địa bàn TPHCM có 7 trạm đang thu phí, gồm: Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu, An Sương - An Lạc (quốc lộ 1A), cầu Phú Mỹ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

 “Hằng ngày, tôi phải chở gỗ cao su từ Bình Phước về Đồng Nai. Một chuyến đi và về qua 3 tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, chiếc xe tải 15 tấn của tôi phải qua 11 trạm thu phí trong đó mua phí ở 8 trạm hết 2,4 triệu đồng. Bây giờ ra ngõ là gặp trạm thu phí trong khi xe vẫn phải đóng phí đường bộ hằng năm. Vì vậy chi phí cầu đường chiếm rất lớn trong giá thành sản phẩm”.

Anh Nguyễn Văn Tiến, chủ một cơ sở gỗ ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai nói

Cuối năm 2015, báo cáo với Bộ GTVT, UBND TPHCM cho biết, trạm thu phí xa lộ Hà Nội dự kiến kết thúc thời gian thu phí vào cuối năm 2018 nhưng sau đó sẽ tiếp tục thu phí để hoàn vốn dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Vì vậy thời gian thu phí dự kiến kéo dài đến năm 2045. Trạm thu phí cầu Bình Triệu (hoàn vốn đầu tư dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2) dự kiến sẽ thu đến năm 2032. Trạm thu phí An Sương - An Lạc giai đoạn 2, 3 kéo dài đến đầu năm 2033.

Ngoài ra, TPHCM dự kiến lắp đặt thêm 4 trạm thu phí trong giai đoạn 2016 - 2025 nhằm hoàn vốn đầu tư cho dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (quận 9); đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương; nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và nâng cấp mở rộng quốc lộ 22. Như vậy, trước đây từ TPHCM về miền Tây chỉ có hai trạm thu phí thì sắp tới lên bốn trạm thu phí.

Tháng 8/2015, UBND TPHCM đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT cho phép đặt thêm trạm thu phí phụ trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn trên địa bàn huyện Bình Chánh) để thu phí cho dự án “Cải tạo và mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An, thuộc huyện Bình Chánh” theo hình thức BOT.

Theo Luật sư Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, phí giao thông đang trở thành gánh nặng đối với các doanh nghiệp vận tải, gây áp lực lên cuộc sống người dân vì chi phí vận tải được hạch toán vào giá sản phẩm, hàng hóa. “Cần thông tin minh bạch, để tránh lạm dụng thu phí tràn lan. Có tình trạng dự án ở một nơi nhưng chủ đầu tư lại đặt trạm thu phí nơi khác có nhiều phương tiện hơn nên nhiều người không sử dụng dịch vụ vẫn phải nộp phí”, ông Chung nói.

Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TPHCM cho biết, đối với các trạm thu phí BOT trên địa bàn TPHCM, mức phí phải tuân thủ Nghị quyết của HĐND TPHCM và hợp đồng BOT đã ký. Tiến độ, thời gian thu, tăng như thế nào quy định rõ trong hợp đồng chứ chủ đầu tư không phải muốn tăng thế nào cũng được. Ông Quân lấy dẫn chứng về việc Trạm thu phí xa lộ Hà Nội đề xuất tăng phí qua trạm và chủ đầu tư dự án cầu Phú Mỹ cũng đề xuất tăng phí và thu phí đối với xe máy nhưng cả hai không được HĐND TPHCM đồng ý.

“Hiện nay nhiều công trình xây dựng trên nền đường đã có sẵn của Nhà nước và nhà đầu tư chỉ mở rộng mặt đường, xây thêm những công trình phụ nhưng lại thu phí trên toàn bộ tuyến đường đó. Cách làm này không công bằng cho người đi đường” - ông Lâm Thiếu Quân, băn khoăn. Còn ông Nguyễn Thanh  Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thép Tiến Lên, cho biết để vận chuyển phôi thép, thép nhập khẩu từ cảng ở TPHCM  về nhà máy ở TP Biên Hòa trên quãng đường 40km, công ty phải mất hàng tỷ đồng phí cầu đường mỗi năm, khiến doanh nghiệp nặng gánh.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".