Đừng để doanh nghiệp lỡ thời cơ vì thói quan liêu

Ngân hàng cần tạo cơ hội đừng để DN lỡ thời cơ.
Ngân hàng cần tạo cơ hội đừng để DN lỡ thời cơ.
TP - “Đối với doanh nghiệp, thời cơ là nhân tố quyết định trong kinh doanh nhưng nhiều DN bỏ lỡ cơ hội ngay trước mắt vì thói quan liêu, sách nhiễu của một số công chức. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp DN nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội kinh doanh hơn” - Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Ông Đào Minh Tú cho biết: Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số CCHC 2015 (PAR INDEX 2015) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đạt chỉ số cao nhất 89,42 điểm- xếp thứ nhất trong số 19 các Bộ, ngành, cơ quan ngang bộ.  Đây là năm thứ ba liên tiếp NHNN đều dẫn đầu chỉ số này.

Để hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã làm gì, thưa ông?

Chỉ sau hơn 01 tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, ngày 28/6/2016, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Kế hoạch hành động gồm 7 nhóm nhiệm vụ, lộ trình và các giải pháp thực hiện; kết quả được lượng hóa cụ thể theo từng năm và cả giai đoạn từ nay đến hết năm 2020.

Trong kế hoạch hành động NHNN đã giao nhiệm vụ rất cụ thể đổi mới, cải tiến cho các TCTD. Quan điểm chỉ đạo của NHNN đối với TCTD đó là ngoài việc chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận, còn phải quan tâm đến lợi ích xã hội; phải nhận thức được trách nhiệm chung đối với xã hội thông qua việc nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và DN, giải quyết hài hòa mối quan hệ kinh doanh và phục vụ. Các cải cách về thủ tục, cắt giảm phí… cho doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, phòng chống rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cho mỗi
ngân hàng.

Đừng để doanh nghiệp lỡ thời cơ vì thói quan liêu ảnh 1

Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Khác với các bộ ngành khác, cải cách hành chính được NHNN chia làm 2 phần rõ rệt: cải cách nội bộ và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Vì sao vậy, theo ông?

Thực tế, trong nhiều năm qua, có nhiều chương trình cải cách hành chính, thủ tục hành chính được triển khai thành công trong ngành Ngân hàng đã được Chính phủ và xã hội ghi nhận và đánh giá cao, điển hình trong các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hoạt động NHNN… Tuy nhiên, sau một quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy về sự chủ động trong cải cách, đổi mới có dấu hiệu chậm lại, nguyên nhân chủ yếu là sự quan tâm để cải cách, đổi mới trong nội bộ các đơn vị còn hạn chế, ý thức nỗ lực của công chức chưa thực sự rõ nét, vẫn còn một số Thủ trưởng đơn vị xem nhẹ, chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác CCHC.

Ngân hàng Nhà nước xác định cải cách hành chính nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối, đồng thời phải đảm bảo hỗ trợ trực tiếp, tích cực cho sự phát triển doanh nghiệp. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Để nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh lại công tác quản lý nội bộ, chấp hành nghiêm túc quy chế, quy định của NHNN về lề lối làm việc, cơ chế phối hợp, quy trình xử lý văn bản, công việc; cải thiện, nâng cao chất lượng công tác công vụ công chức, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả điều hành của Thống đốc và Ban Lãnh đạo NHNN. Ngay từ đầu năm 2016, chúng tôi đã đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách trong nội bộ, nhằm tạo điều kiện, cơ sở để cải cách, đổi mới trong toàn Ngành.

Tại cuộc họp về cải cách hành chính của NHNN gần đây, ông từng phát biểu cần nâng cao chất lượng công vụ công chức. Có thể hiểu điều này thế nào?

Đối với doanh nghiệp, thời cơ, cơ hội là nhân tố quyết định trong kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ thời cơ ngay trước mắt chính vì thói quan liêu, sách nhiễu của một số công chức. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, các thủ tục giao dịch ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh kịp thời hơn.

Để làm được điều này, NHNN xác định cần nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức.  Theo đó, NHNN đã chỉ đạo xây dựng cơ chế để đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ.

Tránh tình trạng dĩ hòa vi quý, bao che cán bộ, chúng tôi sẽ áp dụng những phương pháp kiểm soát chất lượng và thời hạn hoàn thành công việc cho từng người, từng đơn vị một cách khách quan, công khai, cụ thể qua các chương trình tin học hóa, không phụ thuộc nhiều vào nhận xét của người phụ trách...

Cảm ơn Phó Thống đốc!

MỚI - NÓNG