Giá cà phê tăng mạnh

Cà phê tăng giá nhưng nhiều nông dân không còn để bán
Cà phê tăng giá nhưng nhiều nông dân không còn để bán
TP - Một tuần sau Tết Tân Mão, giá cà phê liên tục tăng, vượt ngưỡng 41.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong 4 năm qua. Tuy nhiên, ít người còn cà phê để bán.

> Giá cà phê cao nhất trong 4 năm qua

Cà phê tăng giá nhưng nhiều nông dân không còn để bán
Cà phê tăng giá nhưng nhiều nông dân không còn để bán.

Các công ty chuyên thu mua cà phê ở Đăk Lăk đang tất bật giải quyết đơn đặt hàng sau hơn một tuần nghỉ Tết. Giá cà phê tăng cao nên việc thu mua trở nên sôi động hơn. Theo nhiều công ty, việc thu mua cà phê ở thời điểm này chỉ ở mức cầm chừng, do lượng cà phê còn trong dân không nhiều. Với cà phê nhân xô, nhiều doanh nghiệp mua vào với giá 40.400 - 40.600 đồng/kg, cà phê loại R1C giá 41.000 đồng/kg, R1A giá 41.200 đồng/kg. Giá cà phê nhân đã tăng hơn 10.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Ông Trần Trọng Lưu, Phó phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Đăk Lăk), cho biết: Lượng cà phê còn tồn trữ trong dân chỉ khoảng 30.000 tấn (chiếm 10% lượng cà phê của tỉnh) nên rất khó thu mua với số lượng lớn. Mặc dù giá cao nhưng nhiều nông dân vẫn có tâm lý găm hàng chờ giá lên cao hơn. Trong tháng một, tỉnh Đăk Lăk xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân.

Ngày 13-1, giá cà phê chỉ ở mức 39.100 đồng/kg, đến đầu tháng hai mức giá được nâng lên 41.000 đồng/kg. Trên thị trường tự do, ngày 12-2, có nơi cà phê được thu mua với giá 41.500 đồng/kg. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân có thể là do nhu cầu thị trường thế giới tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đẩy giá lên để mua được nhiều cà phê cung ứng cho các đơn hàng xuất khẩu.

Mặt khác, trong một tuần nghỉ Tết, các hoạt động mua bán cà phê tạm ngừng, khiến nguồn cung cấp cà phê trên thị trường thế giới bị hụt nên đã đẩy giá trong nước tăng mạnh sau dịp Tết. Có người còn cho rằng, nguyên nhân khiến cà phê nhân Robusta tăng giá là do các nhà rang xay cà phê lớn trên thế giới chủ động mua vào với số lượng lớn để tranh thủ điều phối giá cả thị trường nhằm hưởng chênh lệch về giá.

Mặc dù giá cà phê tăng cao nhưng nhiều nông dân vẫn không vui vì một số lượng lớn đã được bán trước Tết khi giá vẫn còn thấp. Ông Nguyễn Văn Hòa ở huyện Cư M'Gar (Đăk Lăk) xuýt xoa cho biết: "Trước Tết, gia đình tôi bán gần 4 tấn cà phê với giá 38.000 đồng/kg để trả nợ và mua sắm đồ Tết, giờ giá cao nghĩ lại mà tiếc. Hiện tại, trong kho còn chưa đầy 2 tấn cà phê nhân, mình làm cả năm đến khi được giá mà bán cũng bị hớ".

Anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết: "Gần 4 tấn cà phê vẫn còn nguyên từ cuối vụ đến nay, do gia đình không kẹt tiền nên vẫn găm hàng chờ thêm một vài ngày nữa, nếu thấy được giá thì bán". Nhiều người cho rằng, cà phê tăng một vài giá trong khi giá phân bón và nhiều vật tư nông nghiệp khác đua nhau tăng mạnh, tính ra người trồng cà phê lãi không nhiều sau mỗi vụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.