Giá xăng Việt Nam cao hơn ở Mỹ 4.000 đồng/lít, vì sao?

Giá xăng tăng đánh thẳng vào người tiêu dùng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giá xăng tăng đánh thẳng vào người tiêu dùng. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - "Đã thế trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, việc tăng giá xăng dầu liên tục từ đầu năm đến nay càng khiến cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp càng thêm điêu đứng", nhiều chuyên gia kinh tế than phiền.

Doanh nghiệp vận tải kêu trời


Anh Nguyễn Tùng Mậu, chủ thương hiệu xe Tùng Mậu chuyên chạy tuyến Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) cho biết, với đợt tăng giá xăng dầu ngày 7/7 vừa qua, trung bình mỗi xe phải tiêu tốn thêm khoảng 4 triệu đồng tiền dầu. Với 5 chuyến trong một tuần, anh Mậu phải chi thêm khoảng 20 triệu đồng. “Giá xăng dầu tăng, càng có nhiều đầu xe, chi phí gia tăng càng lớn. Trong khi giá vé không được điều chỉnh, chi phí này sẽ khiến doanh nghiệp thêm khốn khó”, anh Mậu nói. 

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, chỉ tính 5 lần tăng giá xăng dầu từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, trong khi cước taxi tăng lần gần nhất từ giữa năm 2013. “Hiện, các hãng taxi đã chuẩn bị phương án tăng giá cước, mức tăng có thể từ 500-1.000 đồng/km so với giá hiện tại. Thời gian tăng sẽ khoảng 15-20 ngày tới”, ông Bình nói. 

Ông Bình tính toán, trung bình mỗi xe taxi chạy 200km/ngày, hết 20 lít xăng. Với các lần tăng giá xăng từ đầu năm tới nay, mỗi xe mất thêm 30 nghìn đồng/ngày, 900 nghìn đồng/tháng. Bình quân mỗi hãng có từ 200-300 đầu xe, số tiền phải bù giá xăng quá lớn. “Xăng chưa tăng, tài xế còn được ăn ngày 3 bữa. Xăng tăng họ mất ngay bữa sáng”, ông Bình ví von.

Để hỗ trợ lái xe, ông Bình cho biết, các hãng taxi đang khấu trừ trực tiếp vào tiền nộp về của lái xe hoặc tính lại tỷ lệ ăn chia giữa tài xế và hãng theo hướng nâng mức ăn chia cho lái xe, giảm đối với hãng. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, từ đầu năm tới nay, nhiều chi phí vận tải đã tăng mạnh. “Đặc biệt, khi Bộ GTVT siết tải trọng xe, không được chở quá tải giá cước đã tăng 40-50% so với trước. Giờ thêm cú bồi từ giá xăng, càng khiến doanh nghiệp vận tải thêm khó khăn. Việc tăng giá cước là không thể tránh khỏi, nhưng sẽ chưa tăng ngay mà có độ trễ khoảng 1-2 tháng”, ông Thanh nói. 

Ông Thanh lý giải, với vận tải hàng hóa, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác phải thực hiện dù chịu thêm chi phí xăng dầu. Với taxi, cần thời gian để khai báo cơ quan nhà nước, hiệu chỉnh đồng hồ tính cước. Với hành khách, dù danh nghĩa chưa tăng nhưng thực tế không ít nhà xe đã thu thêm của khách vài nghìn ngoài giá vé. 

Theo ông Thanh, nhiên liệu chiếm tỷ trọng 45-50% giá thành vận tải, nếu nhiên liệu tăng 10%, giá thành vận tải phải tăng 5% mới bù đắp được chi phí. Do đó, ông Thanh dự báo mức tăng cước vận tải trong vài tháng tới sẽ khoảng 5-7% so với hiện tại.

Kiệt sức mua

Từ đầu năm đến nay, đã có tới 5 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu mà chưa có đợt nào giảm giá. Nếu tính cả đợt tăng giá vào ngày 18/12/2013, tổng cộng đã có 6 lần tăng liên tiếp. Tại thời điểm hiện nay, khi giá xăng thế giới dao động quanh mức 124 USD/thùng, tương ứng mức tăng 5 USD/thùng hay 700 đồng/lít, giá xăng trong nước đã tăng gần 3.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2012. 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, đợt tăng giá lần này tăng cả 4 nhóm rất đột ngột, vì mới tăng cách đó hơn 10 ngày. Xăng dầu tăng giá sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền để các mặt hàng khác tăng giá. 

“Sức mua giảm rõ rệt khiến các nhà sản xuất và nhà phân phối gặp khó khăn. Việc tăng giá xăng dầu là đòn giáng thẳng vào người tiêu dùng”.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú

Theo ông Phú, việc tăng giá chắc chắn sẽ tác động vào chi phí vận chuyển hàng hóa, gánh nặng sẽ đổ lên vai người tiêu dùng và tổng cầu sẽ giảm. Thống kê giá trị hàng hóa luân chuyển 6 tháng đầu năm chỉ hơn 5%, so với trước, lượng cầu đã giảm 1/2. “Sức mua đang giảm rõ rệt sẽ khiến các nhà sản xuất và nhà phân phối gặp khó khăn. Việc tăng giá xăng dầu là đòn giáng thẳng vào người tiêu dùng”, ông Phú nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nếu so sánh với thị trường Mỹ, nơi giá xăng dầu được điều hành hoàn toàn theo thị trường, giá xăng Việt Nam đang cao hơn giá xăng ở Mỹ khoảng 4.000 đồng/lít. 

Theo ông Long, qua theo dõi, các đợt tăng giá dù nhỏ giọt nhưng tổng mức tăng lại cao. Tác động của tăng giá xăng dầu càng làm cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua người tiêu dùng thấp. Đặc biệt, việc tăng giá xăng sẽ làm cạn kiệt sức mua của người tiêu dùng và tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, xăng dầu tăng giá là câu chuyện muôn thuở bởi hiện vẫn duy trì tình trạng độc quyền. Nếu tiếp tục để độc quyền, việc giá xăng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng cao là điều được dự báo trước. 

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhận xét: Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu phần thiệt luôn thuộc về người dân. Thực tế, trong hoàn cảnh nào, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng sống khỏe.

MỚI - NÓNG