Giấc mơ xe rẻ ngày một xa vời

Ngành công nghiệp ô tô trong nước được bảo hộ nhiều, nhưng thành quả lẹt đẹt (trong ảnh, ô tô của Vinaxuki “đắp chiếu”). Ảnh: Tuấn Đức.
Ngành công nghiệp ô tô trong nước được bảo hộ nhiều, nhưng thành quả lẹt đẹt (trong ảnh, ô tô của Vinaxuki “đắp chiếu”). Ảnh: Tuấn Đức.
TP - “Cuộc chiến” giữa những doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước với các “đại gia” nhập khẩu dường như đang đến hồi gay cấn. Nguyên do, mới đây, Bộ Tài chính đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô dưới 24 chỗ ngồi. Theo đó, xe nhập khẩu từ bình dân cho tới hạng sang có nguy cơ tăng giá lên rất nhiều.

Tăng từ xe “cỏ” đến xe sang

Chiều 21/5, trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, ông Lê Ngọc Đức cho biết: Nếu chính sách mới của Bộ Tài chính được phê duyệt, một điều dễ nhận thấy là mức giá các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ tăng. Hãng sẽ có những giải pháp ngắn hạn riêng cho những sản phẩm nhập khẩu cũng như có chiến lược lâu dài hơn để phát triển. “Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mong muốn mua một chiếc ô tô giá rẻ hơn ngày càng trở nên xa vời”, vị này cho hay.

“Chưa biết quy định mới sẽ theo hướng nào, nhưng trường hợp áp dụng cách tính mới, dự kiến giá xe nhập sẽ tăng 10-15%”, Giám đốc Audi Hà Nội Nguyễn Văn Dũng cho biết. Dựa theo bảng giá Audi công bố đầu tháng 5/2015, có thể giá xe sẽ tăng 140-490 triệu đồng tùy loại. Rõ ràng khi mốc thuế nhập khẩu về 0% chưa tới, người tiêu dùng sẽ tiếp tục “móc” ra nhiều tiền hơn để mua xe.

Thay đổi để bảo hộ trong nước

Điều đáng chú ý, trong bản góp ý gửi tới cơ quan chức năng chiều 19/5 có cả lãnh đạo Hyundai Thành Công (đơn vị duy nhất vừa nhập khẩu vừa lắp ráp ô tô trong nước ký tên cùng các “đại gia” nhập khẩu). Ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Cty CP Liên Á Quốc tế, đơn vị phân phối xe Audi tại Việt Nam xác nhận điều này. Ngoài ra, còn 11 chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc điều hành của nhiều nhà nhập khẩu các hãng  xe tên tuổi khác đã cùng ký tên vào bản kiến nghị dài 18 trang A4 nhằm phản đối đề nghị thay đổi cách tính thuế TTĐB.

Bản kiến nghị không chỉ được gửi tới Bộ Tài chính theo yêu cầu, các nhà nhập khẩu còn gửi bản kiến nghị tới một loạt các cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Bản kiến nghị lần lượt gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công Thương và Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, giá tính thuế TTĐB hiện chưa bảo đảm công bằng với hàng sản xuất trong nước. VAMA đã đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi giá tính thuế TTĐB theo hướng tăng thêm chi phí bán hàng trong nước, lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu.

Trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ Tài chính cũng thừa nhận: Cách tính hiện tại đã được áp dụng ổn định nhiều năm qua và thực tế không phát sinh vướng mắc. Tuy nhiên, do lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô đến 2018 (về 0%) theo cam kết các hiệp định quốc tế, duy trì cách tính hiện nay thì giá xe nhập sẽ cạnh tranh về giá hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước. “Vì vậy cần sửa đổi cách tính để bảo hộ sản xuất trong nước”, tờ trình của Bộ Tài chính phân tích.

Các nhà nhập khẩu đưa ra nhiều cơ sở để bảo lưu cách tính thuế TTĐB hiện nay. Đầu tiên, họ cho rằng có sự nhầm lẫn vị thế doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng và các doanh nghiệp lắp ráp ô tô nội trong chuỗi cung ứng xe đến người tiêu dùng. Chưa hết, các nhà nhập khẩu cho rằng, việc thiếu kiểm soát hoạt động mua bán linh phụ kiện của các doanh nghiệp lắp ráp sẽ dẫn tới nguy cơ Việt Nam bị thất thu thuế (do chuyển giá ra nước ngoài).

Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cho rằng, mục đích chính của thay đổi này là tiếp tục bảo hộ các đơn vị sản xuất và lắp ráp xe. “Điều chúng tôi mong muốn thị trường sẽ ngày càng minh bạch, công bằng hơn, cũng như mang lại giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng”, ông Lê Ngọc Đức mong muốn.

Ngoài ra, cũng theo các nhà nhập khẩu ô tô, khi làm chính sách cần cân nhắc bởi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới. Nếu bảo hộ sản xuất trong nước để thay đổi cách tính các hàng hóa nhập khẩu, các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh khác của Việt Nam sẽ bị “trả đũa” ở các thị trường nước ngoài. “Khi đó, hậu quả cho nền kinh tế Việt Nam còn nghiêm trọng hơn rất nhiều”, bản góp ý của các nhà nhập khẩu xe nhận định.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cách tính thuế TTĐB mới sẽ gây ra nhiều hậu quả. Thứ nhất, chính sách, nếu được thông qua, sẽ vô hình hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Vị chuyên gia này còn cho rằng, cách tính thuế TTĐB mới sẽ tạo cơ hội cho các nhà lắp ráp ô tô trong nước càng ngày càng “chây ì” không chịu cắt giảm chi phí, giảm giá bán và người dân tiếp tục phải mua xe với giá cao. 

Bộ Tài chính nói gì?

“Không thể nói giá ô tô sẽ tăng. Giá sẽ do cơ chế thị trường quyết định, tức cung và cầu quyết định. Chính sách có tác động, nhưng không có nghĩa doanh nghiệp cộng thuế vào để tạo chênh lệch giá bán. Thị trường không chấp nhận điều đó”,  Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.