Giới chuyên gia tranh luận sôi nổi về dự án sân bay Long Thành

Giới chuyên gia tranh luận sôi nổi về dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Dũng Nguyễn
Giới chuyên gia tranh luận sôi nổi về dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Dũng Nguyễn
TPO - Sáng 1/6, buổi tọa đàm “công khai, khoa học và trách nhiệm” về dự án sân bay Long Thành được giới chuyên gia tranh luận sôi nổi, với nhiều ý kiến khác nhau về dự án này.

Đề cập đến sự cần thiết của dự án, TS. Lương Hoài Nam cho rằng, cần nhìn nhận dự án trong cả một quá trình dài, tránh nghĩ đây là một dự án mới, một ý tưởng mới vừa hình thành. Ủng hộ chủ trương phải sớm triển khai, theo ông Nam, nếu Long Thành được triển khai từ những năm 2005 – 2006 thì sân bay Tân Sơn Nhất đã “không phải khổ sở” như ngày hôm nay. Điều đáng quan tâm nhất với dự án này là huy động nguồn vốn từ đâu, theo mô hình nào? Để bảo đảm thành công cho dự án, theo TS Nam, Sân bay Long Thành ít nhất cũng phải cạnh tranh được ngang ngửa với các sân bay lớn trong khu vực.

Không phản đối chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành, song TS. Nguyễn Bách Phúc lại tỏ ra “đau lòng” vì trước nay Bộ GTVT mới chỉ tổ chức được một hội thảo ở Sài Gòn, lại chỉ nói về sự cần thiết, trong khi Trung ương đã quyết về chủ trương. “Cái Trung ương cần là lắng nghe, giải trình và tìm đến sự đồng thuận trong việc xây dựng Sân bay Long Thành”, TS Phúc nêu quan điểm, đồng thời đề nghị lập ra các tổ chuyên gia, thảo luận trực tiếp, cụ thể từng vấn đề và có sự chứng kiến của báo giới.

Với tư cách là người tham gia thẩm tra dự án, đồng thời là người tham gia về quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ĐBQH Trần Du Lịch cho biết “Chúng tôi đã mơ vùng này có một sân bay tầm cỡ quốc tế chứ không phải Sân bay Tân Sơn Nhất”. Thể hiện mối lo lắng về nợ công, song theo TS. Trần Du Lịch, nếu cần thì vẫn phải vay để đầu tư, điều quan trọng phải chống thất thoát, đội giá từ dự án. 

“Nợ công chúng tôi rất lo, nhưng không vì thế mà để lùi lại, làm chậm phát triển của cả một vùng. Tôi chịu trách nhiệm trước cử tri và lần này tôi sẽ bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án Sân bay Long Thành”, vị Đại biểu đoàn TPHCM khẳng định.

Ngược lại với các ý kiến trước đó, GS. Nguyễn Thiện Tống – Hội tư vấn KHCN và Quản lý TP HCM thì cho rằng, dự án này chưa phải cấp bách, cần nghiên cứu kỹ càng hơn. Ông Tống đề nghị báo cáo tiền khả thi của dự án phải tính toán đến toàn bộ chi phí và hiệu quả dự án lỗ lãi ra sao. Vì Sân bay Long Thành cách xa trung tâm thành phố, nên ông Tống cho rằng, người dân sẽ không đi mà sẽ lựa chọn Sân bay Tân Sơn Nhất cho thuận tiện và tiết kiệm chi phí. Đồng thời ông cũng khẳng định quan điểm không thể xóa sổ Tân Sơn Nhất để xây Sân bay Long Thành.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Luật sư Trần Vũ Hải thì mạnh mẽ đề nghị, nếu sân bay Tân Sơn Nhất đang đạt công suất tối đa thì nhà đầu tư sẵn sàng mua, lúc đó có thể bán sân bay này để lấy tiền đầu tư cho Sân bay Long Thành.

Là người cuối cùng phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng “hứa” sẽ có giải trình về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để tạo sự đồng thuận cao nhất từ xã hội, người dân. “Hàng ngày, hàng tuần tôi đều nhận được tin nhắn, email gửi tới đóng góp ý kiến và tôi đều chuyển hết cho các cơ quan giải quyết”, Bộ trưởng Thăng cũng cho biết, dự án lần này trình Quốc hội chỉ để xin chủ trương, còn chuyện đầu tư hay không phụ thuộc vào báo cáo khả thi. Báo cáo này chỉ khả thi thì Chính phủ mới quyết định đầu tư. Trong tờ trình Chính phủ nói rõ nguồn vốn ngân sách cho dự án này là 11%, ODA 26,5% và vốn xã hội hóa khoảng 62%.

Bộ trưởng Thăng cũng khẳng định, trong tất cả các văn bản đều nêu rõ không có chuyện đóng cửa Sân bay Tân Sơn Nhất, trên thế giới cũng đều khai thác song song khi có một sân bay mới.

MỚI - NÓNG