Vào ma trận thực phẩm chức năng - Bài 2:

Hàng độc hại, bị thu hồi vẫn bán tràn lan

TP - Chứa chất cấm, sản xuất không đúng với xác nhận công bố, quảng cáo thổi phồng..., nhiều loại thực phẩm chức năng đã bị cơ quan quản lý đình chỉ lưu hành, yêu cầu thu hồi. Tuy nhiên, thực tế, số thực phẩm chức năng này vẫn công khai mua bán với giá trên trời, bất chấp sức khỏe người dân.

Cấm vẫn... bán

Ba loại thực phẩm chức năng giảm cân “Super fat burner, Maxi Gold viên nhộng và Esmeralda viên nang” do Công ty TNHH Trung tâm Vân Sơn ở TPHCM phân phối đã bị Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) ra công văn yêu cầu thu hồi ngay từ tháng 3/2014 do chứa chất sibutramine rất nguy hại. Sibutramine ngoài việc làm tăng huyết áp, tăng nhịp đập của tim còn là chất cực kỳ nguy hại khi tương tác với các loại thuốc khác. 

Bất chấp lệnh cấm, các sản phẩm này vẫn mua dễ như rau. Trên mạng chuyên bán thực phẩm chức năng, các sản phẩm trên được rao bán nhan nhản với những công dụng như giảm cân nhanh. Ngày 27/6, có mặt tại Công ty KIWI ở quận Gò Vấp, TPHCM, chúng tôi phát hiện thực phẩm chức năng giảm cân “Super fat burner” được trưng bày ngay cả lối vào của công ty. Hỏi mua loại thực phẩm này, nhân viên của công ty cho biết, đây là loại bán rất chạy do giảm cân hiệu quả. “Uống loại này trong một tháng sẽ giảm được 7kg. Cái hay là không cần phải tập luyện thể dục và uống thuốc không gây tác dụng phụ”- nhân viên công ty nói. 

Sau một hồi giới thiệu, nhân viên công ty lấy ra mấy hộp thực phẩm chức năng và cho biết, mua bao nhiêu cũng đáp ứng đủ và có người giao hàng tận nơi miễn phí. Tôi đặt nghi vấn hàng này có chứa chất cấm bị thu hồi?, nhân viên này cho biết: “Công ty em phân phối độc quyền, nhập từ Mỹ về, được Bộ Y tế công nhận thì sao cấm được?!”.

Thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư Vidatox chứa chất độc hại và bị cấm lưu hành. Tại Việt Nam, mặt hàng này xách tay từ Cu Ba vẫn được rao bán tràn lan với sự mập mờ là thuốc và ghi tác dụng trị dứt ung thư. Thậm chí, một đơn vị nhập khẩu độc quyền loại thực phẩm chức năng Vidatox còn nói uống vào “kéo dài sự tồn tại” và “Làm chậm hơn 5 – 20 năm hoạt động của khối u”. Theo quảng cáo, những lợi ích này được ghi nhận ở khoảng 85% trường hợp, nhưng ngành chức năng nói chưa có nghiên cứu nào để chứng minh. 

Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng - Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết, như thông tin báo chí phản ánh, thực phẩm chức năng giả hầu như không rõ thành phần nên rất nguy hiểm cho người sử dụng. “Không những không đem lại tác dụng như mong muốn, gặp phải các loại thực phẩm chức năng cho các chất corticoid hay Sibutramine vào thì rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là người bị tim mạch...”.

Dù bị thu hồi từ tháng 8/2014, trên trang mạng rao bán thực phẩm chức năng Express Slimming.edu..., 3 loại thực phẩm chức năng Easy Slimming, Ever Slim, Express Slimming vẫn được bán công khai. Thậm chí “Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm” do Cục An toàn thực phẩm cấp từ tháng 11/2012 đã bị thu hồi, song không hiểu sao vẫn được up lên trang web để “làm tin” người tiêu dùng. Ngày 27/6, khi chúng tôi liên hệ để mua 3 sản phẩm này qua số điện thoại của một người tự giới thiệu dược sĩ Tuyến cho biết, nếu muốn giao hàng tận nơi thì có nhân viên giao, còn không có thể tới công ty ở đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp hoặc đường Lê Hồng Phong, quận 10 để xem hàng.   

Loại thực phẩm chức năng Lishuo từ Hồng Kông cũng bị cấm lưu hành từ mấy năm nay, do chứa chất cấm, nó vẫn rao bán công khai cả trên mạng và ở các cửa hàng. Thực phẩm chức năng cường tuần hoàn não Gingko Biloba, bị Mỹ cấm lưu hành và Việt Nam cũng đình chỉ, đồng thời yêu cầu thu hồi. Tuy nhiên, thực tế bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng mua được nó. Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết, Gingko Biloba không chứa các thảo dược như quảng cáo, trong khi lại bị nhiễm khuẩn. Ngày 13/3, Mỹ phát hiện thực phẩm có chức năng làm giảm cân Perfect Slim USA chứa chất Sibutramine, hoạt chất gây chán ăn, tác động trên hệ thần kinh trung ương. Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm đã đình chỉ lưu hành loại thực phẩm chức năng này. Tuy nhiên, ở TPHCM, các cửa hàng vẫn bán vô tư với giá 1,2 triệu đồng/hộp. 

Lãi hơn bán ma tuý

“Super fat burner” bị thu hồi do chứa chất cấm nhưng tư vấn viên bán hàng của Công ty KIWI vẫn nói “loại này rất hiệu quả” và nhân viên này bán  với giá lên tới 1,8 triệu đồng/hộp. Giá “khủng” hơn phải kể đến các mặt hàng thực phẩm chức năng giả do ông trùm của Công ty dược Bảo Khang ở Gò Vấp, TPHCM cầm đầu. Không có chức năng sản xuất thực phẩm chức năng, vì vậy, từ tháng 3/2014, ông chủ Công ty dược Bảo Khang bắt mối với Jerry, người Trung Quốc, đã nhập thực phẩm chức năng giả từ Trung Quốc về Việt Nam. 

Loại thực phẩm Slimmore được Jerry bán cho Bảo Khang 6,5 USD/hộp. Công ty này đưa về đóng gói và dán nhãn giả và bán ra 1,2 triệu đồng/hộp. Còn thực phẩm Reduce Weight, Bảo Khang chỉ mua với giá 4 USD, nhưng khi “tút” lại, công ty này bán ra với giá 1,5 triệu đồng/hộp. Hay như Weight Gain Plus nhái của Mỹ, cũng được công ty này bán với giá gần 2 triệu đồng/hộp trong khi giá mà Jerry bán lại chỉ 5,5 USD. 

Cũng như Công ty dược Bảo Khang, bà Trần Thị Thanh Ly, 35 tuổi ở Quận 1 cùng hai đồng nghiệp của mình là Trần Thanh Luận và Trần Thanh Long, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM âm thầm cho “ra lò” hơn 20 tấn thực phẩm chức năng nhái chỉ trong 5 tháng. Bằng cách mua viên nhộng từ Trung Quốc, nhóm này đi in nhãn hiệu các loại thực phẩm chức năng nổi tiếng, vỏ hộp và tem chống giả tại Việt Nam sau đó thuê nhân công đóng gói tại 3 cơ sở ở phường Tân Phong, Tân Quy Đông, Quận 7 rồi đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Loại thực phẩm chức năng Slim F12 của Mỹ có giá nguyên liệu khoảng 60 nghìn đồng, đóng gói và tiền công thành 80 nghìn đồng nhưng bà Ly lấy mác “hàng xách tay” từ Mỹ về bán tới 900 nghìn đồng/hộp, lời hơn 800 nghìn đồng/hộp. 

Hàng chính hãng của các đơn vị phân phối về Việt Nam như thực phẩm chức năng Eva, Best, 2Day, 3X... đều bị nhóm Ly làm giả và lấy mác “hàng xách tay”. Để bán được hàng giả này, Ly đã giảm giá 10-20% cho các đơn vị phân phối. Tuy nhiên, ít ai biết được tất cả thực phẩm chức năng này đều bị làm giả. Cộng tất cả từ nguyên liệu, đến dán nhãn, đóng hộp, tem chống hàng giả, sản phẩm Best cũng chỉ có giá khoảng 100 nghìn đồng/hộp. Thế nhưng, nhóm này bỏ cho đại lý 950 nghìn đồng/hộp và giá thị trường của nó là khoảng 1,2 triệu đồng. Để tạo lòng tin và che mắt cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng, các loại thực phẩm này đều được dán nhãn phụ, tem phân phối độc quyền dày đặc trên các sản phẩm. Một cán bộ quản lý thị trường TPHCM nói: Làm một hộp thực phẩm chức năng nhau thai cừu giả bằng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc chỉ hết 60 nghìn đồng nhưng họ bán ra với giá từ 2 triệu đồng, lời hơn cả mua bán ma túy!

(còn nữa)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt gần 1,5 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thu hồi 5 giấy xác nhận công bố sản phẩm và 6 giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phá 4 vụ làm giả thực phẩm chức năng quy mô lớn, thu giữ hàng chục tấn thực phẩm giả, độc hại. 


MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.