Hành trình bay trong bầu trời mở

Chỉ sau 4 năm ra đời, việc đi lại bằng tàu bay Vietjet đã trở nên quen thuộc với hành khách.
Chỉ sau 4 năm ra đời, việc đi lại bằng tàu bay Vietjet đã trở nên quen thuộc với hành khách.
TP - Không chỉ đóng góp vào tăng trưởng vượt bậc của hàng không nội địa, Vietjet đem đến cuộc cạnh tranh sôi động, góp phần khẳng định vị thế của ngành hàng không và hình ảnh Việt Nam phát triển với khu vực và thế giới.

Cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HÐQT Vietjet cho thấy, hành trình “bay trong bầu trời mở” của Vietjet chính là hiện thực sinh động về doanh nhân thời đại mới với tư duy toàn cầu và khát vọng đưa đất nước hội nhập sâu rộng...

Không “bước trên hoa hồng”

Thưa bà, 4 năm trước, khi Vietjet bắt đầu cất cánh, nhiều người cho rằng tư nhân khó có thể “sống sót” trong lĩnh vực cạnh tranh khắc nghiệt này. Hồi đó, bà và các cộng sự có lo lắng như vậy không? Cơ duyên nào khiến bà và những người sáng lập hàng không Vietjet quyết tâm “dấn thân” vào con đường “không trải hoa hồng” này?

Bốn năm về trước và xa hơn nữa, việc đi lại bằng máy bay ở Việt Nam được xem là xa xỉ, không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận. Cứ cuối năm, khi người lao động trong các khu công nghiệp Bình Dương, Ðồng Nai, TP HCM được nghỉ Tết, họ đi trên những chuyến xe đường dài chật chội để về đoàn tụ với gia đình. Có nhiều người không đủ tiền mua vé, đứng khóc ở bến xe.

Vietjet ra đời với sứ mệnh mang đến ngày càng nhiều cơ hội bay cho người dân trong nước và quốc tế. Chúng tôi muốn mọi người Việt đều có cơ hội được đi máy bay, an toàn, văn minh, tiết kiệm. Chúng tôi khát khao một cuộc cách mạng về phương tiện đi lại cho người dân, đóng góp phát triển ngành Hàng không Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Với người kinh doanh, không có khi nào “Sải bước trên hoa hồng”; song chúng tôi có một niềm tin khi đầu tư vào lĩnh vực đặc thù này bởi cùng với khát vọng của mình (yếu tố nhân hòa), chúng tôi cảm nhận được yếu tố thời cơ (thiên thời). Ở thời điểm đó, trước áp lực hội nhập WTO, trong đó có lộ trình mở cửa thị trường hàng không, Chính phủ đã có những chính sách cởi mở, hậu thuẫn để ngành hàng không bước ra thế giới. Bộ GTVT, Cục hàng không Việt Nam cũng có những cải cách mạnh mẽ để mở ra cơ chế hoạt động cho tư nhân. Còn (địa lợi), như bạn thấy, một thị trường gần 100 triệu dân, khao khát được sử dụng phương tiện hiện đại, an toàn là máy bay.

Chúng tôi may mắn có đủ 3 ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa khi triển khai dịch vụ và may mắn hơn nữa khi dịch vụ ra đời đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng mọi tầng lớp.

Vietjet giờ đây như “hiện tượng” trên thị trường hàng không trong nước và thế giới. Có rất nhiều điểm mà Vietjet có thể tự hào, theo bà thì điểm nào có ý nghĩa nhất?

Với chiến lược đầu tư bài bản, kế hoạch phát triển bền vững, chính sách xã hội hóa thị trường hàng không của Chính phủ, sau hơn 3 năm cất cánh, Vietjet đã vận chuyển hơn 15 triệu lượt hành khách.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, vận chuyển hàng không nội địa 6 tháng đầu năm 2015 của toàn ngành tăng trưởng hơn 26% và Vietjet đóng góp 70% vào mức tăng trưởng đó. Các sân bay địa phương dần trở nên tấp nập hơn với những chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietjet.

Tháng 1 năm nay, Vietjet khởi động kế hoạch 2015 với thông điệp “Đón bầu trời mở” trong tâm thế tự tin, sẵn sàng đón nhận những cơ hội và vượt qua thách thức của tiến trình hội nhập. 

Bà Nguyễn Thanh Hà

Ðổi mới mạnh mẽ cũng đã và đang đến với ngành hàng không Việt Nam, từ pháp luật, cơ chế chính sách xã hội hóa, nâng cấp hạ tầng, đổi mới công tác điều hành. Sự tham gia của Vietjet góp phần tạo nên cạnh tranh tích cực trên thị trường hàng không. Nhờ chính sách mở cửa, Vietjet phát triển đội bay với 26 máy bay mới, hiện đại; nhận 8 máy bay trong hợp đồng thuê, mua 107 máy bay với Airbus mà hoàn toàn không có bảo lãnh hay cấp vốn của Chính phủ.

Tôi không muốn nói nhiều về các con số, với chúng tôi, điều có ý nghĩa nhất chính là trong một thời gian ngắn, đi máy bay không còn là xa xỉ mà đã thực sự trở thành phương tiện đi lại phổ biến cho mọi người dân Việt Nam. Chưa bao giờ giữa Hà Nội và TPHCM hàng ngày có hơn 50 chuyến bay (cứ 15 - 20 phút đều có chuyến bay), giữa TPHCM, Hà Nội - Ðà Nẵng trên dưới 30 chuyến bay mỗi ngày.

Trên thị trường quốc tế, Vietjet mang đến hình ảnh hiện đại và sinh động từ đất nước Việt Nam đổi mới, góp phần tạo nên sự cuốn hút mới mẻ cho đầu tư và du lịch vào Việt Nam. Mỗi cán bộ công nhân viên của hãng đều có thể tự hào vì đã cùng với toàn ngành, đóng góp tích cực cho những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường hàng không.

Hành trình bay trong bầu trời mở ảnh 1

Bà Nguyễn Thanh Hà.

Tự tin đại diện cho hình ảnh Việt Nam bay xa


Hàng không là ngành có tính biểu tượng rất cao cho sự phát triển, hội nhập kinh tế - xã hội của đất nước, bà nhìn nhận và đưa tinh thần đó vào Vietjet như thế nào, nhất là tới đây, các nước ASEAN sẽ hướng tới một thị trường hàng không chung?

Ðúng như bạn nói, nhìn vào sự phát triển của ngành hàng không có thể “đo” được mức độ tăng trưởng kinh tế cũng như mức độ hội nhập của đất nước. Bầu trời mở ASEAN sẽ đẩy các hãng hàng không vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn, buộc các hãng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá vé. Ðiều này sẽ giúp người dân trong khu vực có thể đi lại dễ dàng từ nước này sang nước kia với giá vé thấp. Khi đó, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ bầu trời mở ASEAN.

Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ để có đủ khả năng cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực khi tham gia vào sân chơi bầu trời mở ASEAN.

Ðể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không mạnh trong khu vực, hãng đã chú trọng vào ba nội dung trọng tâm: Nhân sự, đội tàu bay và tăng cường năng lực quản trị vận hành bên cạnh khả năng tài chính. Chúng tôi đầu tư trung tâm đào tạo, trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của học viên. Vietjet cũng đầu tư lớn cho những chỉ số kỹ thuật, an toàn khai thác, xây dựng hệ thống quản lý quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) mới đây đã trao chứng nhận An toàn khai thác IOSA cho Vietjet, trở thành hãng hàng không thứ hai (sau hãng hàng không quốc gia) và nằm trong số 16% hãng hàng không trên toàn thế giới được nhận chứng chỉ quan trọng này.

Bà có kiến nghị gì với Nhà nước để doanh nghiệp tư nhân ngày càng có nhiều cơ hội phát triển hơn?   

Chúng tôi tin tưởng rằng xã hội hóa sẽ thúc đẩy ngành hàng không Việt Nam phát triển nhanh chóng. Những quan ngại về độc quyền, cạnh tranh đều có thể giải quyết bằng các quy định, những chuẩn mực chặt chẽ mà Cục Hàng không, Bộ GTVT đang xây dựng.

Ngành hàng không mới mở cửa, còn không ít rào cản và thách thức, nhưng phía trước là bầu trời rộng mở, Vietjet tin tưởng rằng, với quyết tâm đổi mới và cải cách của Chính phủ, hãng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ phát triển cả về quy mô và chất lượng, đóng góp xây dựng ngành hàng không văn minh, hội nhập.

Xin cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.