Hồ đập cạn nước, thủy điện lo sốt vó

Hồ thủy điện nhà máy A Vương bị hụt mực nước tới 10 m so với năm 2014.
Hồ thủy điện nhà máy A Vương bị hụt mực nước tới 10 m so với năm 2014.
TP - Khô hạn kéo dài tại khu vực Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền Trung đang khiến nhiều nhà máy thủy điện trong khu vực thiếu nước phục vụ sản xuất, phát điện. Nhiều nhà máy đã phải hoạt động cầm chừng, thậm chí bị buộc ra khỏi thị trường điện để ưu tiên cấp nước cho sản xuất và phục vụ đời sống người dân.

Những mức nước thấp lịch sử

Tình hình khô hạn từ cuối năm 2014 vẫn tiếp tục diễn ra trên diện rộng ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung, khiến lượng nước về các hồ thủy điện khá thấp. Nhiều hồ chứa khu vực Nam miền Trung, lượng nước chỉ đạt 63%-98% so với trung bình nhiều năm. Các hồ thủy điện khu vực Tây Nguyên lưu lượng nước về các hồ cũng chỉ đạt 58%-98%.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Hậu, Phó phòng kỹ thuật Cty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, mực nước hồ Nhà máy Thủy điện A Vương vào đầu năm 2015 chỉ đạt 370,3 m, hụt gần 10 m (tương đương sản lượng 65 triệu kWh) so với mực nước dâng bình thường.

 Nước về hồ các tháng qua khá thấp, trung bình chỉ đạt 15,2m3/s; trong khi nhu cầu sử dụng nước để giảm hạn và chống xâm nhập mặn cho vùng hạ du Vu Gia tăng cao buộc nhà máy phải tăng cường xả nước và phải hoạt động cầm chừng. “Với tình hình thủy văn và kế hoạch vận hành như hiện tại, mực nước hồ dự kiến vào ngày 1/5/2015 sẽ giảm xuống còn 370 m. Rất khó dự báo đến khô hạn khốc liệt sẽ diễn ra như thế nào”, đại diện Cty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết.

“Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài trong 3 tháng tới, việc đảm bảo cấp điện cho hệ thống điện quốc gia gặp không ít khó khăn. Trong các tháng 4 đến 6/2015, dự kiến sẽ phải huy động tăng cường chạy dầu và huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí khu vực miền Nam để đáp ứng phụ tải tăng cao trong các tháng cao điểm nắng nóng”

Phó GĐ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia Vũ Xuân Khu

Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 (tỉnh Quảng Nam), ông Nguyễn Minh Chiến cho biết, do khô hạn, từ tháng 1 đến nay, lưu lượng nước về hồ trung bình chỉ khoảng 41 m3/s. 

Trong khi phải xả nước với lưu lượng 48-78m3/s để điều tiết tăng dòng chảy và ổn định nguồn nước trên sông Vu Gia để cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và chống xâm nhập mặn ở vùng hạ du. Tính đến 13/4, mực nước hồ chứa ở mức 217,38m, chỉ bằng khoảng 67,1% dung tích hữu ích theo thiết kế. 

“Từ 15/5, nhà máy thủy điện Sông Bung 4 sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với địa phương vận hành xả nước qua phát điện xả về hạ du và dự kiến cung cấp khoảng 350 triệu m3 nước phục vụ cho vụ Hè Thu 2015. Về cơ bản, yêu cầu dùng nước từ hồ thủy điện Sông Bung 4 có thể đáp ứng được với điều kiện thời tiết không quá cực đoan. Nếu khô hạn kéo dài, rất khó nói trước được”, ông Chiến cho biết. 

Còn theo đại diện Cty Thủy điện Đại Ninh (Bình Thuận), từ cuối năm ngoái đến nay, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đại Ninh ở mức rất thấp, chỉ đạt 2,29m3/s, tương đương hơn 30% lưu lượng trung bình hằng năm. Đây cũng là mức thấp nhất trong lịch sử 8 năm vận hành nhà máy.

 Đến đầu tháng 4/2015, mực nước trong hồ đã giảm xuống còn 867,08m, thấp hơn mực nước cùng kỳ năm trước hơn 4,6m. Do mực nước xuống thấp và để đảm bảo cho việc cấp nước cho sản xuất tại các huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, công ty đã phải hoạt động cầm chừng và chính thức bị đưa ra khỏi thị trường điện từ 17/3.

“Đây là năm khó khăn nhất của nhà máy từ khi đi vào vận hành đến nay. Bị đưa ra khỏi thị trường điện, doanh thu của công ty bị sụt giảm đáng kể. Cụ thể, giá điện bình quân tháng 1 của công ty đạt bình quân 660 đồng/kWh; đến tháng 3, giá bán điện của công ty chỉ còn 470 đồng/kWh.

 Giá của tháng 4 dự báo giảm tiếp còn khoảng 436 đồng/kWh. Chúng tôi đã kiến nghị có cơ chế bù giá cho thủy điện khi chạy máy theo yêu cầu cung cấp nước cho địa phương. Với tình hình thủy văn như hiện nay, năm nay chúng tôi khó có thể đạt được kế hoạch đề ra”, đại diện Cty Thủy điện Đại Ninh cho biết.

Lo miền Nam thiếu điện

Thông tin từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2015 đã phải điều chỉnh lịch phát điện của hàng loạt nhà máy khu vực miền Trung nhằm đáp ứng đủ nước sản xuất theo yêu cầu của các địa phương. Dự báo nhu cầu phụ tải cả nước trong những tháng tới sẽ tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2014 (tương ứng mức tăng thêm khoảng 77,489 tỷ kWh). 

Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với hệ thống điện. “Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài trong 3 tháng tới, việc đảm bảo cấp điện cho hệ thống điện quốc gia gặp không ít khó khăn. Trong các tháng 4 đến 6/2015, dự kiến sẽ phải huy động tăng cường chạy dầu và huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí khu vực miền Nam để đáp ứng phụ tải tăng cao trong các tháng cao điểm nắng nóng”, ông Vũ Xuân Khu- Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết.

Số liệu của A0 cho thấy, trong những ngày gần đây, miền Bắc bắt đầu chuyển nắng nóng, trong khi các tỉnh miền Nam cũng đang ở trong cao điểm của mùa khô, nên phụ tải hệ thống điện quốc gia đang ghi nhận sự tăng trưởng cao. Trong đó, miền Bắc tăng trưởng phụ tải cao nhất, với tốc độ tăng trung bình trong cả quý 1 đạt 14,5%. Phụ tải đầu nguồn tháng 3 trung bình ngày đạt 435,1 triệu kWh/ngày. 

Đại diện Cty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Bình Thuận) cũng cho biết, tình hình khô hạn đang ảnh hưởng khá nặng đến hoạt động của công ty. Công ty đang phải hoạt động cầm chừng, cố giữ nước để kéo dài thời gian cấp nước cho những tháng tiếp theo. Lượng nước về hồ thấp hơn trung bình nhiều năm.

 “Mùa khô năm nay rất căng thẳng, do chúng tôi vẫn phải đảm bảo cấp nước cho hạ du, đồng thời phải giữ đủ nước để đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng Giám đốc Cty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc sản xuất điện và thiếu nước cho sản xuất sẽ trở nên khó lường hơn nếu nắng nóng, khô hạn kéo dài trong các tháng tới. Hiện, EVN đã lên lịch điều tiết hoạt động của nhiều nhà máy để đảm bảo cấp nước chống hạn cho hạ du. 

Một số nhà máy thủy điện sẽ phải tách ra khỏi hệ thống để ưu tiên tham gia cấp nước như: A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh, Đắk Mi4, Đa Nhim-Hàm Thuận, Đại Ninh. Dự báo, khu vực miền Bắc và miền Trung, hệ thống điện vẫn có dự phòng nhưng các tỉnh miền Nam sẽ hết sức căng thẳng.


MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.