Đề án giảm nghèo Tây Bắc 2016-2020:

Không để hết chương trình, dân lại tái nghèo

Không để hết chương trình, dân lại tái nghèo
TP - Giải pháp giảm nghèo vùng Tây Bắc giai đoạn 2016-2020 sẽ theo hướng chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp, phát huy tính chủ động của người nghèo, giảm cho không. Chính sách giảm nghèo phải hiệu quả, tránh cảnh “hết chương trình, người dân lại tái nghèo”.

Tại hội nghị bàn giải pháp giảm nghèo bền vững các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 26/8, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Tây Bắc vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Quốc hội, Chính phủ phê duyệt nguồn vốn 3,89 triệu tỷ đồng cho các hoạt động giảm nghèo ở Tây Bắc giai đoạn 2016-2020. Số tiền này chiếm gần 60% tổng nguồn vốn giảm nghèo cho cả nước.

Theo đó, chính sách cho hộ nghèo phải thiết kế theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo, giảm cho không. Các bộ, ngành chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi; hỗ trợ có điều kiện, gắn trách nhiệm, tính tự giác của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Chính sách và nguồn lực phải công khai, minh bạch. Chuyển dần từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện hoặc có thu hồi để người dân có ý thức bảo tồn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ cho không của nhà nước. Hỗ trợ trực tiếp chỉ áp dụng cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công”, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH cho biết.

Ông Giàng A Chu, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, đề án giảm nghèo phải sao cho hiệu quả, tránh câu chuyện hết chương trình, người dân nghèo trở lại. “Đề án phải có cách làm mới, chứ hoạt động cũ, người lãnh đạo cũ thì sẽ không đạt được kết quả”, ông Giàng A Chu nói.

Trước đó, giai đoạn 2011 - 2015, chương trình giảm nghèo ở Tây Bắc đã hỗ trợ số tiền hơn 18.000 tỷ đồng cho các chương trình miễn giảm học phí, hỗ trợ sách vở, gạo cho học sinh; mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 6,1 triệu lượt người…

MỚI - NÓNG