Không giảm thuế nhằm giữ giá xăng theo thị trường

TP - Ngày 18/7, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ đối với mặt hàng dầu diezen 0,05S, dầu madút và dầu hỏa. Mức giảm tối thiểu đối với dầu diezen 0,05S là 140 đồng/lít, dầu hỏa 136 đồng/lít và dầu madút là 174 đồng/kg. 

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá xăng đồng thời được sử dụng Quỹ Bình ổn giá thêm 170 đồng/lít (từ 500 đồng/lít như hiện hành lên 670 đồng/lít).

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, việc Bộ Tài chính không điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu là có lý do. Theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, mức thuế nhập khẩu quy định đối với xăng dầu tối đa là 40%. Nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tuỳ loại).

Theo ông Lợi, thuế nhập khẩu xăng dầu không chỉ đơn thuần công cụ thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường. Công cụ này tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án nhà máy lọc dầu trong nước, từng bước tiến tới đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. “Suy cho cùng thuế thu vào ngân sách cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu, lợi ích chung của xã hội như chi cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, đặc biệt là chi cho người nghèo, vùng nghèo,...”, ông Lợi cho biết.

Cũng theo ông Lợi, đối với mặt hàng xăng ở Việt Nam, tỷ lệ thuế chiếm 32% trong giá bán, thấp hơn so với mức 36,12% của Lào; mức 35,91% của Thái Lan và mức 33,95% của Trung Quốc. Đối với mặt hàng dầu diezen, tỷ lệ thuế ở Việt Nam chỉ chiếm có 21% trong giá bán.

“Việt Nam có tỷ lệ thuế, phí bình quân thấp hơn. Nay nếu Việt Nam lại điều chỉnh giảm thuế thì sẽ lại phát sinh tình trạng buôn lậu như đã từng xảy ra”, ông Lợi nói.

MỚI - NÓNG