Doanh nghiệp nợ thuế, phí 23 nghìn tỷ đồng:

Kiến nghị thu hồi dự án chây ì

TP - Chiều qua (6/7), thảo luận về việc thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2015, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội bày tỏ lo lắng trước tình trạng  nợ thuế, phí lên đến 23 nghìn tỷ đồng và kiến nghị thành phố phải có các giải pháp thu hồi quyết liệt hơn…

Nợ thuế, phí đầm đìa

Giải trình trước HĐND thành phố về tình trạng nợ đọng thuế, phí tăng cao, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Nợ thuế tăng lớn trong giai đoạn bất động sản đóng băng.

 Đến 31/12/2014, số nợ thuế là trên 21.000 tỷ đồng và đến 30/4/2015, số nợ là hơn 23.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2014. Riêng trong 6 tháng đầu năm đã thu được 6.385 tỷ đồng. Nợ các khoản liên quan tới đất là 7.423 tỷ đồng. Qua rà soát cho thấy nhiều đơn vị không có khả năng về tài chính. Một số trường hợp được ưu đãi gia hạn nhưng đến hạn vẫn chưa trả được.

Kiến nghị thu hồi dự án chây ì ảnh 1

Dự án bất động sản U-Silk tại Hà Đông đắp chiếu mấy năm nay của Sông Đà - Thăng Long, đơn vị đang đứng đầu danh sách nợ thuế. Ảnh: Đ.H.

Trong đó, chỉ riêng nợ thuế của các khối hoặc doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã chiếm trên 40%. Tổng số tiền nợ của các đơn vị này là rất lớn, kéo dài qua nhiều năm không trả được nợ. Ví dụ riêng Công ty CP Sông Đà Thăng Long với số tiền nợ thuế đã lên tới 300 tỷ đồng, gần như không có khả năng chi trả. 

Về giải pháp, theo ông Hải, Cục Thuế đã thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, kiến nghị các cấp có thẩm quyền có chính sách tăng thu nhập để có nguồn nộp tiền, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để đôn đốc nợ. Lãnh đạo chính quyền trực tiếp làm việc với các chủ nợ lớn để đôn đốc, động viên. Cục Thuế kiến nghị xóa tiền chậm nộp của đơn vị có khó khăn khách quan.
  

Về chính sách nộp dần tiền nợ thuế, hiện nay theo quy trình phải có bảo lãnh tín dụng, quy trình này rất khó khăn cho DN. Kiến nghị Chính phủ cho phép các trường hợp khó khăn được nộp dần, chia đều ra 12 tháng. Liên quan đến chế tài xử phạt, Cục Thuế kiến nghị: Hiện nay có một số trường hợp cố tình chây ì, nợ thuế xong bỏ địa chỉ kinh doanh, có ý đồ chiếm đoạt tiền thuế, do đó kiến nghị Quốc hội bổ sung tội danh này để tăng tính răn đe.

Cần làm rõ trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa) cho rằng tình trạng nợ đọng thuế như hiện nay rất đáng lo ngại và đề nghị thành phố có biện pháp xử lý tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng. Trao đổi với Tiền Phong, một số đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn trách nhiệm của ngành thuế về tình trạng nợ thuế, phí quá lớn như hiện nay. Tình trạng nợ nhiều cũng cho thấy các biện pháp thu hồi ngân sách của ngành thuế tỏ ra ít hiệu quả.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, kinh tế của Hà Nội 6 tháng đầu năm duy trì tăng trưởng khá, đạt cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước 6 tháng tăng 7,8%. Các ngành đều duy trì tăng trưởng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2014.

Trước đó, HĐND thành phố đã có giám sát về tình hình nợ thuế, phí trên địa bàn. Đoàn giám sát xác định, có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến nợ đọng thuế kéo dài và số lượng lớn do việc cưỡng chế thuế gặp nhiều khó khăn. Hệ thống ứng dụng cập nhật chưa đầy đủ và kịp thời. Sự chấp hành thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước của một số doanh nghiệp chưa tốt, có biểu hiện chây ì, không hợp tác. Một số nhà đầu tư không có khả năng tài chính thực hiện dự án vẫn chưa được kiên quyết xử lý dứt điểm. Công tác chủ động phối hợp rà soát, đôn đốc thu hồi nợ của các ngành, các cấp có lúc còn chưa chủ động, chưa quyết liệt. Việc công khai danh sách các đơn vị chây ì, cố tình chậm nộp thuế chưa được thực hiện thường xuyên, định kỳ.   

HĐND thành phố kiến nghị cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của ngân hàng trong việc phối hợp với cơ quan thuế khi thực hiện cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế có nợ thuế để nộp ngân sách; sửa đổi, bổ sung quy trình cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành, UBND các cấp tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm, chây ì không nộp thuế, phí. Tổ chức kiểm tra các dự án có số nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất lớn để đôn đốc thu nộp.

“Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng tài chính để thực hiện thì kiên quyết xử lý thu hồi dự án, thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng để tổ chức đấu thầu, đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai, thất thu ngân sách…”, Đoàn giám sát kiến nghị.

Bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND bà Châu Thị Thu Nga

Chiều qua (6/7), đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND  TP Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016 đối với bà Châu Thị Thu Nga. Trước đó, trình bày tờ trình bãi nhiệm đại biểu HĐND đối với bà Nga, ông Nguyễn Văn Nam, Thường trực HĐND cho biết, bà Châu Thị Thu Nga đã bị cơ quan cảnh sát điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, tạm giam để điều tra tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi triển khai dự án nhà ở B5 Cầu Diễn.

Thừa nhận nóng vội trong việc thay thế cây xanh

 Báo cáo trước các đại biểu HĐND, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong quá trình cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn vừa qua còn bộc lộ những tồn tại, thiếu sót; phương pháp, cách làm chưa phù hợp, có phần nóng vội, đơn giản không tạo được sự đồng thuận xã hội. “Trong thực hiện thay thế cây xanh vừa qua có thiếu sót, trong tổ chức thực hiện còn bộc lộ tồn tại, phương pháp, cách làm chưa phù hợp, có phần nóng vội, đơn giản”, báo cáo nhấn mạnh.

                 Tuấn - Tú

Điểm mặt các đại gia bất động sản nợ thuế

Tổng nợ thuế của 23 doanh nghiệp mà Cục Thuế thành phố Hà Nội công bố trong danh sách đợt 1 ngày 6/7, lên tới 1.234 tỷ đồng. Các đại gia trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng đứng đầu sổ về số tiền nợ thuế. Cụ thể, tính đến hết ngày 31/5, Cty CP Sông Đà - Thăng Long có địa chỉ tại KĐT mới Văn Khê (Hà Đông) nợ thuế hơn 375 tỷ đồng. Thành viên khác của Sông Đà là Cty CP Sông Đà 9.06 (Thanh Xuân) cũng nợ thuế 68 tỷ đồng.

Viglacera đóng góp 3 cái tên trong danh sách, gồm: Cty CP Viglacera Hà Nội (trụ sở tại quận Nam Từ Liêm) nợ hơn 88 tỷ đồng, Cty CP Cơ khí & Xây dựng Viglacera (Nam Từ Liêm) nợ 50 tỷ đồng, Cty Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Viglacera nợ gần 40 tỷ đồng.

Tập đoàn Cavico cũng đóng góp nhiều cái tên trong danh sách, như: Cty CP Cavico Xây dựng Cầu hầm (Cầu Giấy) nợ khoảng 80 tỷ đồng; Cty CP Cavico Xây dựng thuỷ điện (Nam Từ Liêm) nợ 54 tỷ đồng, Cty CP Cavico Điện lực và Tài nguyên (Bắc Từ Liêm) nợ 29 tỷ đồng.

Các ông lớn trong ngành xây dựng cũng có tên như Coma 1, Chi nhánh Tổng Cty Cơ khí xây dựng (Nam Từ Liêm) nợ 34 tỷ đồng; Cty CP Xây dựng Số 6 Thăng Long (Đông Anh) nợ 22,5 tỷ đồng; Cty CP Công trình giao Thông 118 – Momota (Bắc Từ Liêm) nợ gần 44 tỷ đồng…            

Tuấn Đức


MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.