Lỗ hổng quản lý nợ công - Bài 2: Áp lực trả nợ

Nợ công hiện chưa tính cả phần nợ của các tập đoàn, tổng công ty. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nợ công hiện chưa tính cả phần nợ của các tập đoàn, tổng công ty. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các số liệu thống kê về thâm hụt ngân sách và nợ công Việt Nam đang rất khác nhau. Các chuyên gia tính toán tới cách làm thế nào để siết kỷ luật ngân sách, tránh khủng hoảng nợ công.

Vay đảo nợ - đẩy hạn trả nợ về tương lai?

Báo cáo Quyết toán Ngân sách Nhà nước hằng năm của Bộ Tài chính đưa ra hai con số về mức độ thâm hụt ngân sách (đó là thâm hụt ngân sách bao gồm cả chi trả nợ gốc và thâm hụt ngân sách không bao gồm chi trả nợ gốc). Trong khi đó, tổng nợ công của Việt Nam đã tăng từ khoảng 40% GDP từ cuối năm 2007 lên khoảng 56,3% GDP vào cuối năm 2010. Con số này chỉ giảm đôi chút xuống còn 54,9% GDP vào năm 2011 và ước tính 55,4% GDP vào năm 2012 nhờ lạm phát cao.

Tuy nhiên, nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng từ 32% lên tới khoảng 42% GDP.

Tính toán của Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy, nếu thâm hụt ngân sách cơ bản được duy trì ở mức 1,0% GDP mỗi năm thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng lần lượt lên mức 57,7%; 62,9%; và 68,5% vào năm 2020 (tương ứng với các kịch bản tốt, trung bình và xấu). Nếu thâm hụt ngân sách cơ bản tăng lên mức 2,0% GDP mỗi năm, tỷ lệ nợ công GDP sẽ tăng lên mức 66,1%; 71,8%; và 78,0% GDP vào năm 2020, tương ứng với các kịch bản tốt trung và xấu.

Trường hợp thâm hụt ngân sách cơ bản tăng mạnh lên mức 3,0% GDP, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ lần lượt cán mốc 74,5%; 80,8%; và 87,5% GDP vào năm 2020 (lần lượt trong các kịch bản tốt, trung bình và xấu).

Trong trường hợp này, nguy cơ khủng hoảng nợ công xảy ra rất rõ ràng trong mọi kịch bản của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, ngưỡng nợ công 65% GDP như Chính phủ công bố chỉ là con số mang tính chỉ tiêu (vì còn lệ thuộc vào các điểm tựa biến động trong nền kinh tế). Có quốc gia nợ 100% GDP, thậm chí 200% GDP mà nền kinh tế vẫn bình thường. Nhưng có quốc gia nợ công chỉ 60% GDP thôi đã bất thường.

Điểm đáng cảnh báo hiện nay là, chúng ta đang phải dùng đến phương pháp vay để đảo nợ. Cùng với đó, tốc độ vay nợ đang tăng nhanh hơn GDP (tới 18%) so với mức tăng GDP (chỉ 5-6%). Việc vay để trả nợ thực chất là đẩy hạn trả nợ về tương lai. Nếu nợ tiếp tục tăng, tổng nợ đến một lúc nào đó sẽ “vỡ” ngưỡng.

Viện trưởng Viện Kinh tế, TS Trần Đình Thiên cho rằng, do nợ công chưa tính cả phần nợ của các tập đoàn, tổng công ty nên không phản ánh đầy đủ bản chất sự việc. Nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh nợ và nợ đọng xây dựng cơ bản thì nợ công của Việt Nam đã lên tới gần, thậm chí vượt hơn 100% GDP. Cùng đó, số liệu về nợ cũng đang rất khác nhau.

Ngưỡng an toàn?

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhìn về con số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, nó vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, với 55,7% GDP, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong nợ công, 50% là nợ nước ngoài với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy, áp lực phải vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn.

“Với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2015, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, sẽ phải đạt tăng thu ngân sách tăng 12-14%/năm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Đăng Doanh cho biết, nợ công đang tăng lên quá nhanh khiến áp lực trả nợ ngày một lớn. “Cách tốt nhất, Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên quyết liệt. Ngoài ra, phải cân đối được nguồn thu ngân sách nhà nước để trả nợ thay”, ông Doanh nói.

Để tránh tình trạng “đổ vỡ”, trước mắt cần thay đổi cơ cấu nợ công theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước nhiều hơn nợ nước ngoài. Nếu không thay đổi được theo hướng này, Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài. Tới đây, khi những ưu đãi từ nguồn vốn ODA cho Việt Nam giảm mạnh, buộc Chính phủ phải đi vay nợ tại các ngân hàng thương mại nước ngoài với lãi suất cao và thời gian ngắn hạn hơn rất nhiều.

Nợ trong nước có thể huy động thông qua các đợt phát hành trái phiếu với lãi suất phù hợp để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân.

Theo các chuyên gia, cần thực hiện kỷ luật tài khóa một cách rõ ràng và nghiêm ngặt để tránh tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên. Kỷ luật tài khóa cần thực hiện một cách cứng rắn theo lộ trình rõ ràng. Cũng có thể đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách duy trì ở mức 4% từ nay đến năm 2020. Sau thời điểm trên sẽ giảm xuống mức 3%.

Cùng đó, phải có những lĩnh vực ưu tiên rõ ràng trong chi tiêu sử dụng nợ công. Những ưu tiên cần đặt ra, như: Các cơ sở hạ tầng công ích, các dịch vụ an sinh xã hội, các doanh nghiệp nhà nước không vì mục đích thương mại…

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh trong giai đoạn 2010-2012 rất lớn và gia tăng nhanh. Nếu tổng số tiền phải trả lãi và phí trong năm 2010 là 12.092 tỷ đồng, năm 2011, con số này lên tới 17.990 tỷ đồng. Đến năm 2012, tổng tiền trả lãi và phí vọt lên tới 23.321 tỷ đồng (tương ứng 1,11 tỷ USD).

MỚI - NÓNG