Lương trên trăm triệu, nhiều phi công vẫn muốn “nhảy” việc

Lương trên trăm triệu, nhiều phi công vẫn muốn “nhảy” việc
TP - Hàng loạt phi công của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airlines (VNA) “chê” mức lương trên trăm triệu đồng/tháng là thấp vì có hãng khác trả cao hơn. Tuy nhiên, họ khó đổi chỗ làm vì còn “nợ” phí đào tạo của hãng. Hiện chưa có cách tính khoản phí này.

Đe dọa an ninh, an toàn

Chiều 12/1, VNA chính thức lên tiếng về hiện tượng bất thường đối với nhân viên kỹ thuật cao, đặc biệt là phi công của hãng. Theo đó, cao điểm Tết dương lịch vừa qua có đến 117 lượt phi công bỗng dưng báo ốm. 90% trong số đó là phi công điều khiển máy bay Airbus (VNA sở hữu cả máy bay Airbus và Boeing). Ngoài ra, có hơn 30 phi công cũng ở đội bay Airbus nộp đơn xin thôi việc. Tổng GĐ VNA Phạm Ngọc Minh nhìn nhận đây là một sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh – an toàn khai thác và các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị mà VNA đảm nhận - ông Minh nói.

Để ứng phó khẩn cấp với tình hình này, Hội đồng thành viên của VNA cũng đã nhóm họp và đưa ra một nghị quyết để ngăn chặn tình trạng phi công lãn công hoặc rời khỏi hẳn VNA. Nghị quyết đề nghị Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không tạm thời không chấp thuận cho các phi công của VNA này chuyển sang hãng khác và Bộ GTVT sau đó đã có nghị quyết về việc này. Theo ông Minh, sau các động thái trên đã có một số phi công quay lại. “Chúng tôi vẫn giữ nguyên hợp đồng và kêu gọi phi công quay lại đi làm” - ông Minh nói.

Trong quá trình phi công lãn công, VNA huy động đội phi công dự phòng bay thế (có thời điểm huy động đến 90%). Vào cao điểm Tết âm lịch sắp tới, nếu tình trạng này chưa chấm dứt, lãnh đạo VNA hứa sẽ lo đủ đội phi công bay thế và đảm bảo quy định giờ bay của phi công không đúng theo bộ tiêu chuẩn an toàn của hãng đặt ra. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng đây là tình huống nghiêm trọng nên ngoài báo cáo Bộ GTVT, VNA đã báo cáo cơ quan an ninh và bảo vệ nội bộ.

Tăng lương nhưng không tăng mãi

Tại cuộc họp, VNA công bố phương án trả lương cho các phi công. Theo đó, hiện nay, tùy từng loại máy bay và vị trí (cơ trưởng hoặc giáo viên dạy lái), mức lương từ 100 đến 167 triệu đồng/tháng. Trong 6 tháng tới, lương phi công sẽ tăng lên trong khoảng từ 114 triệu đến 203 triệu đồng; tháng 7/2015, mức thấp nhất là 121 triệu, cao nhất là 217 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Bùi Lâm - Phó Ban Tổ chức và Phát triển nguồn nhân lực của VNA thừa nhận, ngay cả khi áp dụng phương án này, lương của phi công quốc tịch Việt Nam của VNA chỉ bằng 75 - 80% so với phi công nước ngoài ở VNA. Con số này còn nhỏ hơn mức lương của các hãng hàng không quốc tế. Chẳng hạn phi công của Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) thu nhập trung bình gần 12 nghìn USD/tháng (hơn 240 triệu đồng/tháng); Asiana Airlines (Hàn Quốc) 10,5 nghìn USD/tháng và Jetstar Singapore 12,6 nghìn USD/tháng.

Nguyên nhân mức lương của phi công gốc Việt của VNA thấp hơn là do phải khấu trừ chi phí đào tạo của hãng. Hiện hầu hết các phi công Việt Nam của VNA đều được đào tạo bằng kinh phí của hãng (hai năm nay mới có các lớp học tự túc). Ngoài ra, trong quá trình làm việc, VNA liên tục cho phi công tham dự các khóa huấn luyện. Ngay cả môi trường làm việc của VNA cũng được xem là nơi học tập để phi công “nâng bằng” “đổi ghế”.

Chính vì thế, trong hợp đồng lao động với các phi công có ghi điều khoản về thời gian lao động khống chế để khấu trừ phí đào tạo. Tổng GĐ Phạm Ngọc Minh cho biết, VNA sẽ cùng các cơ quan nhà nước sớm xây dựng các quy định này. Khi chưa xây dựng xong, trước mắt, VNA vẫn đề nghị cơ quan chức năng áp dụng các “rào cản kỹ thuật” để ngăn hiện tượng phi công nhảy việc ồ ạt.

Theo ông Minh, tình huống như VNA không hiếm trong ngành hàng không thế giới. Trung Quốc, Singapore... cũng đã từng gặp phải tình huống tương tự và Chính phủ các nước cũng có biện pháp can thiệp tương tự.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, tình trạng phi công VNA lãn công không phải là lần đầu. Cách đây không lâu, VNA từng thay đổi lãnh đạo Đoàn bay 919 (nơi quản lý phi công).

MỚI - NÓNG