Muốn giàu phải buôn bán với ông giàu

Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo
TPO - Chúng ta muốn giàu, phải buôn bán với ông giàu, còn với mấy ông nghèo chắc chỉ làm bạn, chứ làm ăn với nhau thì khó giàu lên được.

Đó là chia sẻ của  TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tại hội thảo “Giải pháp tài chính để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập mới”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng VPbank tổ chức ngày 30/8.

Theo TS Tuấn, Việt Nam đang chuyển trọng tâm từ kinh tế hộ sang trọng tâm là doanh nghiệp. Hệ thống chính sách cũng hướng đến việc thu hút nhiều doanh nghiệp hơn đầu tư vào nông nghiệp.

Khi hội nhập, về mặt khoa học công nghệ, chúng ta hoàn toàn thua kém, không thể cạnh tranh nổi với Mỹ, Nhật, hay EU được… vì vậy, mình phải sản xuất cái gì mà họ không có. Và thực tế, Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp.

“Nhưng trong nông nghiệp mà rủ nhau đi sản xuất sản phẩm gia cầm đi đánh nhau với Mỹ thì chắc là thua. Nhưng làm cà phê, hay cá tra, chúng ta chắc chắn thắng vì Mỹ, Nhật không có, hoặc không cạnh tranh được chúng ta”- ông Tuấn nói.

TS Tuấn cho rằng, chúng ta muốn giàu, phải buôn bán với ông giàu. Với Mỹ, Nhật, Eu họ mở ra các hiệp định thương mại thế hệ mới, thực chất là vì công nghệ của họ phát triển cực mạnh, họ dư cung nên phải đẩy hàng hóa để tiếp tục phát triển công nghệ. Còn với mấy ông nghèo chắc là để kết bạn, chứ buôn bán với nhau thì khó giàu lên.

TS lý giải rằng: “Mấy ông giàu kiểu gì cũng khó tính, soi xét, vì thế nên theo quy định của ông giàu. Như cá tra vào Mỹ phải soi rất kỹ các tiêu chuẩn, còn như  Trung Quốc lại mua ồ ạt, quy định không cao như Mỹ, nên lo ngại nông dân, doanh nghiệp có xu hướng quay kiểu làm ăn dễ tính, xuề xòa, không lo nâng cao chất lượng thì khó cạnh tranh khi hội nhập”

Theo vị chuyên gia này, có hai hiệp định thương mại tự do lớn là TPP, Việt Nam-EU, đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn. Việt Nam sẽ gặp bất lợi nhiều về cạnh tranh trong ngành hàng chăn nuôi, thịt gia cầm, thịt bò, sữa…

Do vậy, với ngành hàng nông nghiệp, ông Tuấn lưu ý, doanh nghiệp khi đầu tư phải chứng minh mình vượt trội hơn cái đang làm, còn làm như cách nông dân đang làm thì “hỗ trợ bằng trời cũng thế”.

“Trước hết là ông làm tốt hơn về thị trường hơn ông thương lái, công nghệ phải vượt trội hơn từ đầu vào, bảo quản, chế biến. Kèm theo đó là có vốn hơn. Mặt khác, doanh nghiệp đảm bảo chi phí giao dịch trong chuỗi đó thấp hơn bình thường, so với giao dịch của nông dân với ông thương lái…”

Vị Viện trưởng cũng cho cho biết, Bộ NN&PTNT đang duy trì diễn đàn với các doanh nghiệp đầu tư vào ngành này, nhằm trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc. Hiện đang có làn sóng nhiều đại gia vào nông nghiệp, nhưng thực tế số lượng còn rất thấp.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Cty CP Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho rằng, trong ngành chăn nuôi còn để tình trạng người nuôi, giết mổ tràn lan. Theo ông, “con đường xa nhất là từ lời nói đến việc làm” và hiện chúng ta chỉ lo khuyến khích sản xuất, chưa bàn đến chế biến, tiêu thụ.

“Ra siêu thị nước ngoài, thực phẩm, nguyên liệu đầu vào bữa ăn cực rẻ, nhưng mình ngồi vào mâm ăn của họ khi thanh toán thì thật kinh khủng. Cái này cần phải suy nghĩ. Do vậy, cần phải sản xuất theo chuỗi, trong đó yêu cầu đầu tiên là nguyên liệu nhiều, tốt, rẻ và đặc biệt phải an toàn”- ông Lý nói.

MỚI - NÓNG