Nạn hàng giả, hàng nhái: Xử nghiêm cán bộ làm ngơ

TP - Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong khi việc sản xuất buôn bán hàng giả hàng nhái diễn biến phức tạp thì một bộ phận lực lượng thực thi còn tiêu cực. Cần xử lý cán bộ làm ngơ, né trách nhiệm, vì nếu biết mà bao che, không xử lý là có tội với dân.
Nạn hàng giả, hàng nhái: Xử nghiêm cán bộ làm ngơ ảnh 1

Hàng giả, hàng nhái mỹ phẩm. Ảnh: Quang Trung.

Chống hàng giả, bị dọa giết

Việc ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen xuất hiện cùng 4 vệ sĩ đi kèm tại Lễ kỷ niệm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái tổ chức ngày 28/11 khiến nhiều người ngạc nhiên. Câu chuyện phòng chống hàng giả, hàng nhái và những mối nguy hiểm trực tiếp đến mạng sống của “người trong cuộc” làm nóng không khí buổi lễ.

Lý giải về “hành động lạ” khi xuất hiện cùng vệ sĩ, ông Vũ cho biết, tất cả xuất phát từ việc đã “bóc mẽ” và “chỉ mặt” những chiêu trò gian lận, móc túi người tiêu dùng trong ngành tôn, gây thất thu thuế, ước tính lên cả nghìn tỷ đồng tại hội thảo về vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép ở Việt Nam cách đây vài hôm. Ngay sau hội thảo đó, ông Vũ đã nhận được không ít “đe dọa”. Để đảm bảo an toàn, nhân viên của ông phải thuê tới 4 vệ sĩ bảo vệ. “Nhưng tôi bảo là tôi không sợ chết, vì mình làm điều chính đáng, có trách nhiệm với đất nước, không sợ kẻ xấu”- ông Vũ nói. 

Theo ông Vũ, hàng gian, giả, lậu đang hoành hành, trở thành “quốc nạn”, đang phá hoại nền kinh tế. Do vậy, nếu không có hành động quyết liệt, doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ bị thu hẹp. “Năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 600.000 tấn tôn, nhưng chúng tôi chiếm tới 2/3 trong số đó. Hàng được xuất sang những thị trường khó như Mỹ, Úc, Dubai. Nhưng rất lạ, trong khi trong nước đang thừa công suất, thì chúng ta lại nhập tới 500.000 nghìn tấn tôn từ Trung Quốc, chất lượng kém, không theo tiêu chuẩn nào”- ông Vũ nói.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Trung Quốc họ làm tôn trong làng mạc, các lò luyện nhỏ, giá cực thấp và không theo tiêu chuẩn nào cả. Tôn chúng tôi sử dụng trên chục năm, nhưng tôn Trung Quốc chỉ 2-3 năm là gỉ sét. “Hàng này, tôi xin thưa là cực kỳ nghiêm trọng, nhà nước không thu được đồng thuế nào cả”.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (Vatap) cũng chỉ ra: Hầu hết các mặt hàng bị làm giả cũng đa dạng từ rẻ tiền đến cao cấp. Thậm chí, những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như mỹ phẩm, đồ ăn, thuốc uống cũng bị làm giả rất nhiều. Chia sẻ những bức xúc của doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, ông Bảo nói: “Bên cạnh thiếu con người, vấn đề hiện nay là thiếu kinh phí hoạt động cho các lực lượng chức năng. Hiệp hội đã 4 lần kiến nghị lên Chính phủ cho phép các lực lượng được giữ lại 5% tiền thu từ chống hàng giả, hàng nhái để làm kinh phí hoạt động. Thực tế nhiều khi bắt được hàng giả, hàng nhái nhưng lại không có kinh phí tiêu hủy”, ông Bảo cho biết.

Ai tiếp tay cho hàng giả

Đánh giá khá gay gắt về tình trạng hàng giả, hàng nhái, tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) cho rằng, buôn lậu, gian lận thương mại đi liền với tham nhũng, tiêu cực, bao che cho đường dây trốn thuế, ảnh hưởng tới uy tín quản lý của đất nước, suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng trầm trọng do quy định pháp luật chưa nghiêm, còn nhiều kẽ hở. Thậm chí, ở một số cơ quan thực thi vẫn tồn tại tình trạng tham nhũng, tiêu cực. 

“Một bộ phận cơ quan chức năng làm lơ, tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hoạt động buôn lậu. Khi phát hiện xử lý không nghiêm khắc. Muốn chống hàng giả, hàng nhái phải dựa vào dân, hệ thống chính trị, phân rõ trách nhiệm và cần có những người dám làm việc này”.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Phó Thủ tướng, hàng giả, hàng nhái nhiều, một phần do bản thân người kinh doanh chưa có ý thức để loại trừ hàng giả. Chúng ta cũng chưa tạo làn sóng lên án mạnh mẽ hàng nhái, hàng giả trong người dân. Vì vậy, ông yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương tránh tình trạng “hội trường thì nói mạnh nhưng về nhà lại lơ là”. Chủ tịch tỉnh, huyện, xã phải chịu trách nhiệm nếu để hàng giả tràn lan trên địa bàn. 

Trưởng ban chỉ đạo 389 cũng khẳng định, cần trang bị phương tiện cho các lực lượng chức năng để kiểm tra, phát hiện hàng giả, tránh tình trạng kiểm tra bằng miệng như Bộ trưởng Công Thương phản ánh. Cùng đó, cần sử dụng biện pháp mua tin, cung cấp tin về hàng giả, hàng lậu. Xử lý cán bộ làm ngơ, né trách nhiệm, bao che, tiếp tay buôn lậu. Cán bộ biết mà không làm là có tội với dân. Đặc biệt, phải công khai các đối tượng kinh doanh, buôn bán hàng giả, nếu để lâu “chìm xuồng” vụ án là không được.

MỚI - NÓNG