Ngân hàng nhỏ dồn dập xin sáp nhập để tồn tại

VietCapital Bank là cái tên mới nhất ngỏ ý muốn hợp nhất, sáp nhập trước thềm ĐHCĐ. Ảnh: VCCB.
VietCapital Bank là cái tên mới nhất ngỏ ý muốn hợp nhất, sáp nhập trước thềm ĐHCĐ. Ảnh: VCCB.
Lán sóng mua bán sáp nhập đang nóng lên trước thềm đại hội cổ đông theo một hướng mới: ngân hàng nhỏ chủ động xin sáp nhập vào những đơn vị lớn hơn để tồn tại.

Cả 3 vụ đã công khai đối tác gần đây như Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) xin về với Công Thương (Vietinbank) và Ngân hàng Mekong (MDB) sáp nhập vào Hàng Hải(Maritime Bank) đều được xem là những cuộc hôn nhân chênh lệch quy mô. 

Các ngân hàng nhỏ đều rất cần một cuộc sáp nhập để giải quyết những non yếu về mặt tài chính hiện nay, trong khi cơ quan quản lý nhà nước từ 2011 đã vạch ra lộ trình dọn dẹp, sắp xếp lại những đơn vị yếu kém. Một bên là Southern Bank, PGBank, MDB vốn điều lệ 3.000-4.000 tỷ với một phía quy mô vốn đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng (như Sacombank, Vietinbank). Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) - trường hợp mới nhất ngỏ ý hợp nhất, sáp nhập - vốn cũng chỉ dừng lại ở mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Quy mô vốn, tài sản và nợ xấu của các ngân hàng xin sáp nhập:

Ngân hàng nhỏ dồn dập xin sáp nhập để tồn tại ảnh 1

Một số chuyên gia nhìn nhận công bố ý tưởng sáp nhập, hợp nhất lúc này hợp lý bởi đây là cách tốt giúp các ngân hàng nhỏ giải quyết những vấn đề nội tại như non vốn, chất lượng tài sản kém... Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sáp nhập theo phương thức này, các bên nhận sáp nhập sẽ chịu thách thức rất lớn với khoản nợ xấu mà ngân hàng nhỏ mang tới.

Tuy nhiên theo chuyên gia Trương Văn Phước, đã đến lúc cần để anh mạnh dìu dắt kẻ yếu thay vì để các ngân hàng yếu loay hoay tụ họp với nhau. Về chuyện lo ngại các "con sâu" có thể làm ngân hàng khỏe yếu đi, ông Phước cho rằng khi quyết định nhận sáp nhập các ông lớn đã tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho mình. "Ngân hàng yếu, nợ xấu cao khi sáp nhập thì sẽ phải định giá khác. Mọi việc phải diễn ra theo nguyên tắc thị trường, tiền nào của nấy thôi", chuyên gia từng làm Tổng giám đốc Eximbank nói.

Hai trong ba thương vụ đã công bố rõ ràng tên tuổi các đối tác là Southern Bank - Sacombank; MDB - Maritime Bank đều cho thấy có dáng dấp chung về cơ cấu sở hữu cổ đông. Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, đợt sáp nhập lần này nếu được thông qua và thành công, Ngân hàng Nhà nước sẽ khéo léo xử lý được phần nào những rủi ro từ sở hữu chéo ở các nhà băng.

Khác với đợt hợp nhất, sáp nhập liên quan 9 ngân hàng yếu kém lần trước, đợt này thị trường thấy có sự xuất hiện của những ngân hàng đầu tàu như Vietinbank, Vietcombank. Tổng giám đốc của ngân hàng đã cơ bản tái cơ cấu thành công trong giai đoạn một phân tích: "Định hướng lớn nhất của quá trình tái cơ cấu, ngoài gút lại số lượng ngân hàng còn là tạo ra những nhà băng có quy mô lớn tầm cỡ khu vực". Vì vậy theo ông, sự tham gia của những ông lớn trong tái cơ cấu hệ thống gần đây là dễ hiểu. Riêng về trường hợp Vietcombank, dù không hé lộ đối tác nhưng đơn vị này cũng vừa để ngỏ việc M&A khi xin "để dành" chủ trương mua bán, sáp nhập trong tương lai.

Các trường hợp tái cơ cấu mới hé lộ không có sự tham gia của những cổ đông bên ngoài là các doanh nghiệp (như DOJI tham gia TPBank hay Thiên Thanh tham gia vào TrustBank). Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, dường như khối ngân hàng đã không hẳn còn hấp dẫn với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như trước đây. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc tạo điều kiện cho các đơn vị hợp nhất, sáp nhập ngay từ đầu năm, ngay trước thềm ĐHCĐ của Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thời điểm hợp lý và phù hợp với cam kết của Thống đốc từ đầu năm.

Nếu thực hiện sáp nhập thêm 6-7 ngân hàng đúng như Thống đốc nói, số lượng các nhà băng bị giải thể, rút giấy phép sau cuộc tái cơ cấu toàn hệ thống có thể lên 7-10 đơn vị..

Theo Thanh Thanh Lan

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.