Ngân hàng vào “mùa” sáp nhập

Vietinbank sẽ nhận PGBank về một nhà. Ảnh: Như Ý.
Vietinbank sẽ nhận PGBank về một nhà. Ảnh: Như Ý.
TP - Năm 2015 hứa hẹn bùng nổ sáp nhập ngân hàng. Đầu xuân, câu chuyện chợt “nóng” ngay Tết Ất Mùi, khi Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng bất ngờ tuyên bố đã sẵn sàng để sáp nhập PGbank. Cùng thời điểm, cổ đông NamABank chộn rộn khi nghe tin đại hội tới đây, HĐQT sẽ đề cập việc xin được chọn đối tác về “một nhà”.

Vietinbank sáp nhập PGBank

Sáng mùng 1 Tết Ất Mùi, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT của NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) vẫn đến hội sở để hoàn tất công việc của năm cũ. Chia sẻ đầu xuân, ông Thắng hy vọng trong thời gian sớm nhất, sẽ hoàn tất kế hoạch sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Sự khẳng định của Chủ tịch Vietinbank đã  xác thực tin đồn bấy lâu về việc hai bên sẽ “chung một mái nhà”.

Ngày 27/2, vào 16h chiều, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamAbank) sẽ chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị cho Đại hội cổ đông được tổ chức ngày 27/3/2015. Tại đại hội lần này, NamAbank sẽ xin ý kiến cổ đông cho phép hội đồng quản trị lựa chọn đối tác cho phù hợp. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Tâm - Phó Tổng Giám đốc NamAbank cho biết, hiện có khoảng 2-3 sự lựa chọn. “Chúng tôi sẽ xin cổ đông cho phép lựa chọn, sau khi xong nếu cần thiết có thể họp cổ đông bất thường rồi trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN)” - ông Tâm nói.

Trước đồn đoán NamAbank đang “nhắm” tới Eximbank, vị đại diện NamAbank chỉ khẳng định: “Ngân hàng có vài ba đối tác để lựa chọn và sẽ tìm ra một ngân hàng đồng thuận tương thích nhất”. Còn trong lần trò chuyện mới đây, khi đề cập về số lượng hơn 100 triệu cổ phiếu của Eximbank vừa được chuyển nhượng sang chủ mới, một đại diện ngân hàng này nói: “Eximbank là một ngân hàng lớn có thương hiệu. Ai có tiền, có điều kiện và mua được cổ phiếu đều có thể sở hữu cổ phần, nhưng sáp nhập hay không là chuyện khác”.

Theo Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, cơ quan này đang theo dõi chặt quá trình tiến tới sáp nhập của một số ngân hàng thương mại. “Ngoài những ngân hàng bắt buộc, sẽ có những ngân hàng tự tìm hiểu nhau và đề xuất. NHNN hoàn toàn khuyến khích và sẽ xem xét thận trọng các đề xuất” - ông Nghĩa nói.

Lo xử lý nhân sự

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT ĐongABank lưu ý câu chuyện sáp nhập năm nay đúng là đến hồi “bùng nổ”. “Về quan điểm sáp nhập, theo tôi hai ngân hàng sáp nhập lại với nhau điều quan trọng nhất là tương đồng về văn hóa. Muốn sáp nhập với một đối tác nào đó, phải tìm hiểu kỹ về đối tượng, tìm hiểu về nhân sự, văn hóa, tình hình kinh doanh”- ông Kiêm nói. Đơn cử như với ĐongABank và An Bình Bank, ông Kiêm thừa nhận đúng là hai bên đang quan tâm đến nhau nhưng hiện vẫn chỉ đang trong giai đoạn tìm hiểu chứ chưa chính thức như đồn đoán. 

Đến giờ này, thông tin Saigonbank sẽ về với Vietcombank “hai năm rõ mười” nhưng bên phía Vietcombank, ban lãnh đạo ngân hàng vẫn “im lặng”, thận trọng. Một nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết: Sự dè dặt của Vietcombank xuất phát từ tâm lý ngại sự ồn ào của thị trường ít nhiều tạo ra hiệu ứng không tốt cho Saigonbank (bên bị sáp nhập) bởi thời điểm đó hai bên đang thương thuyết và đàm phán. Trong giới ngân hàng, Vietcombank vốn có tiếng về văn hóa riêng cũng như chất lượng tuyển dụng, thế nên có lần một lãnh đạo ngân hàng này từng lo lắng không biết vấn đề nhân sự sẽ ra sao. 

Năm 2015, các thương vụ chắc chắn được sáp nhập là Ngân hàng Phương Nam với Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Mê Kông (MDB) về với ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Với Vietinbank, ngày 26/2, một lãnh đạo Ngân hàng thừa nhận: Hợp nhất hai ngân hàng vào, tất yếu các khoản nợ xấu phải “gánh” từ PGBank sẽ tăng lên, chưa kể về nhân sự con người chắc chắn sẽ phải có sự sắp xếp lại. “Nhân sự tăng không có nghĩa là đào thải, chúng tôi sẽ có phân tích đánh giá lại và lựa chọn bố trí thích hợp. Nếu cần thiết, sẽ cho đào tạo lại” - vị này khẳng định chắc chắn. 

Liên quan đến nhân sự “hậu” sáp nhập, chủ tịch HĐQT một nhà băng lớn đã thực hiện sáp nhập chia sẻ rằng, ông từng lo đến “mất ăn, mất ngủ” việc giải quyết nhân sự và phải mất ít nhất 2 năm mới giải quyết xong vấn đề này”. Không thể để lao động mất việc, đó là điều chắc chắn - ông khẳng định.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, năm 2015, thương vụ sáp nhập đầu tiên sẽ là Southernbank vào Sacombank, sau đó yêu cầu nhiều ngân hàng yếu kém khác nhập vào ngân hàng lớn. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, NHNN không thể can thiệp sâu vào từng ngân hàng khi kinh doanh, bởi họ sẽ mất quyền tự chủ. NHNN chỉ 2-3 năm thanh tra một lần. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, NHNN sẽ đánh giá lại giá trị thực vốn điều lệ. Nếu phát hiện ngân hàng nào thiếu vốn, NHNN kiên quyết bắt buộc phải tăng vốn. Nếu không tăng được vốn, NHNN sẽ mua phần thiếu để đảm bảo vốn hoạt động”. Ông Thanh khẳng định.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.