Ngành bán lẻ trong nước chênh vênh trước WTO

Từ năm 2015, Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO, cuộc chiến bán lẻ sẽ diễn ra khốc liệt hơn. Đã có một số nhà bán lẻ nội địa hụt hơi, chấp nhận co cụm hoặc hoạt động cầm chừng

Ngay từ đầu năm 2009, doanh nghiệp (DN) phân phối 100% vốn nước ngoài đã được phép thành lập tại Việt Nam. Kể từ thời điểm đó, nhiều cơ sở bán lẻ hiện đại của DN có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập và bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt. Các tập đoàn nước ngoài cũng đổ vào nhiều hơn do Việt Nam được đánh giá là thị trường khá hấp dẫn.

Sức hút từ… đất vàng

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đến thời điểm hiện tại mới khoảng 6%-7%. Tuy nhiên, mỗi tập đoàn có doanh thu rất lớn, tương đương mấy chục siêu thị, DN Việt Nam. Với tiềm lực kinh tế, thương hiệu, kinh nghiệm hàng trăm năm, mối quan hệ với các đối tác lớn trong lĩnh vực bán lẻ, các “ông lớn” ngoại quốc có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến giành thị phần, thậm chí là thâu tóm thị trường.

Ngành bán lẻ trong nước chênh vênh trước WTO ảnh 1

Trung tâm Mua sắm Aeon Mall của Nhật Bản khai trương hoạt động ở quận Tân Phú, TP HCM vào đầu năm 2014 Ảnh: Tấn Thạnh

Kết quả điều tra do Công ty Tư vấn AT Kearney (Mỹ) công bố cuối năm 2013 cho thấy dù Việt Nam ra khỏi tốp 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á (23%), vượt qua cả 2 nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%). Còn theo Bộ Công Thương, kênh bán lẻ hiện đại hiện chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ trong nước, dự báo đến năm 2020, tỉ lệ này sẽ tăng lên 45%.

Những con số tăng trưởng cộng với số dân trên 90 triệu người, dân số trẻ chiếm số lượng lớn, Việt Nam được xem là mảnh đất vàng, tạo lực hút kéo các nhà bán lẻ lớn trên thế giới. Bước sang năm 2014, cạnh tranh trên thị trường bán lẻ sôi động hẳn với sự xuất hiện của hàng loạt nhà đầu tư châu Á.

Những “đại tân binh”

Đầu năm 2014, Trung tâm Mua sắm Aeon Mall (Nhật Bản) khai trương hoạt động ở quận Tân Phú, TP HCM, thu hút sự quan tâm lớn của cư dân thành phố. Sức hút của siêu thị đến từ Nhật Bản mạnh đến mức theo đại diện của Aeon Mall Tân Phú, trước khai trương chính thức 10 ngày, lượng khách tham quan, mua sắm tại trung tâm lên đến 30.000 người/ngày và cao điểm cuối tuần lên đến 70.000 người.

Sau Aeon Mall Tân Phú, Tập đoàn Aeon đang khẩn trương chuẩn bị cho ra đời trung tâm thứ hai tại Bình Dương vào cuối năm nay và thứ ba tại quận Long Biên, Hà Nội. Chia sẻ với báo giới, ông Nagaghisa Oyama, Tổng Giám đốc Aeon Asia, cho biết Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư. Tương lai từ nay đến năm 2020, Aeon sẽ tập trung vào mảng trung tâm mua sắm kết hợp các loại hình siêu thị và cửa hàng tiện ích tại TP HCM, Hà Nội.

Một “đại gia” ở châu Á đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2008 là Lotte Mart cũng liên tục khởi công và khai trương một loạt đại siêu thị ở Bình Thuận và Hà Nội, tất cả các siêu thị này đều có diện tích không dưới 10.000 m2.

Kể từ khi mở Trung tâm Thương mại Lotte Mart đầu tiên tại Việt Nam ở khu Nam Sài Gòn, đến nay Lotte Mart đã mở được 7 trung tâm thương mại. Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 3 trung tâm nữa đi vào hoạt động ở TP HCM, Hà Nội, Vũng Tàu.

Kế hoạch năm 2015, Lotte Mart sẽ mở thêm 10 trung tâm nữa, tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng… Đây là một trong những bước đi của Lotte Mart nhằm hướng đến mục tiêu sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam và vươn lên trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Không chỉ có các nhà đầu tư trong khu vực, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới cũng đang chạy đua vào Việt Nam. Tập đoàn Auchan (Pháp) cam kết đầu tư 500 triệu USD trong vòng 10 năm.

Walmart cũng tuyên bố đầu tư mở siêu thị và đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, xúc tiến mua một số mặt hàng của Việt Nam để xuất khẩu vào hệ thống siêu thị Walmart tại Canada, Chile, Mexico, Trung Quốc.

Hệ thống Big C sau 16 năm có mặt tại Việt Nam đã mở được gần 30 siêu thị và không ngừng mở rộng chuỗi phân phối, đa dạng hình thức kinh doanh. Trong nước, các thương hiệu Co.opmart, VinatexMart… cũng đang rốt ráo chạy đua mở rộng mạng lưới.

Mapletree liên kết với Saigon Co.op

Một “ông lớn” khác đến từ Singapore là nhà bán lẻ Mapletree cũng đã liên kết với Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) trong các dự án trung tâm mua sắm hiện đại. Dự kiến, dự án hợp tác đầu tiên giữa 2 bên là Trung tâm Thương mại SG Vivo City với diện tích bán lẻ 72.000 m2 trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD sẽ hoàn thành vào đầu năm 2015. Mapletree không chỉ hợp tác xây dựng trung tâm mua sắm, khu phức hợp thương mại với Saigon Co.op mà còn cam kết đầu tư 1 tỉ USD cho bán lẻ.

Theo Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.