Nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng: Việt Nam phải trả lại tiền đã vay của Nhật

Mô hình dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.
Mô hình dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.
TP - Đây là khẳng định của ông Yamamoto Kenichi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) trong cuộc họp báo sáng 1/4.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Yamamoto Kenichi cho biết: “Chúng tôi thừa nhận có việc đưa hối lộ xảy ra trong gói tư vấn thiết kế kỹ thuật tại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên).

Đây là lỗi của người đưa và nhận hối lộ nên chỉ xử lý họ, dự án vẫn được Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA để triển khai tiếp, nhưng đang tạm dừng để rà soát”. Theo ông Yamamoto Kenichi, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu phía Việt Nam phải trả lại toàn bộ số tiền đã vay và giải ngân cho gói tư vấn kỹ thuật, do Cty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) thực hiện.

Theo Bộ GTVT, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật. Hợp đồng tư vấn thiết kế đã giải ngân khoảng 80% số tiền Yên và 69% tiền Việt. Dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay từ JICA, với tổng trị giá 21,271 tỷ Yên.

Để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng tại các dự án ODA có thể xảy ra, đại diện JICA cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Bộ KH&ĐT, Tài chính thảo luận để đưa ra quy chế có đơn vị thứ 3 tham gia. Đơn vị thứ 3 sẽ không liên quan tới dự án, có chức năng giám sát.

Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, chậm tiến độ… đơn vị này sẽ có đánh giá độc lập để cơ quan chức năng xử lý. “Quy chế này đang được bàn thảo, vì Việt Nam thường chậm trễ”, ông Mori Mutsuya, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam nói.

Ông Mori Mutsuya cho rằng, vụ JTC đưa hối lộ cho quan chức đường sắt Việt Nam là vụ tham nhũng thứ 2 xảy ra tại các dự án sử dụng ODA của Nhật Bản (sau vụ tham nhũng tại Dự án Đại lộ Đông - Tây thành phố HCM năm 2008).

“Tôi tha thiết mong đây sẽ là vụ việc cuối cùng xảy ra tại các dự án sử dụng ODA của Nhật. Nếu có thêm vụ việc thứ 3, có thể người dân Nhật sẽ yêu cầu dừng cấp ODA cho Việt Nam. Cả Nhật Bản và Việt Nam cần rút kinh nghiệm, bắt tay vào làm nghiêm túc, nếu không sẽ không có đường thoát nữa”, ông Mori Mutsuya nói.

Trước đó, tháng 3/2014, ông Tamio Kakinuma (Giám đốc JTC) thừa nhận với cơ quan công tố Tokyo (Nhật Bản) đã “lại quả” 80 triệu Yên (tương đương 16,4 tỷ đồng), cho các lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam.

Về chương trình sử dụng vốn ODA Nhật Bản trong năm 2015, đại diện JICA cho biết: Ngoài các dự án hạ tầng, năm nay sẽ tập trung triển khai Dự án thiết lập đường dây nóng về phòng chống mua bán người (đường dây nóng: 18001567); Dự án Sổ tay sức khỏe bà mẹ trẻ em…

MỚI - NÓNG