Nguy cơ dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Đến hết tháng 11/2014, nếu tỷ lệ lao động Việt Nam vẫn bỏ trốn ở mức cao như hiện nay, nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc là chắc chắn. Ảnh: Bảo Anh
Đến hết tháng 11/2014, nếu tỷ lệ lao động Việt Nam vẫn bỏ trốn ở mức cao như hiện nay, nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc là chắc chắn. Ảnh: Bảo Anh
TP - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tại cuộc họp bàn biện pháp chống lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc với UBND Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình ngày 2/4.

Theo ông Hòa, cuối tháng 11/2014, khi Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc hết hiệu lực, nếu tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn vẫn cao, chắc chắn Hàn Quốc sẽ dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam nữa.

Theo ông Hòa, để tránh tình huống xấu xảy ra, tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao triển khai quyết liệt Nghị định 95 của Chính phủ (xử phạt hành chính đối với người lao động bỏ trốn khi đi làm việc ở nước ngoài). “Theo quy định, lao động nào bỏ trốn sẽ bị xử phạt 100 triệu đồng. Khoản tiền này, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam sẽ thực hiện”, ông Hòa cho biết.

Trước đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tại Việt Nam, ông Hòa đề nghị Hàn Quốc giúp Việt Nam hai việc. Trước hết, giúp Việt Nam tăng cường quản lý lao động bỏ trốn. “Nếu Hàn Quốc không làm việc này, chúng tôi có thể hiểu là có vẻ Hàn Quốc đang dung túng cho lao động bất hợp pháp Việt Nam”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, thực tế, cơ quan chức năng Hàn Quốc thừa biết lao động bất hợp pháp của Việt Nam. “Nhưng vấn đề là Hàn Quốc có chịu làm hay không. Vì sao biết lao động bất hợp pháp lại vẫn để thế. Tôi đề nghị với Hàn Quốc dứt khoát phải tăng cường quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành tốt, nhưng phải có thái độ cứng rắn với lao động bỏ trốn”, ông Hòa nói.

Thứ hai, hỗ trợ Việt Nam trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động (NLĐ). Đây là điều kiện để giúp Việt Nam có điều kiện cưỡng chế lao động bỏ trốn vì số tiền rất lớn (trên 5.000 USD). Nếu khoản tiền này chi trả cho NLĐ ở Việt Nam, chắc chắn tỷ lệ lao động bỏ trốn sẽ giảm xuống. “Hàn Quốc yên tâm là chúng tôi sẽ sử dụng khoản tiền này công khai, minh bạch, không có chuyện nhập nhèm gì ở đây cả”, ông Hòa nhấn mạnh.

Ngày 2/4, ông Choi Byung Gie, Giám đốc HRD tại Việt Nam cho biết, vì tỷ lệ lao động Việt Nam, bỏ trốn cao, nên chủ sử dụng Hàn Quốc đã quay sang tiếp nhận lao động Campuchia và Indonesia.

Campuchia soán ngôi Việt Nam

“Nếu như trước đây, Việt Nam là nước có số lượng lao động được tiếp nhận nhiều nhất trong số 15 nước phái cử lao động vào Hàn Quốc. Nay, vị trí số một của Việt Nam đã rơi vào tay của lao động Campuchia”, ông Choi khẳng định.

Ông Choi cho biết, có 14.000 lao động Việt Nam đang bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (chiếm tới 40% trong tổng số lao động bỏ trốn của 15 nước). Theo ông Choi, từ năm 2004 đến nay, Hàn Quốc đã tiếp nhận 74.000 lao động Việt Nam theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép mới dành cho NLĐ nước ngoài của Hàn Quốc).

Theo ông Choi, thu nhập trung bình của lao động Việt Nam vào khoảng 1.500 USD/tháng. “Theo một cuộc điều tra, lao động Việt Nam bỏ trốn là những người phải vay nóng với lãi suất cao. Theo điều tra, đối tượng này chiếm tới 16%. Do đó, cơ quan chức năng cần quan tâm để có biện pháp ngăn chặn”, ông Choi nói.

Ông Choi cho biết, năm 2014, chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài của Hàn Quốc là 53.000 người, nhưng lao động Việt Nam chỉ có tỷ lệ rất ít do bị dừng Chương trình EPS và Bản ghi nhớ đặc biệt giữa hai Chính phủ (thực hiện trong một năm) chỉ ưu tiên một số đối tượng lao động (lao động trung thành, về nước đúng hạn...).

Theo ông Lương Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), tỷ lệ NLĐ Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động trong tháng 10/2013 đã giảm xuống 38,2%. Nhưng đến tháng 11/2013 tăng lên tới 42,5% và tháng 1/2014 tăng vọt lên 49%. “Mỗi năm, NLĐ từ Hàn Quốc gửi về nước khoảng trên 700 triệu USD. Đây là khoản ngoại tệ rất quan trọng, đáng tiếc là vì tỷ lệ lao động bỏ trốn cao đã khiến Hàn Quốc dừng Chương trình EPS”, ông Long nói.

Ông Long cũng thừa nhận, hạn ngạch cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014 sẽ không nhiều. Theo yêu cầu của phía Hàn Quốc, cuối tháng 11/2014, trước khi Bản Ghi nhớ đặc biệt hết hiệu lực, căn cứ tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp, hai bên sẽ xem xét liệu có tiếp tục ký Bản Ghi nhớ bình thường Chương trình EPS hay không.

Lao động nào có cơ hội sang Hàn Quốc trong 2014?

Có 3 nhóm đối tượng sẽ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014. Gồm: NLĐ đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn (tháng 12/2011, 5/2012, 8/2012) sẽ được gia hạn chứng chỉ tiếng Hàn (nếu hết hạn) và hoàn thiện lại hồ sơ giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn.

NLĐ đăng ký dự thi tiếng Hàn trên máy tính trong ngành nông nghiệp vào tháng 8/2012 sẽ được dự thi tiếng Hàn ngày 23/3/2014.

NLĐ hoàn thành hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn, đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính nhưng không được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động cũ lựa chọn, sẽ được hoàn thiện lại hồ sơ để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động mới.

MỚI - NÓNG